07/10/2010 10:24 AM
Năm 1010, thành Đại La trở thành thành Thăng Long. Vậy thời điểm đó ai là người trao thành Đại La cho Lý Công Uẩn?
Dựa theo những ghi chép từ lịch sử, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng Thành Đại La được xây dựng từ năm 621 do Đại tổng quản Giao Châu của nhà Đường là Khâu Hòa thực hiện. Sau gần 400 năm, thành Đại La trở thành thành Thăng Long.

Cửa Bắc Hoàng Thành.

Theo ghi chép của thần phả, thần tích và rất nhiều tài liệu khác thì Lưu Cơ là người trông coi toà thành Đại La cho đến tháng 7 năm 1010 (âm lịch) khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

“Chính khách” ít được nhắc tới

Thời điểm trao thành Đại La lại cho nhà Lý, Lưu Cơ đã gần 70 tuổi, đó cũng là lúc ông cáo quan về hưu. Ngược lại thời gian trước đó, sau khi thống lĩnh thiên hạ, dẹp yên 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng đã chọn Hoa Lư làm kinh đô chứ không phải là Đại La hay Cổ Loa. Thành Đại La được giao cho Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ quản lý.

Như vậy, Lưu Cơ là người đã cai quản và tu sửa thành Đại La cho đến lúc nhà Lý ra tiếp quản toà thành này trong quãng thời gian hơn 40 năm. Trước đó, thành Đại La là dinh thự hành chính của các triều đại phong kiến phương Bắc sang đô hộ nước ta. Toà thành này mang đậm kiến trúc và phong thuỷ lệ thuộc phong kiến phương Bắc. Trước khi "bàn giao" thành lại cho Lý Công Uẩn, Lưu Cơ đã có công cải tạo thành một toà thành của nước Đại Việt.

Công lao gìn giữ, cải tạo của Thái sư Lưu Cơ được Tiến sĩ Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á lý giải: "Thành Đại La cũng như thành Luy Lâu do Sĩ Nhiếp đắp trước đó đều mang bản chất là thành hướng Bắc. Dựa vào ghi chép trong An Nam chí lược và Việt Sử lược (sách viết vào khoảng đời Trần) thì tòa thành Đại La do Trương Bá Nghi và Cao Biền đắp đều có bốn mặt hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Ghi chép của An Nam chí lược về tòa thành do Trương Bá Nghi đắp cho biết rõ mặt thành phía Bắc là mặt chính, mở ba cửa và trên đó đều có lầu che. Hai mặt Đông, Tây cũng có ba cửa không lầu che. Riêng mặt Nam là mặt thông với khu dân cư mở tới 5 cửa trên đặt trống, loa. Như vậy, cũng giống như Luy Lâu, mặt Nam thành tuy là mặt phụ nhưng lại dành cho các hoạt động dân cư, còn mặt chính mang tính nghi lễ ngoảnh về phía Bắc".

Khách tham quan trước lầu công chúa.

Trước khi trao thành cho vua nhà Lý, toà thành này hoàn toàn đã ngoảnh về hướng Nam như một sự minh định sự độc lập tự chủ. Tiến sĩ Nguyễn Việt cho rằng: "Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La thuộc địa hướng Bắc trở thành một tòa thành hướng Nam độc lập tự chủ. Vì khi đó, Hoàng đế Đại Việt ở Hoa Lư, tức ở về phía Nam tòa thành Đại La. Vì vậy, chắc chắn mọi hướng nhìn của cổng thành và dinh thự đời các Tiết độ sứ cũ phải được sửa đổi. Ðó chính là điều lý giải hợp lý nhất cho sự có mặt phong phú di tích kiến trúc Hoa Lư tại các cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long gần đây".

Như vậy, nhắc đến nhân vật trao lại thành Đại La cho Lý Công Uẩn, còn phải nói đến công lao biến một toà thành phục vụ cho phong kiến phương Bắc thành một toà thành độc lập của nước Đại Việt.

Lưu Cơ là ai?

