Cập nhật 01/01/2015 8:24 PM
Trở thành triệu phú từ khoản vay 500.000 đồng. Đó là câu chuyện về chặng đường gần 10 năm kiên trì đổi đời của cô gái nghèo Lê Thị Hiên, người dân tộc Thái, ở Thôn Giàng, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.
Sau 8 năm vay vốn làm ăn, gia đình chị Lê Thị Hiên đã mở rộng sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống - Ảnh: TNTG cung cấp
8 năm về trước, Lê Thị Hiên lúc đó mới 19 tuổi, phải trằn trọc nhiều đêm để đi tới quyết định tham gia chương trình vay vốn từ Ban tài chính vi mô (thuộc tổ chức phi chính phủ Tầm nhìn Thế giới - World Vision Vietnam). “Các khoản vay của chương trình lúc đó là từ 500.000 đến 3 triệu đồng. Vay mức nhỏ nhất đã phải trả cả gốc lẫn lãi 45.000 đồng/tháng. Nhà quá nghèo, lúc ấy em rất lo lắng vì chưa biết hàng tháng sẽ kiếm đâu được từng ấy tiền trả nợ”, Hiên chia sẻ.
Nhưng rồi, được cán bộ tổ chức Tầm nhìn Thế giới (TNTG) tư vấn, năm 2006, Hiên đã đăng ký tham gia vay vốn lần đầu, với mức vay chỉ 500.000 đồng, để chăn nuôi lợn và mua máy bào gỗ cho chồng làm mộc. Sau một năm, vừa trả hết nợ lại còn có lãi từ đàn lợn nên Hiên mạnh dạn vay vốn tiếp từ tổ chức này để mở rộng chăn nuôi.
Năm 2009, biết được người dân trong thôn thích ăn đậu phụ nhưng phải mua ở nơi khác, hoặc chờ người ở thị trấn mang vào bán, Hiên quyết định học nghề làm đậu phụ, vừa bán phục vụ dân làng, vừa tận dụng được bã đậu chăn nuôi lợn. Sau khi học nghề, Hiên tiếp tục vay vốn của TNTG để đầu tư sản xuất đậu phụ. Sau gần một tháng ròng vừa làm, vừa mày mò công thức, sản phẩm được bà con chấp nhận. Là người đầu tiên và duy nhất sản xuất đậu phụ ở thôn nên đậu nhà Hiên rất đắt hàng, giúp gia đình có thêm doanh thu 200.000 đồng/ngày.
Từ thành công ban đầu, năm 2012, Hiên sử dụng tiền tích lũy từ chăn nuôi để mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, kết hợp bán đậu phụ. Với tố chất kinh doanh sẵn có, tiệm hàng hóa của Hiên ngày một ăn nên làm ra, vì chị đã nghĩ ra phương thức biến tiệm tạp hóa thành trung tâm đổi hàng cho bà con nghèo trong thôn xã. “Khi người dân muốn mua tạp hóa nhưng không có sẵn tiền mặt, tôi chấp nhận việc đổi luồng (tương tự cây tre) lấy hàng. Vì vậy, người dân không phải mua chịu mà vẫn có được hàng hóa thiết yếu khi cần”, chị Hiên chia sẻ.
Từ hai bàn tay trắng, số tiền kiếm được từ công việc làm thuê bấp bênh rất ít ỏi, sau 8 năm vay vốn của TNTG 29 triệu đồng, đến nay, gia đình chị Hiên đã có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá. Tổng doanh thu từ chăn nuôi lợn, làm mộc, sản xuất đậu phụ, buôn bán tạp hóa, buôn luồng của gia đình Hiên trung bình hơn 70 triệu đồng/năm. Đến giữa năm 2014, gia đình chị đã có tài sản trị giá 300 triệu đồng. Cũng từ thành công của người phụ nữ giàu nghị lực này, nhiều hộ dân khác trong thôn đã chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và tham gia vay vốn của chương trình TNTG để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bà Trần Vân Hồng, Trưởng ban Tài chính vi mô của TNTG, cho biết những trường hợp không có tài sản thế chấp, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, tương tự chị Hiên 8 năm về trước, sẽ dễ dàng được tiếp cận nguồn vốn của tổ chức này, vì các khoản vay nhỏ, phù hợp với năng lực trả nợ của người dân, thủ tục rất đơn giản. Bên cạnh đó, người vay vốn còn được tư vấn hướng chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh phù hợp với khả năng của gia đình và nhu cầu của địa phương.
Tài chính vi mô là một chương trình được quản lý độc lập, cung cấp các dịch vụ tài chính nhỏ, giúp cải thiện cuộc sống của các hộ nghèo, và trẻ em trong và xung quanh vùng dự án của tổ chức TNTG tại VN. Chương trình đang hoạt động tại 11 huyện nghèo thuộc 5 tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau 8 năm, chương trình đã phục vụ trên 60.000 lượt hộ dân, tổng vốn giải ngân trên 420 tỉ đồng, mức lãi suất cho vay chỉ 1%.
Trường Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.