Cập nhật 28/06/2015 8:53 AM
Ra khỏi trại với đôi bàn tay trắng cùng với biết bao nhiêu mặc cảm nhưng với nghị lực phi thường, gã đã vượt lên số phận và trở thành một doanh nhân thành đạt, khiến nhiều người nễ phục. Con đường làm giàu của gã cũng trải qua biết bao thăng trầm, nhưng với chính đôi bàn tay lầm lỗi ngày nào, giờ đây lại đủ mạnh mẽ để bao dung những phận đời lạc lối ở địa phương. Gã chính là anh Võ Đại Nghĩa (SN 1969) ngụ tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Bình Thuận - người đã từng mang trong mình bản án

Anh Nghĩa trong một lần báo cáo tại hội nghị

Thử thách đầu tiên

Theo cái chỉ tay của những người dân vùng biển Thanh Hải đầy cát trắng, chúng tôi tìm đến căn nhà khang trang nằm ở cuối con đường dẫn vào thôn Tri Thủy. Pha ấm trà nóng, anh Võ Đại Nghĩa bắt đầu câu chuyện của mình từ những ngày tháng nông nổi. Sinh ra trong gia đình thuần nông đông anh em, lại không được học hành đủ đầy như những người khác, anh Nghĩa phải bươn chải vào đời sớm để mưu sinh.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Nghĩa đi học nghề lái máy ủi ở ở thị trấn Ninh Hải rồi vào lái máy ủi thuê cho một công ty ở địa phương. Với sự cần cù, siêng năng nên anh được người chủ giao cho máy ủi để ra làm riêng, ăn chia theo kiểu kẻ có của người có công. Nhưng rồi một sự cố đã xảy ra khi Nghĩa đánh nhau với một người khác trong lúc đang làm việc ở công trường làm người này thương tích nặng.

Không lâu sau sau đó, Tòa án huyện Ninh Hải đã mở phiên xét xử và kết án người thanh niên này 42 tháng tù giam. “Đó là bước ngoặt của cuộc đời tôi, tôi cũng không muốn mình phải vướng vòng lao lí, và càng không muốn bố mẹ già của tôi phải rơi nước mắt nhiều như vậy vì tôi. Nhưng đã gây tội thì phải chịu trách nhiệm tước pháp luật”, anh Nghĩa tâm sự.

Những ngày đầu nhận án phạt tại trại giam Sông Cái đối với Nghĩa là những ngày không thể nào quên được. Khi mang cái án phạt 42 tháng tù giam cứ ngỡ rằng đó là dấu chấm hết cho cuộc đời mình rồi. Nhưng khi được những cán bộ trại giam Sông Cái hướng dẫn và động viên rằng sẽ được sớm rời khỏi “song sắt” nếu cải tạo tốt. Chính điều này đã thôi thúc Nghĩa có thêm nghị lực và khao khát làm lại cuộc đời, làm lại một người lương thiện.

Năm 2002, khi chấp hành xong án phạt 27 tháng tù ở Trại giam Sông Cái, Nghĩa được tha trước thời hạn. Nhưng với nỗi tự ti vì mình mang án tù tội nên Nghĩ không thông báo cho gia đình đến đón mình ở trại giam. Quãng đường từ Trại giam Sông Cái (huyện Bắc Ái) về tới phường Đô Vinh (Phang Rang - Tháp Chàm) dài hơn 40 km, nhưng Nghĩa quyết định đi bộ một mình trên quãng đường dài này, và xem như đó là một thử thách đầu tiên cho mình trước khi làm lại cuộc đời.

Với hai bàn tay trắng

Ra khỏi trại giam với đôi bàn tay trắng, lại thêm mặc cảm về quá khứ của ban thân nên muốn làm một công việc bình thường đối với anh Nghĩ cũng là một vấn đề nan giải. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh gia đình hiện tại lại khiến anh luôn khao khát làm được việc để bù đắp lại cho gia đình những ngày phải rơi nước mắt vì mình. Kể lại chuyện ngày trước, anh Nghĩa cho biết, thu nhập của gia đình anh lúc đó chủ yếu phụ thuộc vào gánh xôi buổi sáng của người vợ tảo tần.