Đó là câu hỏi không ít người đặt ra khi mà Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã điểm. Nghìn năm qua, người ta nhớ dấu mốc Lý Công Uẩn dời đô chứ không nhớ nhiều đến người trao lại kinh đô. Lưu Cơ không chỉ đơn thuần là người trao lại "sổ đỏ" thành Đại La cho vương triều nhà Lý mà vị Thái sư này còn được biết đến là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh. Ông có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân, dân gian thường nhắc đến ông là một trong tứ trụ triều Đinh gồm: Bặc (Nguyễn Bặc), Điền (Đinh Điền), Cơ (Lưu Cơ), Tú (Trịnh Tú).

Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Lưu Cơ người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Ninh Bình). Từ thuở nhỏ, ông đã cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú kết bạn với Đinh Bộ Lĩnh, cùng nhau chơi trò đánh trận cờ lau.

Đền thờ Thái sư Lưu Cơ ở Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Theo một số thần tích và ghi chép khác thì Lưu Cơ người quê ở Bồ Bát, Bạch Liên, Yên Mô, Ninh Bình, là đồng hương gần với Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú. Lớn lên theo học Tri Hối tiên sinh ở Gia Viễn. Sau khi cha mẹ mất, ngoài 20 tuổi ông theo Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc, trực tiếp dẹp sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại. Trong buổi thiết triều xưng danh quan tước đầu tiên của triều đình nhà Đinh, theo Việt sử lược, ông đứng tên đầu và được trao chức Thái sư Đô hộ phủ, cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở Phủ Đô hộ cũ, tức thành Đại La.

Lưu Cơ là tướng đi theo Đinh Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư thời nhà Ngô. Cả Đinh Điền, Trịnh Tú và Nguyễn Bặc cũng tham gia vào lực lượng này. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công, Đinh Điền được phong làm Ngoại giáp, Lưu Cơ được phong làm Đô hộ phủ sĩ sư. Theo Đại Việt Sử Lược thì chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư của Lưu Cơ chính là Thái sư ở Đô hộ phủ Đại La.

Theo ý kiến khác dựa vào thần phả các di tích thành Đại La thì Lưu Cơ là Thái sư Đô hộ phủ, cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở Phủ Đô hộ cũ, tức thành Đại La. Khi đó ông chừng 30 tuổi. Ông làm quan đến gần 70 tuổi thì cáo lão về hưu trí ở quê nhà, 3 năm sau thì mất, thọ 73 tuổi.

Hiện đền thờ ông còn ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên (đất Siêu Loại cũ). Tương truyền đó là nơi ông đóng quân dẹp loạn sứ quân Lý Khuê năm 967.

Hôm nay, chúng tôi quay lại Đại Đồng, nơi năm xưa Lưu Cơ đã dẹp một trong 12 loạn sứ quân. Đó là một vùng quê yên bình, chỉ cách Hà Nội hơn 30km. 10 thế kỷ trôi qua, mọi thứ đã đổi khác, chỉ còn ngôi đền người dân lập nên để thờ ông. Ngôi đền nhỏ được người dân hương khói chu đáo hàng trăm năm nay là một di tích trong quần thể di tích thuộc xã Đại Đồng. Mảnh đất này là nơi còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Và đặc biệt, đó là nơi ghi lại dấu tích của Thái sư Lưu Cơ, người đã có công lao rất lớn đối với Hoàng thành Thăng Long.

Lý Nam Đế là vị vua đầu tiên đóng đô ở nơi mà sau này Lý Thái Tổ dời đô đến, nơi trở thành Thăng Long. Năm 621, thành do Đại tổng quản Giao Châu của nhà Đường là Khâu Hòa đắp, gọi là Tử Thành, có chu vi 900 bộ. Kế đó, vào năm 767, Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi đã cho đắp thêm cao hơn, gọi là La Thành.

Năm 791, một quan cai trị khác là Triệu Xương đắp lại kiên cố hơn. Năm 808, Trương Chu đắp thêm một lần nữa... Đến năm 866, Cao Biền đến đây "giữ phủ xưng vương" và đắp thành hoành tráng như đã nói. Nhưng Thành Long Biên của Lý Nam Đế là tiền thân xưa nhất của thành Đại La. Ở thành này, Lý Nam Đế đã dựng cung Vạn Thọ làm nơi triều hội và xây chùa Khai Quốc tồn tại đến ngày nay (nay là chùa Trấn Quốc).

Cafeland.vn - Theo Gia đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.