Những kim tự tháp ban đầu được xây dựng nhằm mục đích khác, sau đó mới được sử dụng để làm nơi chôn cất các pharaoh. Đây là nhận định mới của các nhà khoa học Nga, được tuần báo Itogi đăng tải.

Các nhà khảo cổ Nga quyết định bác bỏ quan điểm chung của thế giới về việc kim tự tháp chỉ là nơi chôn cất các pharaoh. Không loại trừ việc chôn cất chỉ có rất lâu sau đó, còn khi xây dựng chúng nhắm đến cái đích khác.


“Những người đầu tiên nghiên cứu kim tự tháp vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 tin rằng đây là nơi chôn cất pharaoh, bởi nơi đó có xác của họ” - Trưởng nhóm khảo cổ Aleksandr Petykhov, người Nga, nói. Chính vì thế họ đặt tên cho những nơi này là “Hầm mộ của vua”, “Hầm mộ nữ hoàng”... Tuy thế, ngay cả các nhà chuyên nghiên cứu về Ai Cập như Vojtech Zamarovsky (Czech) và Jean-Philippe Lauer (Pháp) cũng thừa nhận: Kim tự tháp lớn nhất, nơi có hầm mộ chôn cất pharaoh Cheops (Khufu) và có khắc tên vị vua này chỉ mang ý nghĩa thứ hai. Bởi rất ít khi có ai đến nơi đó. Sau này nhà khảo cổ nổi tiếng người Mỹ Zecharia Sitchin còn khẳng định dòng chữ tên pharaoh Cheops là “đồ giả” do ai đó khắc sau này, nhưng không rõ nhằm mục đích gì.


Khám phá mới về kim tự tháp
Một kim tự tháp của nền văn minh Maya ở Chichen Itza, Mexico - Ảnh: Wikipedia

Nhà nghiên cứu và là nhà văn Anh Graham Hancock phân tích kết cấu bên trong của các kim tự tháp nổi tiếng nhất đi đến kết luận: Trong đó có chỗ để mang quan tài vào, nhưng lạ thay nếu bò vào đó quả là rất khó khăn. Nhà Ai Cập học người Anh James Quibell sau khi xem xét hầm mộ trong kim tự tháp của Djoser đã viết những dòng như sau: Có thể đưa xác chết qua một lỗ thủng vào mái che phía trên hầm mộ, nhưng để đặt vào sàn nhà phía dưới hoàn toàn là điều không tưởng, vì hầm mộ quá chật chội. Hầm mộ của Djoser nằm sâu bên dưới khoảng 30m (!), lát đá granite và hầu như ban đầu nó được xây dựng không phải để làm hầm mộ. Quibell nhận định: có lẽ chính vị pharaoh đã đề nghị xây chiếc hầm như thế, hoặc giả nó được thiết kế như thế để tránh mối nguy hiểm nào đó.


Trong vật lý hiện đại, một ngôi hầm nhỏ, nằm dưới sâu gia tốc tạo hạt neutrino, nguyên liệu nguyên tử, lò phản ứng hạt nhân... những thiết bị và các chất có thể gây hại cho con người. Hơn thế đá granite ở đó có tác dụng hấp thụ chất phóng xạ. Có thể nơi đây từng là chỗ để cất giấu chất phóng xạ (!?).


Khám phá mới về kim tự tháp
Kim tự tháp của pharaoh Cheops ở Ai Cập

Quan trọng hơn ngay cạnh hầm mộ Djoser có hình vẽ con rắn hổ mang mà nọc độc của nó có thể làm chết người. Hình vẽ ấy giống như chiếc đầu lâu và 2 khúc xương bắt chéo ngày nay nhằm cảnh báo nguy hiểm chết người. Thật đáng ngạc nhiên là hầm mộ của pharaoh Cheops có đến 5 lớp đá granite. Hầm mộ tại kim tự tháp của các pharaoh như Snefru, Sekhemkhet, Userkaf, Mikerin... đều có kết cấu tương tự. Ngay cạnh kim tự tháp của Cheops người ta còn tìm thấy một hầm sâu 29m, ở đó cũng có chiếc quan tài rỗng. Các nhà Ai Cập học đưa ra giả thiết: hầm này là nơi đưa công nhân lên sau khi đã xây kim tự tháp. Giả thiết này không mấy thuyết phục.


Còn nhiều bí ẩn


“Con người tự sáng tạo nên thần thoại, cho dù đôi khi điều kỳ diệu diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Không phải vô cớ mà các kim tự tháp Ai Cập được xếp vào “bảy kỳ quan thế giới”. Được xây dựng như lăng mộ của các vua Ai Cập cổ đại, chúng đảm bảo cho linh hồn bất tử của họ nơi chốn vĩnh viễn. Tại các kim tự tháp có khắc chữ tượng hình, giống như ở các công trình khác thời đó. Đây là nguồn tư liệu giàu có cho các nhà sử học. Tuy thế kim tự tháp còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn”- Roman Orakhov, Trưởng phòng nghiên cứu sinh Trung tâm nghiên cứu Ai Cập thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói.

Tiếp tục nghiên cứu kim tự tháp ở các vùng đất khác, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn, dưới kim tự tháp Mặt trời ở thung lũng Teotihuacan, Mexico, cũng có đường hầm dài 103m, chạy trong hang động tự nhiên và nằm hầu như chính giữa công trình xây dựng này. Hang động này có 4 ngôi hầm, mỗi chiếc có chu vi 28m. Trong hầm người ta tìm thấy các đồ vật làm từ đá phiến, gương, hệ thống thoát nước có các ống dẫn làm bằng đá. Còn trong kim tự tháp người ta tìm thấy lớp mi ca dày 7 cm (có thông tin cho rằng dày đến 30 cm) giữa hai lớp kiến tạo phía trên. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mi ca không dùng để làm đẹp nội thất. Hiện nay, người ta dùng mi ca để che chắn bức xạ điện từ và dùng trong các lò phản ứng hạt nhân.

Cạnh kim tự tháp Mặt trời có đền Mica. Trong đền có vài căn phòng ngầm dưới đất, phía trên được che chắn bởi những khối đá. Cho dù gọi là đền nhưng các nhà khảo cổ học lại không tìm thấy các vật dụng thờ cúng của tôn giáo. Giống như kim tự tháp Mặt trời, dưới ngôi đền này cũng có những lớp mi ca. Không còn nghi ngờ gì nữa, lớp mi ca có ở đây được lắp đặt khá bằng phẳng là có chủ đích. Dường như đền Mica là cơ sở kỹ thuật nào đó. Chẳng hạn, đây là nơi đặt trạm phát điện và có thể nó có liên quan đến kim tự tháp Mặt trời, các nhà khoa học đặt giả thiết. Từ “pyramidos” trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là lửa (năng lượng) và không có gì liên quan đến pharaoh cả. Có cảm giác như các nhà Ai Cập học không chú ý lắm về khía cạnh ngôn ngữ khi nghiên cứu các kim tự tháp. Phải chăng ngay từ ban đầu kim tự tháp được xây dựng để phục vụ cho các công trình kỹ thuật nào đó của tiền nhân?

Theo Hoàng Hoài Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.