Trong lúc gần như bế tắc, một ý nghĩ lóe lên trong đầu người đàn ông này và nó như một nguồn cứu rỗi để anh có được công việc làm, có được thu nhập. Cơ duyên là trong một lần về thăm một người bà con ở miền đất Thanh Hải, anh tình cờ làm quen với một người nuôi dê bách thảo ở đây. Ý nghĩ về việc chăn dê thuê nhanh chóng xuất hiện trong đầu anh Nghĩa. Ngay sau khi bàn bạc với người này, anh được chấp nhận làm công với mức thù lao là 6 con dê mỗi năm.

Ngay sau đó, anh bàn bạc với gia đình và vợ con rồi được sự đồng tình của mọi người, anh trở lại Thanh Hải và bắt đầu “ở ẩn” với đàn dê lớn đến hàng trăm con mà anh nhận nuôi. “Lúc này tôi chỉ nghĩ là việc chăn nuôi dê ở trên núi nên có thể tránh mặt được mọi người, giúp cho mình có đồng ra đồng vào là dễ thở rồi, chứ chưa nghĩ đến việc thù lao”, anh
nhớ lại. Sáng sớm lùa dê lên núi, chiều lại lùa về trại, cứ như thế suốt 6 năm trời dường như người đàn ông này “ở ẩn” trong núi.

Bằng những kinh nghiệm tích lũy được khi lao động ở Tổ chăn nuôi trong Trại giam Sông Cái, anh Nghĩa áp dụng trên đàn dê anh nhận nuôi. Dê khỏe, sinh sản tốt, người chủ rất hài lòng nên thay vì trả công cho anh Nghĩa là 6 con dê/năm, đã tạo điều kiện để anh có thể mở trang trại dê của riêng mình.

Từ số vốn ít ỏi ban đầu, cộng với sự siêng năng cần cù và quyết chí làm lại cuộc đời, anh Nghĩa nhanh chóng vỗ béo đàn dê và bắt đầu có thu nhập từ việc bán thịt dê. “Tôi bắt đầu bán những con dê thịt đầu tiên vào một năm sau đó, với mỗi con được khoảng 3-4 triệu đồng, tôi dành dụm để tiếp tục đầu tư vào những lứa sau. Ơn trời là giống dê dễ nuôi, lại thích hợp với vùng đất nắng gió này nên không bị dịch bệnh mà đem lại năng suất cao”, anh Nghĩa tâm sự.

Cũng trong quá trình chăn nuôi dê cho chủ, cái khó ló cái khôn, thấy những người phụ nữ và trẻ em thường mang theo bao để nhặt phân dê đem bán, anh cũng bắt chước làm theo. Việc này đã mang lại cho anh thu nhập cho anh hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Thấy “thuận buồm xuôi gió” vì có nhiều người đặt mua số lượng phân dê, hàng tháng nên anh chuyển sang thu mua phân bò nhỏ lẻ của những người địa phương rồi bán lại cho những mối lớn hơn ở các vùng khác.

Kết hợp cùng với việc nuôi dê thịt, mỗi tháng anh thu nhập cũng tầm 10 triều đồng cùng với bán phân bò khô. Với số vốn đầu tiên, anh tiếp tục mở rộng trang trại dê và mở rộng thị trường để mua bán phân khô. Cơ duyên đến với người đàn ông này thật bất ngờ, trong quá trình bán phân cho những người trồng nông sản, anh nghĩ đến việc kinh doanh nông sản của chính những người này.

Số lượng dê ngày càng tăng, anh thuê hẳn một người giúp việc chăm sóc đàn dê và trả công mỗi tháng 3 triệu đồng, còn chính anh lại quản lí việc buôn bán nông sản. Dần dần một thời gian sau, nhờ những mối mai có được từ trước, anh kết hợp cùng một số bạn bè cùng yêu thích kinh doanh thành lập Công ty TNHH Nông sản Anh Trung do chính anh làm chủ.

