Cập nhật 14/06/2019 12:57 PM
Các tỷ phú công nghệ từ Jeff Bezos, Elon Musk cho đến Masayoshi Son, Richard Branson đều đang lao vào cuộc đua phóng vệ tinh lên vũ trụ.

Cuộc đua vào vũ trụ của các tỷ phú. Ảnh: congnghe.vn

Khi SpaceX của tỷ phú công nghệ Elon Musk phóng thành công 60 Starlink đầu tiên từ Cape Canaveral ở bang Florida, Mỹ vào cuối tháng 5 vừa qua, hàng chục tấm ảnh chụp những vật thể bay không xác định (UFO) đã được đăng tải lên.

Cùng với đó là những lời cáo buộc rằng SpaceX đang tạo ra “những mảnh vụn không gian” có thể nguy hại đến thiên văn học. “Đã có 4.900 vệ tinh trên quỹ đạo...

Không ai nhìn thấy Starlink trừ khi họ quan sát rất kỹ và Starlink sẽ không ảnh hưởng gì đến những tiến bộ trong ngành thiên văn học”, Musk tranh luận trên Twitter.

Đợt phóng vệ tinh nói trên chỉ là bước đầu trong nỗ lực xây dựng một hạm đội khổng lồ có thể lên tới 12.000 vệ tinh. Đó cũng là động thái tiến công vào ngành vệ tinh của một nhóm tỷ phú công nghệ khi họ tin rằng các vệ tinh nhỏ hơn có thể giữ một vai trò thiết yếu trong việc kết nối gần 4 tỷ người vẫn chưa được kết nối internet.

Jeff Bezos, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Amazon, đã đầu tư vào cuộc đua không gian thông qua công ty tên lửa Blue Origin của mình. Tháng 4 vừa qua, Amazon cũng công bố một kế hoạch gọi là Dự án Kuiper để phóng hạm đội vệ tinh của riêng mình.

Các tỷ phú khác cũng đang nhòm ngó bầu trời. SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son và Virgin Group của tỷ phú Richard Branson đang hậu thuẫn cho startup OneWeb, vốn đã huy động được hơn 3 tỷ USD để xây dựng một hạm đội gồm 650 vệ tinh.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhận thấy tâm lý hưng phấn này ở một hội nghị ngành vệ tinh tại Washington vào tháng 5. “Tổng thống Donald Trump từng nhận xét: “Các tay giàu có đều thích tên lửa”, ông nói.

Cuộc đua khốc liệt

Các công ty trước đây đã phóng các vệ tinh địa tĩnh khổng lồ to bằng một chiếc xe buýt London vào quỹ đạo để “phủ sóng” đến nhiều nơi trên thế giới mà các đường dây viễn thông truyền thống chưa tiếp cận được.

Và trong thập niên vừa qua, các mẫu vệ tinh nhỏ hơn đã xuất hiện như một lựa chọn thay thế với chi phí rẻ hơn và đã chứng tỏ là giải pháp lý tưởng để có thể quan sát trái đất và triển khai các dự án hàn lâm. SpaceX và Amazon đang đầu tư vào các vệ tinh nhỏ này.

SpaceX đã huy động 1 tỷ USD cho đợt phóng vệ tinh nói trên và Musk rất tự tin tuyên bố Starlink có thể tạo ra 30 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

OneWeb, được chống lưng bởi các nhà đầu tư như SoftBank, Qualcomm, Airbus và Coca-Cola, cũng đã phóng các vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên của mình vào tháng 2.2019. Sau đó OneWeb cũng đã huy động được 1,25 tỷ USD vốn đầu tư để hoàn thiện mạng lưới toàn cầu của mình vào năm 2021.

Amazon hiện bước chân vào ngành vệ tinh với kế hoạch phóng hơn 3.000 vệ tinh ở độ cao 590-730 km. Dự án này có mục đích tương tự như SpaceX và OneWeb, đó là nhắm đến những nơi trên thế giới mà công nghệ 5G và kết nối băng thông đường dây cố định chưa thể tiếp cận được.

“Có hàng tỉ con người trên thế giới chưa tiếp cận được internet băng thông rộng. Tầm nhìn của chúng tôi là cung cấp kết nối băng thông tốc độ cao đến cho nhiều cộng đồng chưa được tiếp cận internet trên khắp thế giới”, Amazon cho biết.

Các công ty trong đó có Leosat của Pháp, Telesat của Canada cũng đang có kế hoạch phóng vệ tinh. Cuộc đua phóng vệ tinh cũng cho thấy sự tăng tốc đầu tư vào ngành không gian vũ trụ.

Hãng nghiên cứu Northern Sky Research cho biết 17,8 tỷ USD đã được rót vào 600 công ty trong giai đoạn 2000-2018, trong đó có 7 tỷ USD đã được huy động trong 2 năm qua.

Sau khi rung chuyển ngành ô tô, bán lẻ và các ngành khác, một số nhà quan sát tin rằng các nhà đầu tư tỷ phú có thể cách mạng hóa ngành vệ tinh.

Chad Anderson, CEO hãng đầu tư mạo hiểm Space Angels, cho rằng ngành vệ tinh bị thống trị bởi chưa tới 10 công ty cho đến khi SpaceX giành được một hợp đồng với NASA vào năm 2009. Kể từ đó, hơn 435 công ty không gian vũ trụ đã nhận được tổng cộng 20 tỷ USD vốn đầu tư khi các startup vệ tinh bùng nổ.

“Viễn thông chỉ là ngành mới nhất bị phá bĩnh và nó đã xảy ra trước khi các vệ tinh thậm chí đi vào hoạt động”, ông nói.

