Cập nhật 20/09/2015 10:34 AM
Trung thành với công nghệ nhắn tin và cũng chưa hề có ý định từ bỏ trong khi ứng dụng miễn phí trên nền Internet phát triển mạnh mẽ tưởng như là bước lùi của Fibo. Nhưng CEO Nguyễn Dương Huy Vũ cho rằng, đây là đất dụng võ của Fibo.

Thị trường triệu đô

Fibo vừa chính thức rút lui khỏi thị trường cho thuê máy chủ, tên miền và thiết kế website sau 8 năm kinh doanh. Động thái này được ghi nhận khi Fibo công bố hợp tác chiến lược với công ty Mắt Bão trong việc khai thác thị trường này ngày cuối cùng của tháng 7/2015.

Nói về quyết định này, CEO Nguyễn Dương Huy Vũ cho biết, Công ty sẽ dồn sức tập trung vào mảng SMS (tin nhắn) và email (thư điện tử).

Doanh nhân Nguyễn Dương Huy Vũ, Giám đốc điều hành Fibo

“Mặc dù số người sử dụng smartphone ở Việt Nam sẽ tiếp tục lấn át dòng điện thoại phổ thông vào thời gian tới, nhưng không có nghĩa là ai cũng dùng cùng ứng dụng OTT (hay còn gọi các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên nền Internet) để liên lạc hay kết nối Internet thường xuyên. Fibo nhìn thấy cơ hội ở đây”, ông Vũ nói.

Bài tính của người sáng lập Fibo rất đơn giản. Cho dù Facebook, Google hay các ứng dụng OTT như Zalo, Viber… trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ, thì tiếp thị qua SMS và email vẫn có đất dụng võ vì tính phổ biến và chi phí hợp lý của nó.

Ngay cả với hình thức SMS, tưởng như đã lụi dần theo sự lao dốc của dòng điện thoại phổ thông, nhưng người sáng lập Fibo vẫn tin đây là hình thức khả dụng nhất với doanh nghiệp để đưa thông tin tới khách hàng tiềm năng.

“Ngay cả khi lượng người sử dụng smartphone chiếm áp đảo và đa số đều sử dụng các ứng dụng OTT để liên lạc thì SMS cũng không thể chết được. Vì các ứng dụng này bản thân không được thiết kế để gửi tin nhắn số lượng lớn, không có chức năng quản lý…”, ông Vũ chia sẻ và cho biết, 5 năm qua, Fibo đã xây dựng công nghệ có thể kết nối với các OTT để đáp ứng các nhu cầu nói trên.

Với dịch vụ tiếp thị qua email thì đã tính khả thi quá rõ ràng khi gần như người sử dụng Internet nào cũng có địa chỉ email quốc tế để liên lạc như Yahoo, Gmail, Hotmail.... Bên cạnh đó, theo ông Vũ, chi phí tiếp thị qua email rất rẻ, chỉ khoảng 5 đồng/email.

Tuy nhiên, thị trường email có rắc rối, đó là việc các nhà cung cấp email như Google, Yahoo… đều mạnh tay chặn các địa chỉ mail bị nghi ngờ là thư rác (spam email) từ năm 2008. Trong khi đó, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam lạm dụng hình thức này dẫn đến tình trạng email xuất phát từ Việt Nam thường dễ bị trục trặc. Một là, gửi không tới, hai là bị đưa vào thư rác.

Thừa nhận tình trạng này để có giải pháp, từ năm 2009, Fibo đã xây dựng hệ thống lọc thư rác, mỗi email chỉ được gửi đi khi đáp ứng yêu cầu của hệ thống, những thư nào không gửi được sẽ được giữ lại để bổ sung vào điều kiện lọc. Hiện, hệ thống có hơn 3 tỷ thư không đạt yêu cầu và con số vẫn không ngừng tăng để đảm bảo khả năng gửi được thư.

