Có những thương vụ đầu tư hay mua lại của các startup là rất tốt. Bởi khi đó 1+1 sẽ không phải = 2 mà là = 5 hay = 10...

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, trong cuộc trao đổi với VnEconomy dưới đây đã chỉ ra một chuyển biến thú vị khi các công ty khởi nghiệp đời đầu giờ không chỉ đi gọi vốn mà còn trở thành nhà đầu tư.

Thách thức khi bị xem là "thị trường mới"

- Một báo cáo mới đây của Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chỉ ra rằng, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu đô la Mỹ, giảm 48% so với năm 2019. Vì sao lại có sự sụt giảm lớn đến vậy trong lượng vốn đầu tư vào startup Việt, thưa bà?

Con số đầu tư vào thị trường startup của Việt Nam năm 2020 giảm như vậy là không quá bất ngờ. Bởi dịch COVID-19 không chỉ tác động tới Việt Nam mà toàn cầu. Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế năm 2020, Việt Nam vẫn còn may mắn hơn nhiều quốc gia khác là tăng trưởng GDP dương.

Đó là bức tranh vĩ mô, vẫn có điểm thuận lợi và may mắn. Nhưng về thị trường startup thì lại hơi ngược.

"Có những thương vụ đầu tư hay mua lại của các startup là rất tốt. Bởi khi đó 1+1 sẽ không phải = 2 mà là = 5 hay = 10".

Các nhà đầu tư 20 năm trước khi vào sẽ khai phá thị trường chứng khoán. Có rất nhiều nhà đầu tư ngoại đầu tư dòng vốn vào các công ty trên sàn. Sau đó là làn sóng của các nhà đầu tư mua cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết ở các ngành cốt lõi như logistics, bán lẻ. Thế Giới Di Động có rất nhiều nhà đầu tư ngoại. Hay Vincom Retail cũng có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào rất sớm để xây dựng mặt bằng trung tâm thương mại.

Làn sóng đầu tư vào các công ty theo mô hình công nghệ vừa đến Việt Nam và bùng nổ năm 2018. Nói cách khác, các công ty công nghệ của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn đầu tư mới chỉ có hai năm thăng hoa là 2018, 2019. Như vậy có thể thấy Việt Nam vẫn là thị trường mới.

Chính vì là thị trường mới nên khi COVID-19 xảy ra thì khó khăn càng lớn bởi nhiều nhà đầu tư chưa hiểu về thị trường Việt Nam. Khi dịch bệnh bao trùm, những nhà đầu tư như vậy ở trong thế phòng thủ bởi họ chưa biết chuyện gì xảy ra trên thế giới.

Đầu năm 2020, chúng tôi thấy có một sự giảm đột ngột đặc biệt là trong quý 2 của năm bởi quý 1, vẫn có những thương vụ được làm từ năm 2019 được công bố. Sự sụt giảm nguồn vốn này cũng tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Không phải thị trường Việt Nam không có tiềm năng, mà chỉ vì Việt Nam là thị trường mới. Sự phục hồi của dòng vốn cũng đến rất nhiều trong quý 4/2020.

Nếu để ý kỹ, có thể thấy tổng số thương vụ chỉ giảm 17% là không nhiều dù giá trị giảm 48%. Trong nửa cuối năm 2020, số thương vụ gần như là tương đương so với cùng kỳ của năm 2019.

- Được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chưa có nhiều startup “kỳ lân” như ở Singapore hay Indonesia. Theo đánh giá của bà, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các startup của Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?

So với trong khu vực, ngoài Singapore và Indonesia, Việt Nam cũng không thua các quốc gia khác. Việt Nam vẫn có những startup được định giá giá trị cao như VNG, VNPAY hay có những công ty có quy mô lớn như Tiki, MoMo. Đó là những công ty đại diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Ví dụ như Thái Lan là một quốc gia có GDP về dân số khá tốt nhưng nước này không có công ty nào đạt được như tầm VNG của Việt Nam.

Việt Nam đang có lợi thế lớn khi đang chuyển sang giai đoạn startup đời đầu trở thành nhà đầu tư. Chính các startup này đang giúp làm hệ sinh thái trở nên mạnh mẽ hơn.

Xét ở trong khu vực Đông Nam Á, khoảng cách của Việt Nam không xa so với những quốc gia đi đầu. Ví như, Singapore là một cái “hub” (trung tâm) của khu vực nên vốn sẽ chảy về nước này đầu tiên. Indonesia thì có thị trường lớn do đông dân và số lượng người dùng Internet cũng khá cao nên đây là thị trường được đầu tư sớm hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ năm 2018, 2019 trở lại đây, hệ sinh thái startup đã đi vào giai đoạn khá thú vị. Các startup thời đầu của Việt Nam như VNG hay MoMo hiện không chỉ gọi vốn đầu tư mà còn đi đầu tư. Họ làm song song cả hai. Điều này chứng minh các công ty này đã đủ trưởng thành. Mới đây MoMo vừa đầu tư mua lại startup trong mảng trí tuệ nhân tạo Pique và đưa ra chiến lược lấy AI làm trọng tâm.

Quy mô và tầm cỡ của các startup này đã đến một giai đoạn khá trưởng thành và tạo ra một làn sóng thúc đẩy thị trường. Hay nói cách khác, khi các công ty có quy mô và hệ sinh thái đủ lớn bắt đầu có chiến lược đầu tư một phần hay toàn phần cho các startup trong ngành thì tạo ra các lực đẩy.

