Kinh doanh quần áo giờ có quá nhiều người tham gia nên áp lực cạnh tranh lớn, nhiều người xoay ra bán đồ ăn đêm giao tại nhà, buôn đặc sản, hàng xách tay...

Bán đồ ăn đêm

Hiện ở Hà Nội và TP HCM, số lượng cơ sở nhận bán và giao đồ ăn đêm tại nhà không nhiều. Mô hình kinh doanh này khá mới và vẫn còn nhiều "đất" để phát triển. Đồ ăn đêm bán đắt cao hơn 20 đến 50% so với giá thông thường ban ngày. Lý do của những người bán hàng đưa ra khá hợp lý, vì họ phải thức đêm nấu nướng, đối diện nguy hiểm khi đi giao hàng giữa đêm muộn.

Khách hàng chủ yếu của dịch vụ ship đồ ăn đêm là sinh viên, giới chơi game thường thức muộn, những người hay làm việc về đêm... Đồ ăn để bán buổi đêm phổ biến là cơm các loại như cơm sườn, cơm gà, hoặc đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh pizza. Dù lượng khách hàng không "đồ sộ" như bán ban ngày, tuy nhiên số lượng người bán còn ít hơn. Thực tế cho thấy một số người chuyên kinh doanh đồ ăn đêm đều có thu nhập khá tốt.

Đặc sản vùng miền cũng là mặt hàng "hot" được nhiều người ưa chuộng

Bán đồ thiết kế riêng

Đồ thiết kế riêng là thứ không thể "đụng hàng" với ai khác. Hiện thị trường phổ biến các mặt hàng thiết kế như quần áo, túi xách, phụ kiện thời trang. Đồ thiết kế gây ấn tượng vì khác với những thứ được bày bán đại trà ở ngoài thị trường. Các nhà kinh doanh thường tạo dấu ấn cá nhân bằng cách làm từ nguyên liệu độc hoặc được sơn vẽ bằng tay không cái nào giống cái nào.

Do nhiều khi phải làm bằng tay, hoặc không thể sản xuất hàng loạt, nên giá của đồ thiết kế riêng thường cao hơn so với thông thường. Chị Dương, một người chuyên làm phụ kiện tóc ở Hà Nội cho biết một chiếc bờm tóc cho trẻ em giá có thể lên đến 150.000 đồng. Trong khi sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bán ngoài chợ chỉ bán vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, đồ thiết kế vẫn có nguồn khách riêng vì tính tinh xảo, độc đáo.

Bán hàng đặc sản

Đồ đặc sản luôn là món hàng đắt khách tại Hà Nội và TP HCM. Nhiều mặt hàng chỉ một số vùng mới có như miền núi phía bắc có thịt trâu gác bếp, rượu sâu chít. Đak Lak có sầu riêng, bơ sáp, Huế có tôm chua, Cửa Lò có hải sản...

Số lượng người bán hàng đặc sản không ít, nhưng không phải ai cũng am hiểu các sản vật vùng miền mà họ bán. Nếu người bán có quê gốc ở nơi có món hàng họ bán, hoặc đặc sản do chính nhà làm, khách hàng sẽ tin tưởng hơn.

Kinh doanh đồ xách tay

Hàng nhập khẩu vẫn được ưa chuộng nhiều vì tâm lý "sính ngoại" của khách hàng. Nhiều nhà kinh doanh tạo dấu ấn riêng bằng cách chỉ chuyên bán hàng nhập khẩu từ một quốc gia nào đó. Hiện nay, hàng nhập từ Nhật vẫn được ưa chuộng nhất, nhất là các sản phẩm dành cho trẻ em như sữa, thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Dung, một người chuyên bán hàng nhập khẩu từ Australia trên mạng cho biết hàng bán rất chạy, khách hàng liên tục gửi đơn đặt hàng. Ngược lại, chị Hạnh, một người bán hàng nhập khẩu Thái Lan ở khu Nghĩa Tân, Hà Nội cho biết chị dự định đóng cửa hàng vì ít khách, trong khi cùng mặt hàng đó cạnh tranh ngày càng nhiều.

Anh Đức (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.