Bài học quá khứ

Khi rót vốn vào các hạm đội vệ tinh, các tỷ phú đang đặt cược vào 2 canh bạc riêng lẻ.

Một là họ đặt cược rằng tăng trưởng sẽ bùng nổ trong ngành vệ tinh vào thập niên tới khi nhu cầu thông tin liên lạc tại những nơi như châu Phi tăng mạnh.

Hai là các tỷ phú đặt cược rằng họ có thể giành được một miếng bánh đáng kể trong thị trường này, nhờ phóng một thế hệ mới các vệ tinh siêu nhỏ vào quỹ đạo tầng thấp hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà các tỷ phú đang đối mặt là nhiều trong số các công ty lớn nhất hiện rất chật vật. Avanti Communications (Anh), cũng giống như Amazon và OneWeb, đang nhắm tới việc cung cấp băng thông rộng cho châu Phi, nhưng hãng này bị buộc đổi nợ thành vốn vào năm ngoái và phải huy động 55 triệu USD năm nay từ các quỹ đầu cơ nắm giữ nợ của Hãng.

Eutelsat, một công ty vệ tinh Pháp, đã giảm phân nửa giá trị kể từ năm 2015 và SES (trụ sở tại Luxembourg) được giao dịch chỉ bằng 1/3 mức giá của năm 2015.

“Không một công ty nào trong số các công ty viễn thông (vệ tinh) lớn có khả năng thanh toán và tình trạng này đã như vậy từ rất lâu rồi”, Anderson cho biết. “Phần lớn các công ty này được quăng đi quăng lại giữa các chủ sở hữu như một củ khoai lang nóng phỏng tay và điều đó đang bắt đầu xảy ra một lần nữa”, ông nói thêm.

Sự tồn tại một cách chật vật của một số công ty có thể hàm ý rằng ngành vệ tinh thực sự quá đông đúc và lịch sử có thể lặp lại.

Đó là giai đoạn lịch sử mà Rupert Pearce, CEO của Inmarsat (Anh), không thể nào quên khi ngành chứng kiến sự bùng nổ rồi xì hơi vào đầu thập niên 2000. “Chúng tôi đã xem bộ phim này trước đó. Nó là thể loại phim kinh dị”, ông nhớ lại.

Thực vậy, ngành vệ tinh đã sụp đổ một cách ngoạn mục vào lúc giao thời của thế kỷ này và đã cuốn đi hàng tỷ USD đầu tư trong quá trình đó. Iridium, vốn được chia tách từ Motorola, đã chi 6 tỷ USD xây dựng một mạng lưới vệ tinh vào năm 1998 nhưng chỉ trong vòng 1 năm đã phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản và được bán vào năm 2000 với giá chỉ 25 triệu USD.

Globalstar, một công ty Mỹ khác đã từng đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng, cũng sụp đổ khi vốn hóa thị trường của nó từ mức 7 tỷ USD trong cơn sốt công nghệ xuống còn chỉ 55 triệu USD tại thời điểm bán đi vào năm 2004.

Tình hình kém lạc quan gần đây của các tay chơi lâu năm cũng là hồi chuông cảnh báo cho những người chơi mới. Inmarsat được thành lập vào thập niên 1970, khi đó là một tổ chức liên chính phủ với mục đích cải thiện an toàn hàng hải nhờ sử dụng vệ tinh để bắt tín hiệu cầu cứu từ các con tàu.

Inmarsat là công ty vệ tinh quốc tế đầu tiên được tư nhân hóa vào thập niên 1990 và đã phát triển trở thành một trong những người chơi lớn nhất trong ngành.

Nhưng nay điều đó đã thay đổi. Các chuyên gia đánh giá sự sa sút gần đây của Inmarsat cũng chính là tình cảnh hiện nay của ngành vệ tinh.

Tiềm năng tăng trưởng lạc quan đã đẩy giá cổ phiếu của Inmarsat tăng mạnh nhưng rồi nhanh chóng lao dốc do kết quả kinh doanh xập xình.

Vào năm 2010, Inmarsat quyết định đầu tư vào một hạm đội vệ tinh mới gọi là Global Xpress. Hạm đội mới này ngốn của Công ty hơn 2 tỷ bảng Anh với mục đích mở ra các thị trường mới cho Inmarsat trong đó có WiFi trên máy bay cho thị trường châu Âu.

Global Xpress được thành lập như một đơn vị độc lập thuộc Inmarsat và có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ, cách rất xa so với trụ sở của Công ty ở London.

Đợt phóng tên lửa Proton không thành công vào năm 2015 tại Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan đã khiến kế hoạch của Inmarsat đi chệch hướng. Thất bại đó đã trì hoãn đợt phóng của Global Xpress tới 2 năm khi kinh doanh của Inmarsat gặp khó.

Công ty đã bắt đầu vay mượn để trả cổ tức và giá cổ phiếu, vốn đạt đỉnh 11 bảng Anh vào năm 2016, đã giảm xuống còn 1/3 giá trị chỉ trong vòng 2 năm.

Trong một thương vụ dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay, Inmarsat đã được bán cho một nhóm công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân với giá chưa tới 50% giá trị cách đây 3 năm.

Dù tình hình của các tay chơi lâu năm trong ngành không mấy khả quan, nhưng ông Anderson tin rằng cuộc đua không gian vũ trụ đang bước vào một giai đoạn mới được dẫn dắt bởi Elon Musk và Jeff Bezos khi cả hai đều sở hữu các công ty tên lửa riêng và các công ty vệ tinh mới thành lập.

Quan trọng là những tỷ phú này đều rất hứng thú với cuộc đua mới và điều đó chắc chắn sẽ đe dọa các người chơi lâu năm trong ngành.

Ngọc Thắm (VNE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.