Tính về độ lớn của thị trường, dường như quyết định lui chân của Fibo là cách để tạo đà cho bước phát triển mới. Thử tính, mỗi tin nhắn chi phí trung bình là 350 đồng. Việt Nam hiện nay có 90 triệu dân nhưng số lượng thuê bao di động đã vượt mức 130 triệu. Vì mục đích chăm sóc khách hàng hoặc tiếp thị, mỗi người ít nhất sẽ nhận 4 tin nhắn/tháng. Con số này tương đương với 126 tỷ đồng, khoảng 6 triệu USD.

Trong khi đó với email, chi phí nhỏ, chỉ bằng 1/10 SMS, nhưng số lượng gửi ra sẽ gấp 10 đến 30 lần mỗi tháng, dẫn đến doanh thu sẽ cao ít nhất là gấp đôi. Hiện có khoảng hơn 30 triệu người Việt Nam sử dụng Internet và gần như đều có email. Con số người sử dụng Internet được cho là vẫn còn tăng trong thời gian tới. “Fibo đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần”, ông Vũ nói.

Công ty đang cung cấp dịch vụ SMS cho 200 doanh nghiệp để phục vụ việc chăm sóc khách hàng, tiếp thị. Có thể kể đến như DHL, Intel, Fujiflim, Jetstar, PepsiCo… Không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông Vũ cho biết, doanh thu mỗi tháng tăng trưởng 5-10%. Dịch vụ tiếp thị qua email sẽ được khởi động vào cuối năm nay.

Những bước lui chân

Đây không phải là lần đầu người sáng lập và điều hành Fibo thay đổi định hướng của Công ty.

Thành lập năm 2007, Fibo có ba mảng kinh doanh chính là cho thuê máy chủ, tên miền, thiết kế website, dịch vụ tiếp thị qua SMS và tiếp thị qua email. Đây là thời điểm thị trường cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, tên miền nổi lên nhiều tên tuổi lớn như Mắt Bão, PA, FPT…

Lúc đó, Fibo đã có quyết định một mặt vẫn cung cấp các thị trường này để thu hút khách hàng, mặt khác tập trung vào cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như tiếp thị email, SMS, thanh toán trực tuyến, trong đó SMS là trọng tâm.

Theo ông Vũ, do thị trường cho thuê máy chủ, tên miền rất nhiều doanh nghiệp tham gia nên để tạo lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều vào hạ tầng. Đầu tư càng nhiều, tỷ suất lợi nhuận càng giảm.Trong khi đó, các dịch vụ giá trị gia tăng như email, SMS… để hỗ trợ tiếp thị thì không nhiều doanh nghiệp tham gia vào thời điểm đó.

“10 doanh nghiệp thì mới có một đến hai doanh nghiệp có nhu cầu thuê máy chủ, trong khi đó gần như doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu tiếp thị”, ông Vũ chia sẻ bài tính đơn giản.

Trên thực tế, việc đầu tư cho dịch vụ tiếp thị qua SMS đã phát huy hiệu quả với doanh thu tăng trưởng hai con số qua hàng năm. Trong khi đó, mảng cho thuê máy chủ, tên miền và thiết kế website chỉ đạt mức 5% tổng doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, nhớ lại, ông Vũ thừa nhận đã quá tham lam khi đặt Công ty vào tình trạng phát triển nhanh nhiều dịch vụ cùng lúc trong khi nhân sự không đủ mạnh để đáp ứng, quy trình quản lý công ty lại lỏng lẻo. Ngoại trừ SMS, các mảng còn lại là tiếp thị qua email, thanh toán trực tuyến đều lỗ. Tình trạng này đã gây bất lợi cho Fibo khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nhân sự lục đục, thua lỗ nhiều mảng kéo dài đã buộc công ty phải tái cơ cấu vào năm 2012.

Ông Vũ kể, khi rà soát lại, chỉ có mảng SMS là vẫn còn hoạt động hiệu quả. Fibo buộc phải chuyển hướng một lần nữa, cắt bỏ những mảng không phải là thế mạnh, tập trung vào dịch vụ hiệu quả nhất và đầu tư cho các dịch vụ tương lai một cách có chọn lọc. Song song với đó là tập trung xây dựng đội ngũ quản lý giàu năng lực.

