Năm 2004, Lakshmi Mittal, quốc tịch Ấn Độ, người xây dựng nên một vương quốc thép lớn nhất nhì thế giới, đã nâng giá trị tài sản từ 18,8 tỉ đô-la Mỹ vọt lên 25 tỉ đô-la Mỹ. Nhờ vậy, ông đã nhảy 59 bậc trong bảng xếp hạng các tỉ phú của tạp chí Forbes, lên hàng thứ ba, chỉ sau Bill Gates của Microsoft (46,5 tỉ) và nhà đầu tư kỳ cựu Warren Buffett (44 tỉ).
Lakshmi Mittal: Ông vua thép Bí quyết thành công đầu tiên của Mittal là tài năng kỳ lạ về việc phát hiện và nắm bắt các cơ hội kinh doanh tại những nơi mà người khác chỉ thấy đơn thuần là các nhà máy thép han gỉ, lỗi thời (thường nằm ở những nơi hẻo lánh). Mặt khác, ông bắt mạch được xu thế chuyển đổi ở những thị trường đang phát triển. Ông được xem như nhà vô địch trong việc phát hiện tiềm năng của các thị trường mới nổi tại Đông Âu và châu Á.

Đánh hơi cơ hội

Năm 1995, chẳng hạn, ông đã mua lại một nhà máy thép đổ nát ở Kazakhstan. Đây là nhà máy mà các công ty châu Âu đã loại khỏi danh sách các công ty có thể cứu vãn và chuyển đổi được. Ông nói mình đã thấy ở nhà máy này một mối lợi lớn và cả cơ hội bán lại cho Trung Quốc. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn bắt đầu tăng tốc, cái gì cũng thiếu, nên mua bán cái gì cũng dễ.

Bí quyết thứ hai có lẽ là nghệ thuật xoay chuyển tình hình. Sau khi lựa chọn những nhà máy có triển vọng chiến lược, Mittal đã phát triển một quy trình nghiêm ngặt trong việc gieo ý tưởng và cách thức hoạt động tốt nhất vào các nhà máy cũ.


Mỗi tuần một lần, Mittal lại làm việc theo cách riêng khá nổi tiếng của ông. "Thứ Hai hàng tuần, tôi bàn bạc với các giám đốc điều hành của công ty qua một cuộc hội ý từ xa trong vòng nhiều giờ", ông nói. "Điều quan trọng đối với họ là được nghe, được biết những gì đang xảy ra tại các đơn vị khác". Trong những buổi hội ý này, các nhà điều hành được đề nghị góp ý để giải quyết vấn đề cho tất cả các nhà máy của công ty. Họ có thể từ Mexico đưa ra giải pháp cho một vướng mắc xảy ra ở Algeria.

Tuy nhiên, Mittal không ngồi một chỗ để điều hành công ty thép khổng lồ quy mô toàn cầu của mình. Ông cho biết mỗi năm ông di chuyển khoảng 563.000 km bằng máy bay phản lực riêng, tức bình quân cứ mỗi giờ ông di chuyển 64 km.


Cùng với những hoạt động thường xuyên nói trên, công thức thành công của Mittal còn bao gồm việc cắt giảm nhân lực, tăng hiệu quả quản lý, nâng giá trị các sản phẩm thép...

Triết lý kinh doanh của Mittal cũng khác thường trong môi trường kinh doanh ngày nay. Nhiều công ty đa quốc gia nhắc đi nhắc lại việc địa phương hóa, tức quan tâm đến những nét riêng biệt của thị trường địa phương trong quá trình mở rộng kinh doanh cấp toàn cầu. Nhưng Mittal Steel lại duy trì những quan niệm truyền thống bất di bất dịch về phương thức điều hành một nhà máy thép, mang tính tập trung cao độ.



