Không lâu sau khi chiến thắng trong gameshow Vua đầu bếp (Master Chef) 2014, cô nhân viên ngân hàng Hoàng Minh Nhật (24 tuổi) đã quyết định từ bỏ công việc cũ để theo đuổi ước mơ trở thành chủ một chuỗi cửa hàng bánh mì. "Công việc tại ngân hàng rất thú vị, được học hỏi nhiều điều, nhưng tôi nhận thấy dường như niềm đam mê với ẩm thực còn lớn hơn. Vì vậy, tôi quyết định xin nghỉ để mở cửa hàng", Minh Nhật cho biết.
Theo nữ đầu bếp trẻ, bánh mì Việt Nam từ lâu đã được thế giới ưa chuộng bởi dễ ăn, vỏ bánh giòn rụm và có thể tìm thấy bất cứ đâu trên đường phố. Chính vì vậy, để chinh phục thực khách, trước hết là ở Hà Nội, Minh Nhật quyết định cần sáng tạo ra một số hương vị khác cho bánh mì như nhân gà nướng, nhân tôm sa tế...
Sau chiến thắng tại Master Chef, toàn bộ số tiền của giải thưởng 500 triệu được nữ đầu bếp sử dụng làm vốn cho chuỗi cửa hàng. Thời gian đầu, mọi thứ rất vất vả vì Minh Nhật phải tự tìm tòi, xây dựng cửa hàng, phá đi - làm lại nhiều lần để cho phù hợp nên tốn gần như toàn bộ vốn liếng ban đầu.
Trong quá trình kinh doanh, bên cạnh thuận lợi về mặt hình ảnh vì được mọi người biết tới nhiều qua cuộc thi, kỳ vọng về một sản phẩm "trứ danh" đến từ vua đầu bếp cũng là áp lực lớn với Nhật. Một mặt cô phải luôn tìm cách để giữ vững chất lượng món ăn, mặt khác phải kiêm nhiệm tất cả các vị trí, từ quản trị nhân sự, chiến lược marketing cho tới thi công, xây dựng mỗi cửa hàng, đi tìm mặt bằng... Điều may mắn được nữ đầu bếp thổ lộ là sự ủng hộ của thực khách ngay từ ngày đầu, đa phần là học sinh, nhân viên văn phòng gần cửa hàng.
Vua đầu bếp đã xây dựng được một chuỗi cửa hàng bánh mì. Ảnh: NVCC
Với mức giá 32.000 một ổ bánh, thương hiệu "Bánh mì" của nữ đầu bếp nhận được một số phản hồi là khá đắt, cao hơn nhiều những sản phẩm cùng loại ở Hà Nội. Tuy nhiên, Minh Nhật vẫn kiên định với lựa chọn này với lý do cần lấy chất lượng, an toàn thực phẩm làm đầu. "Các quy trình làm bánh, chế biến phải được kiểm tra một cách cẩn thận, kỹ lưỡng đảm bảo vệ sinh. Nhân bánh cũng đầy đặn, nguyên liệu phong phú", nữ đầu bếp lý giải.
Với cách làm như vậy, trong vài tháng, Minh Nhật đã xây dựng được một chuỗi 5 cửa hàng rải rác tại các quận ở nội thành Hà Nội. Hơn 50 nhân viên của cô đa phần là sinh viên. Doanh số bán hàng ổn định ở mức 1.500 - 2.000 chiếc mỗi ngày và đang dần tăng lên.
Minh Nhật cho biết cô chú trọng đến việc đào tạo, tạo ra môi trường làm việc, kinh doanh chuyên nghiệp cho nhân viên. Hằng tháng, cô đều mời những người có kinh nghiệm về kinh doanh đến chia sẻ, thỉnh thoảng tổ chức các buổi team-building để nhân viên có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Bánh mì tại quán của Vua đầu bếp.
"Tôi không nghĩ mình cứ mở điểm bán hàng rồi thu tiền. Tôi chấp nhận cắt bớt một phần lãi để duy trì những hoạt động xây dựng thương hiệu một các bền vững", cô cho hay.
Chia sẻ với VnExpress, Minh Nhật cho biết mục tiêu dài hạn là chinh phục những thực khách ở nước ngoài, đưa bánh mì ra ngoài thế giới, nâng tầm món ăn đường phố của Việt Nam. "Nhiều du khách đến Việt Nam khen bánh mì rất ngon. Vậy tại sao mình lại không đưa bánh mì ra thị trường nước ngoài? Điều đó cứ ám ảnh và tôi đề ra mục tiêu trong năm tới", Minh Nhật chia sẻ.
Nữ đầu bếp cho biết đã có nhiều người Việt ở nước ngoài như Anh, Australia muốn liên kết để mở tiệm bánh mì và mục tiêu tiếp theo của cô là thị trường Australia.
"Ở Australia, bánh mì rất nổi tiếng. Người dân lại ưa chuộng các đồ ăn do Master Chef chế biến nên tôi cũng có nhiều thuận lợi. Tôi mong muốn sản phẩm của mình sẽ được người nước ngoài nhớ đến với cái tên riêng, mỗi khi họ muốn ăn bánh mì kiểu Việt Nam", Minh Nhật cho hay.
-
'Vua đầu bếp' Minh Nhật khởi nghiệp với thương hiệu bánh mì
29/10/2015 10:04 PMDùng toàn bộ tiền thưởng làm vốn, quán quân Master Chef 2014 quyết gây dựng thương hiệu bánh mì riêng, chinh phục được thực khách trong nước và quốc tế.