20/12/2014 9:10 PM
Các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng quy hoạch năm 2008 của vùng TPHCM còn quá nhiều bất cập trong việc kiểm soát và định hướng phát triển, và do vậy cần đưa ra những ý tưởng mới điều chỉnh quy hoạch dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoach về giao thông được coi là những quy hoạch kém thức tế nhất - Ảnh: Anh Quân

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo quốc tế "Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" được tổ chức hôm 19-12 tại TPHCM.

Hội thảo do Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam thuộc Bộ Xây dựng tổ chức nhằm đánh giá những việc đã làm được kể từ khi quy hoạch được phê duyệt năm 2008, đồng thời tìm ra những ý tưởng để điều chỉnh quy hoạch cho đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, đánh giá về việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng TPHCM (gồm 8 tỉnh), ông Ngô Quang Hùng, Viện quy hoạch xây dựng miền Nam, cho biết việc thực hiện các quy hoạch chuyên ngành ở cấp Chính phủ và cấp tỉnh chưa đồng bộ và còn bất cập; việc đô thị hóa quá nhanh thiếu kiểm soát, chưa hình thành các đô thị vệ tinh để giảm tải cho vùng đô thị trung tâm.

Chính vì vậy, ông Hùng cho rằng cần có những ý tưởng điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn với mục tiêu dài hạn.

Nói về những trục trặc giữa quy hoạch và thực tế, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình kinh tế Fulbright, chỉ ra rằng quy hoạch đô thị của TPHCM không hiệu quả do tăng trưởng dân số thường không được đánh giá đúng mức khiến cho quy hoạch nhanh chóng lỗi thời. Ví dụ, trong quy hoạch năm 1993 đến năm 2010, dân số được chốt ở mức 5 triệu người; tuy nhiên, quy mô dân số chính thức đã vượt mức 5 triệu người năm 1998 và 7,4 triệu năm 2010.

Bên cạnh đó, quy hoạch thường đề ra những mức đầu tư phi thực tế và không thuyết phục vì không đánh giá hết phương án sử dụng đất hay chính sách giao thông. Hiện tại, có nhiều quy hoạch khác nhau và mâu thuẫn nên không rõ quy hoạch nào sẽ bao trùm.

Trong số các quy hoạch thì giao thông là lĩnh vực được quy hoạch và thực hiện kém thực tế nhất. Đơn cử như tổng vốn cho các dự án giao thông của TPHCM đến hết năm 2020 trong quy hoạch năm 2008 là 43 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, mức đầu tư thực tế trong vòng 5 năm qua chỉ là 2,1 tỉ đô la và chiếm 5,08% tổng vốn yêu cầu.

Rút kinh nghiệm từ quy hoạch các đô thị lớn, giáo sư Frank Schwartze, Trưởng nhóm tư vấn quốc tế cho vùng TPHCM, cho rằng những năm tới cần khuyến khích phát triển về phía Bắc và phía Đông (khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu) để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giữ lại các không gian mở trong những khu vực bị đô thị hóa.

Quy hoạch phải do một cơ quan điều phối chung thay vì thực hiện theo ngành. Việc quy hoạch vùng cũng phải có tính tương tác với địa phương.

Cụ thể hơn, chuyên gia về quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn đề xuất, để phát triển bền vững vùng TPHCM trước tiên cần ưu tiên hoàn thành hệ thống đường cao tốc nối các địa phương trong vùng.

Thứ hai, phải xây dựng một chính quyền vùng đô thị, đây được coi là bộ máy quản lý đô thị đa ngành và giúp kết nối và quản lý mạng lưới đô thị vùng một cách hiệu quả.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc phát triển vùng là giải quyết hài hòa lợi ích chung và riêng giữa chính quyền đô thị vùng và chính quyền các địa phương.

Lê Anh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.