Nhận xét về mình, anh Nghĩa nhận cho biết “Đó là cơ may của tôi khi được tiếp nhận nghề chăn nuôi dê và được người chủ ưu ái tạo điều kiện để tôi mở trang trại. Từ 6 con dê ban đầu mà nay đã có được số lượng lên đến hơn trăm con kể cả dê thương phẩm và làm giống. Cơ nghiệp mà tôi có được ngày hôm nay cũng từ 6 con dê bách thảo này mà có được, tôi luôn trong trọng điều đó và hơn hết là trân trọng sự kiên nhẫn làm lại cuộc đời từ chính đôi tay lầm lỡ của mình”, anh nói.

Cưu mang những phận đời lầm lỡ

Tính đến nay, công ty của anh Nghĩa đã có chỗ đứng trên thị trường ở các tỉnh từ miền Trung vào đến tận Cà Mau, và dần mở rộng ra các nước lân cận như Lào, Trung Quốc, Thái Lan... Bằng hình thức kinh doanh “bao tiêu” tất cả các mặt hàng nông sản từ khâu nhân giống đến quá trình thu hoạch và đưa ra thị trường. Trong thời gian gần đây, công ty của anh không những chuyên mua bán các loại hàng la-gim, khoai sắn…mà dần chuyển sang đa dạng các mặt hàng khác để tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Với cách kinh doanh đặc thù của mình, công ty anh dần trở thành “chỗ dựa vững chắc” cho những hộ nông dân trong vùng.

Điều đặc biệt mà anh Nghĩa chia sẻ với chúng tôi, trong số hàng trăm công nhân đang làm việc cho Công ty thì có không ít người đã từng một thời “vào tù ra tội” giống như anh. Qua giới thiệu, chúng tôi được biết hoàn cảnh của anh Trần Văn T. (trú ở thôn Tri Thủy, xã Thanh Hải) cũng từng lao đao kiếm việc nhưng không được mọi người chấp nhận vì đã có ngày “ở trại”.

Khi biết thanh niên này có nhu cầu việc làm, anh Nghĩa đã bố trí việc làm cho thanh niên này với mức thu nhập ổn định. Hay đó là trường hợp của anh L. (ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Thuận) sau khi trở về từ trại giam Sông Cái thì bị mọi người xa lánh, dị nghị nên cảm thấy tủi thân mà không dám đi xin việc, trong khi đó vợ con thì vô cùng khốn đốn. Biết được hoàn cảnh của L, anh Nghĩa đã dang tay cưu mang người này về làm việc ở công ty mình đã hơn 3 năm nay.

Giờ, anh L đã ổn định được cuộc sống của mình từ số tiền thu nhập từ công ty cộng với việc trồng trọt thêm ở gia đình. Ngoài ra, hiện công ty anh Nghĩa đã thu nhận thêm 6 người “bạn tù” khác về làm việc cho công ty mình trong những năm vừa qua. Trải lòng về điều này, anh muốn đem câu chuyện của chính cuộc đời mình để kể cho những người “bạn tù” cùng nghe, đồng thời muốn chính họ viết lại trang sử mới cho cuộc đời mình.

Và theo như người đàn ông này cho biết, trong cuộc đời mỗi người, hiếm người nào hoàn hảo được bản thân mà không từng có những tỳ vết. Nhưng không phải vì một chút tỳ vết đó mà bỏ cả một tương lai ở phía trước, hơn nữa, ai cũng còn có gia đình, ai cũng từng có một thời mang trong mình những khát khao, lí tưởng tốt đẹp.

Anh chấp nhận những con người cùng cảnh ngộ này bởi một lẽ rất đơn giản, họ cũng là con người, và anh muốn mở ra cho họ một con đường mới - con đường trở về với nẻo thiện. “Tôi vẫn luôn mong muốn khẳng định được mình, muốn xã hội đừng quá kì thị với những người đã từng lầm lỗi, vì hơn ai hết, họ khát khao được làm lại cuộc đời từ chính đôi bàn tay của mình”, anh Nghĩa kết thúc câu chuyện bằng những kinh nghiệm quý báu mà mình có được trong chặng đường khởi nghiệp đầy bất trắc, nhưng cũng đầy ngọt ngào của mình.

Diễm My - Huy Trường (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.