Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ sẽ sang thăm Việt Nam trong 5 ngày. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ hoàng gia Bỉ thăm chính thức Việt Nam.
Tháp tùng Nhà vua và Hoàng hậu là phái đoàn cấp cao gần 150 người, bao gồm nhiều thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của 5 Bộ trưởng đại diện đầy đủ cho các vùng hành chính của Bỉ: Flanders, Wallonia và vùng Thủ đô Brussels. Việc Việt Nam được chọn là điểm đến ngoài Liên minh châu Âu (EU) duy nhất trong năm nay cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của Bỉ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký kết 4 văn kiện cấp cao tại Phủ Chủ tịch, cùng với 21 văn bản hợp tác khác tại Hà Nội và 9 văn kiện tại TP.HCM. Các lĩnh vực hợp tác trải dài từ thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, khoa học – công nghệ, giáo dục, đến xử lý hậu quả chiến tranh và phát triển bền vững.
Hiện nay, Bỉ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt 3,7 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Bỉ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 886 triệu USD hàng hóa từ Bỉ. Bên cạnh thương mại, đầu tư của Bỉ vào Việt Nam cũng đang tăng trưởng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và logistics.
Điển hình như Công ty John Cockerill của Bỉ đang đầu tư phát triển dây chuyền sản xuất thiết bị điện phân hydrogen tại Việt Nam, một công nghệ then chốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây không chỉ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, mà còn là dấu hiệu cho thấy Bỉ mong muốn trở thành đối tác dài hạn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.
Về hợp tác phát triển, Bỉ từng là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973. Quan hệ hai nước được đánh giá là phát triển toàn diện trên cả kênh song phương và đa phương. Năm 2018, hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp, với nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các trường đại học và viện nghiên cứu nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần nông sản, phát triển chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu vào châu Âu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM, gặp gỡ các nạn nhân chất độc da cam, thể hiện cam kết đồng hành cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hợp tác giáo dục cũng là điểm sáng trong quan hệ Việt – Bỉ với hơn 5.000 cựu du học sinh Việt Nam từng học tại các trường đại học danh tiếng của Bỉ. Họ đang đóng vai trò quan trọng như những “cầu nối” học thuật, công nghệ và kinh doanh giữa hai nước.
Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và công nghệ dược phẩm, Bỉ cũng đang thể hiện vai trò đối tác chiến lược. Trung tâm nghiên cứu và sản xuất lớn nhất của tập đoàn GSK, một trong những hãng dược hàng đầu thế giới được đặt tại Bỉ. Đáng chú ý, khoảng 30% dân số Việt Nam hiện đã được tiêm các loại vaccine từ GSK, phản ánh sự kết nối thiết thực giữa hệ thống y tế hai quốc gia.
Với lịch trình dày đặc và nội dung hợp tác sâu rộng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde tới Việt Nam sẽ không chỉ là một sự kiện ngoại giao mang tính biểu tượng, mà còn là bước khởi đầu cho giai đoạn hợp tác toàn diện và bền vững hơn nữa giữa Việt Nam và Bỉ trong nửa thế kỷ tiếp theo.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp nguyên thủ quốc gia Brazil
Sáng 28/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Luiz Inácio Lula da Silva trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của ông tới Việt Nam từ ngày 27-29/3 theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.
-
Kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025: Nhiều kết quả tích cực
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều kết quả tích cực với vốn FDI đăng ký đạt 6,9 tỷ USD, tăng 35,5%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, cán cân thương mại duy trì xuất siêu, lượng khách quốc tế tăng mạnh với gần 4 triệu lượt,... theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê.
-
Các yếu tố dự báo sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2025
Mặc dù bức tranh thế giới có nhiều biến động trong năm 2024, song nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Bước sang 2025, giới chuyên gia dự báo sẽ có nhiều yếu tố cả trong nước và quốc tế tác động đến kinh tế Việt.