Ví dụ như khi Eco Truck nhận được đầu tư một phần từ VNG, công ty này sẽ tận dụng được mạng lưới và hệ sinh thái của VNG để phát triển kinh doanh. Đây là một hiệu ứng rất tốt.

Hay như thương vụ mua lại toàn bộ công ty như MoMo vừa làm với Pique cũng rất tốt. Bởi khi đó 1+1 sẽ không phải = 2 mà là = 5 hay = 10. Bởi khi một công ty chuyên về AI như Pique vào được hệ sinh thái như của MoMo thì cuộc chơi của họ sẽ lớn hơn rất nhiều. Thương vụ này sẽ mang lại thế mạnh cho cả hai bên.

Việt Nam đang có lợi thế lớn khi đang chuyển sang giai đoạn startup đời đầu trở thành nhà đầu tư. Chính các startup này đang giúp làm hệ sinh thái trở nên mạnh mẽ hơn.

- Vậy theo dự đoán của Do Ventures, triển vọng về bức tranh gọi vốn của startup Việt trong năm 2021, đặc biệt là nửa cuối năm nay liệu có sáng sủa so với năm 2020 hơn không?

Trong năm 2021, điểm khác biệt lớn là tất cả các quỹ đầu tư đều tiên liệu về COVID-19 trong kế hoạch kinh doanh của mình. Nhiều quỹ đầu tư hiện đã hiểu rằng, họ sẽ phải hoạt động và sống chung với COVID-19.

Chúng tôi tin rằng nguồn vốn đầu tư vào thị trường startup tại Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn năm 2020 nhưng chưa chắc về được như thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Lí do là dịch bệnh hiện vẫn tạo ra nhiều rào cản, giới hạn để các quỹ có thể di chuyển và chốt các thương vụ, đặc biệt là các vụ đầu tư giá trị lớn.

Các yếu tố "vàng" cho startup trẻ muốn gọi vốn

- Đối với các startup non trẻ đang có nhu cầu gọi vốn, các yếu tố “vàng” nào sẽ giúp họ thu hút nhà đầu tư, thưa bà?

Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng kỳ vọng 3 yếu tố khi nhìn vào một startup.

Thứ nhất là khi đầu tư vào một ngành, nhà đầu tư rất kỳ vọng đội ngũ sáng lập sẽ có năng lực vận hành mô hình. Vì vậy, startup cần chứng minh năng lực đó cũng như sự hiểu biết về ngành của họ.

Khi nhà sáng lập có thể vẽ được một bức tranh rõ ràng về ngành mà họ hoạt động trong các buổi gặp đầu tiên với các nhà đầu tư, họ sẽ dễ có được niềm tin của nhà đầu tư hơn.

Ngược lại, khi nhà đầu tư đặt câu hỏi ai là đối thủ cạnh tranh của bạn mà nhà sáng lập không trả lời được hoặc không hiểu về ngành thì nhà đầu tư sẽ rất khó chốt thương vụ.

Thứ hai là yếu tố về công nghệ. Các quỹ đầu tư vào Việt Nam bởi họ tin rằng Việt Nam đang có khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ. Vì vậy, ngoài ý tưởng kinh doanh hấp dẫn, startup cần đầu tư được lõi công nghệ của mình. Họ cần chứng minh được công nghệ của mình là khác biệt hay họ có khả năng để xây dựng được một sản phẩm công nghệ tốt với nhà đầu tư.

Thứ ba là sự chỉn chu. Nhiều công ty tại Việt Nam khi gặp nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị phần trình bày rất kỹ lưỡng và chuyên nghiệp. Trong đó, nhà sáng lập có thể giải thích rõ ràng cái hay của công ty.

Ở thời kỳ Internet, nhà sáng lập có thể tìm hiểu cách thức để viết tài liệu gọi vốn chỉn chu hơn hoặc các gợi ý khi gặp nhà đầu tư. Start-up càng chuẩn bị tốt, càng hiểu nhà đầu tư thì việc gọi vốn càng suôn sẻ.

- Theo bà, các nhà sáng lập của startup Việt hiện còn điểm nào yếu nhất cần phải cải thiện trong bối cảnh thị trường trở nên ngày càng cạnh tranh và có độ thanh lọc mạnh mẽ hơn trước rất nhiều như hiện nay?

Trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội được dự nhiều buổi pitching (trình bày, thuyết phục nhà đầu tư) của các startup tại nhiều nước như Indonesia, hay Malaysia... So với startup ở các nước bạn thì nhiều nhà sáng lập Việt Nam vẫn hơi yếu về khoản trình bày.

Cùng một ý tưởng hay sản phẩm đó, cách kể câu chuyện của nhiều startup tại Indonesia hay Malaysia lại có lợi thế hơn.

Ở những vòng đầu tư sơ khởi, chúng ta vẫn chưa có nhiều số liệu, nếu có thì tốt, những logic như dự kiến phát triển mô hình kinh doanh như thế nào, thu hút nhà cung cấp ra sao hay cách trình bày những nội dung này của nhiều startup Việt Nam còn sơ sài. Chính vì thế, khi nhà sáng lập muốn gọi vốn để phát triển công ty mà cách trình bày chưa đủ sắc nét thì rất khó thuyết phục nhà đầu tư.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.