Nằm trên ngọn đồi Charanandri, bang Maharashtra, tây Ấn Độ, Ellora là quần thể hang động tráng lệ và khổng lồ bao gồm 34 cấu trúc tôn giáo chạm khắc trên đá độc đáo cổ xưa vùng Nam Á.
Khu quần thể hang động này hiện có 12 công trình hang động Phật giáo, 17 hang động Hindu giáo và 5 công trình hang động Jaina giáo đã có từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 10.
Đây được xem là những minh chứng sống động cho thời kỳ hưng thịnh và hòa hợp của các tôn giáo lớn kể trên của Ấn Độ.
Quần thể hang động Ellora với kiến trúc đá được cắt xẻ vô cùng điêu luyện đã được Unesco công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1983, trở thành điểm thu hút rất nhiều khách du lịch ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
Hang động Phật giáo ở Ellora
Các hang động Phật giáo, còn gọi là hang động Vishvakarma là công trình kiến trúc ra đời sớm nhất tại Ellora, có niên đại từ năm 500 – 750 sau Công nguyên.
Hang động Hindu giáo ở Ellora
Ra đời trong thời kỳ hồi sinh và thịnh vượng của Hindu giáo (Ấn Độ giáo), quần thể công trình hang động Hindu giáo mang một phong cách sáng tạo cùng kỹ nghệ hoàn toàn khác so với các hang động Phật giáo.
Hang động Hindu giáo cổ nhất ở Ấn Độ có niên đại từ 600 năm sau Công nguyên, đúng vào thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo.
Các ngôi đền Hindu giáo được chạm khắc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong và phải trải qua hàng thế hệ, qua nhiều đời vua người ta mới cho xây dựng xong chúng.
Ngược lại với bức tượng Đức Phật thanh thản và trang nghiêm trong các hang động được xây dựng từ nhiều đời trước, các bức tường trong các ngôi đền Hindu giáo khoác lên mình các bức phù điêu tinh xảo, sinh động miêu tả các sự kiện có trong kinh Hindu giáo, trong đó có các hang động dành riêng cho việc thờ thần Shiva tối cao và đấng bảo hộ Vishnu.
Hang động đạo Jain ở Ellora
Nằm tách biệt với quần thể hang động Phật giáo và Hindu giáo khá xa là hệ thống 4 hang động của đạo Jain (Kỳ Na giáo), một tôn giáo hướng đến cuộc sống tích cực thông qua việc thanh lọc chính bản thân.
Những hang này có niên đại từ cuối những năm 800 và 900 sau Công nguyên, mang đậm dấu ấn của triết học và truyền thống đạo Jain.
Mặc dù không bề thế về số lượng so với hai quần thể hang động trên, quần thể kiến trúc Jain giáo lại chứa đựng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo bao gồm các bức tranh trên trần nhà, các bức phù điêu chạm khắc tinh xảo cùng các mảnh ghép có từ xa xưa đang còn tồn tại đến ngày nay.