Bài học người sáng lập

Sinh năm 1976, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, mà theo lời CEO Nguyễn Dương Huy Vũ là phải trầy trật lắm mới có được tấm bằng vì học lực chỉ ở mức trung bình.

Vậy nhưng Vũ lại là một trong 3 người sáng lập Công ty PA Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, tên miền khá tiếng tăm ở khu vực TP.HCM. Năm 2004, ông rời PA Việt Nam một phần vì bất đồng quan điểm, phần vì số tiền có được từ bán cổ phần rơi rụng gần hết vì đầu tư sai lầm.

Hai năm sau đó, như ông Vũ nói là khoảng thời gian khó khăn nhất của ông khi lâm vào tình trạng không tiền, không sự nghiệp, mất niềm tin vào bản thân và phải sống bám vào gia đình ở Đà Nẵng.

Trong thời gian đó, ông nghiệm rằng, từ việc ra khỏi Công ty PA cho đến đầu tư sai mục đích đều có nguyên nhân của nó. “Lúc đó, tôi tham gia vào cuộc chơi do người khác làm chủ, không biết bị dẫn đi đâu và rủi ro sẽ đến vào lúc nào. Kinh doanh cũng vậy, nếu không nhìn rõ cục diện, thất bại là điều khó tránh”, ông Vũ nói.

Từ đó, quan điểm kinh doanh của Vũ thay đổi. Trước khi bắt tay vào bất cứ dự án, ông đều tự đặt và phải tìm đủ câu trả lời cho ba câu hỏi: thế mạnh của mình trên thị trường là gì? Có bao nhiêu đối thủ tham gia và chừng đó đối thủ thì lợi nhuận đem lại có đáng để đầu tư hay không?

Quan điểm này cũng giúp ông tránh được nhiều cuộc đối đầu không cần thiết. “Năm 2007, Fibo vừa thành lập, không mạnh về tài chính. Nếu vay mượn để đầu tư hạ tầng, chạy theo các doanh nghiệp khác trên thị trường thì rõ ràng là Fibo đang tham gia vào trò chơi của người khác”, ông Vũ nói.

Hay trong quyết định thay đổi định hướng lần gần đây, Fibo vẫn trung thành với tiếp thị qua tin nhắn truyền thông vì nếu lấn sân sang các kênh khác, như đầu tư ứng dụng OTT chẳng hạn, Công ty sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp mạnh về tài chính như VNG, Viettel hay VNPT.

Ông vẫn hay nói đùa với mọi người trong công ty rằng, Fibo là đơn vị chậm tiến hay công ty đi lùi. Bởi, trong khi nhà nhà phát triển ứng dụng trên các thiết bị thông minh, người người háo hức với các ứng dụng mới thì Fibo vẫn trung thành với công nghệ nhắn tin từ lúc điện thoại di động được phổ biến và chưa có ý định từ bỏ.

Tuy nhiên, điều làm ông Vũ vui nhất chính là Fibo đã tập hợp được các nhân lực chủ chốt để tập trung cho các dự án trong tương lai. Điều đáng nói là, các thành viên này đều về Fibo trong lúc tình hình công ty rối như canh hẹ, bộ phận nào cũng lỗi quy trình, thiếu người.

Khi được hỏi vì sao ông thuyết phục được các thành viên mới tham gia, ông Vũ thẳng thắn nói, họ thấy được những dự án kinh doanh với khả năng thành công cao ở Fibo. “Tất nhiên, các dự án này chỉ có thể vận hành được và thành công khi có họ góp sức”, ông Vũ chia sẻ.

Chat với CEO Nguyễn Dương Huy Vũ:

Ông giỏi môn học nào nhất?

Lập trình trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ học.

Nếu tặng quà, ông sẽ chọn tặng gì cho hay nhân viên của mình?

Tôi sẽ tặng những cuốn sách hay tôi đã đọc.

Ông làm gì vào những lúc rảnh rỗi?

Tôi thường tập hợp bạn bè, đưa ra các dự án kinh doanh, nghe đánh giá từ họ. Nếu khả thi thì mọi người cùng tiến hành.
Công Sang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.