Đây là lần thứ tư, Thủ tướng chủ trì một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tái khẳng định, Việt Nam vẫn theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, là vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh, kinh tế nhiều nước suy thoái và có thể kéo dài. Nhiều tổ chức dự báo kinh tế toàn thế giới xấu đi trong năm nay. IMF báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm 3% năm nay, đánh dấu cuộc suy thoái sâu nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930. Trong quý 1, Mỹ tăng trưởng âm còn Trung Quốc đã thấp kỷ lục sau 3 thập kỷ. IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay. Tương tự, các nền kinh tế ASEAN dự báo tăng trưởng âm 0,6% trong năm nay.
Riêng với Việt Nam, cuối tháng 3 Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay. Quý 1/2020, Việt Nam đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm gần đây tuy nhiên đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN. Việt Nam đang theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vừa duy trì hoạt động kinh tế, đi kèm cải cách và cơ cấu, để ngọn lửa tăng trưởng vẫn phải cháy và sớm bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát tốt. Thủ tướng thông tin đến nay Việt Nam cơ bản đẩy lùi, kiểm soát tốt Covid-19 là một điều quan trọng.
Thủ tướng cho rằng giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Ông nhấn mạnh cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như dự báo của IMF chỉ 2,7%. Đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến 5 mũi giáp công để tái khởi động trong lúc này.
Thứ nhất, tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân.
Thứ hai, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thứ ba, tăng cường xuất khẩu.
Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.
“Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp vào phát triển, kinh tế sau dịch phải hình chữ V, chứ không phải chữ U, càng không phải chữ W”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam còn nhiều nút thắt, điều này Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn lo đến. Nhưng hội nghị này không phải là lúc các doanh nghiệp bàn lùi, than nghèo, kể khổ, cần nêu ra trở ngại lớn cả ngành. Chính phủ không thể giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng có thể tìm cách thức giúp doanh nghiệp tăng năng suất, bởi tăng năng suất là bền vững, tạo ra lợi nhuận.
Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp cũng cần cùng nhau sẻ chia, đóng góp cho bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, tinh thần này phải được lan tỏa, phải có kết quả cụ thể. Hội nghị sẽ không có nói suông, không nói rồi để đó, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“Hội nghị phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới. Chẳng hạn về thị trường, về kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy về lao động, thuế phí” Thủ tướng nói.
-
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì trước ngày đối thoại trực tuyến với Thủ tướng?
CafeLand - Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị, đề xuất một loạt giải pháp nhằm phục hồi thị trường bất động sản trước khi tham dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày mai, 9/5.