Bắt đầu từ quê nhà

Nhà tài phiệt người Ấn này năm nay 54 tuổi, và đang sống ở Anh. Ông sinh ra trong một gia đình thương nhân ở Safalpur, một ngôi làng quạnh quẽ không biết đến ánh điện ở bang Rajasthan. Ông bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Thép Ispat nhỏ bé của cha ông ở Calcutta vào đầu những năm 1970. Nhưng nơi mà Mittal tìm ra con đường đi đến thành công lại là thị trường quốc tế. Do Chính phủ ấn Độ hạn chế nghiêm ngặt việc sản xuất thép nội địa, năm 1976, Mittal đã sang Indonesia thành lập Ispat Indo, một nhà máy cỡ trung bình chuyên sản xuất thép từ phế liệu. Lúc đó ông mới ở độ tuổi 20.

Năm 1995, văn phòng chính của công ty được chuyển từ Indonesia đến London. ở Anh, Mittal thành lập Mittal Steel thông qua việc sáp nhập Ispat International NV và LNM Holdings NV. Cổ phiếu của công ty này được đăng ký trên thị trường chứng khoán New York và Amsterdam.

Mittal vẫn tin tưởng, về lâu dài, ngành công nghiệp thép phải được hợp nhất và toàn cầu hóa. Vì vậy, ông đã tăng cường thâm nhập vào các thị trường mới nổi lên. Ông mua lại các công ty Nove Hut ở Cộng hòa Czech, Polski Huty Stali ở Ba Lan, Petrotub ở Romania, BH Steel ở Bosnia, Balkan Steel ở Macedonia, Alfasid ở Algeria và Iscor ở Nam Phi. Đó là chưa kể các giao dịch khác đáng chú ý khác như mua lại Sidbec-Dosco ở Canada năm 1994, Hamburger Stahlwerke ở Đức năm 1995, Irish Steel năm 1996, nhà máy Sidex ở Romania năm 2001…


Ông cũng đang thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc bằng cách mua 37,2% cổ phần của công ty Trung Quốc Hunan Valin Steel Tube & Wire.

Các hoạt động sáp nhập, mua lại của Mittal hầu như không ngưng nghỉ. Năm 2000, với tài sản ước tính khoảng 2,2 tỉ bảng Anh, ông được xếp vị trí thứ tư trong danh sách những người giàu có nhất của tờ báo Sunday Times. Tuy nhiên, trong danh sách xếp hạng được công bố vào tháng 3-2001, ông tụt xuống hạng thứ 17. Lý do là vào thời điểm đó, cung trong ngành công nghiệp thép đã vượt cầu.

Tháng 8 năm đó, nhà máy Ispat của Mittal tại Ireland phải đóng cửa do thua lỗ. Nhưng chỉ đến tháng 11, ông lại nghĩ đến chuyện mua công ty quốc doanh sản xuất thép Sidex ở Romania. Lúc này, thế lực của ông tại Anh đã lên đến đỉnh cao. Vì thế Thủ tướng Anh đã viết thư cho Chính phủ Romania kêu gọi ủng hộ vụ giao dịch của Mittal.


Và đến năm ngoái, Mittal Steel đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn hàng thứ nhì thế giới, chỉ sau Công ty Arcelor có trụ sở tại Luxembourg. Nhưng dường như ông không muốn đứng hạng nhì. Vào cuối năm 2004, Mittal thông báo công ty của ông sẽ bỏ ra 4,5 tỉ đô-la Mỹ để mua lại International Steel Group (ISG), một nhà sản xuất thép ở Mỹ đang làm thủ tục xin phá sản. Cuộc họp giữa các bên vào ngày 12-4 tới đây sẽ quyết định vụ giao dịch này.

Nếu thành công với thương vụ này,Mittal Steel sẽ trở thành công ty thép lớn nhất thế giới. Khi đó, sản lượng hàng năm của công ty sẽ tăng từ 48 triệu tấn lên 70 triệu tấn thép, chiếm 6% thị phần thép thế giới. Ngành công nghiệp này vẫn phân khúc ở mức độ cao. Ba nhà sản xuất thép hàng đầu chỉ chiếm 15% sản lượng toàn cầu.

Doanh thu của Mittal Steel năm nay dự kiến cũng sẽ tăng 45%, đạt 32 tỉ đô-la Mỹ. Hoàn tất vụ mua lại ISG còn làm tăng lực lượng lao động của công ty lên 165.000 người. Hiện nay, chỉ riêng ở Kazakhstan, Mittal Steel đã sử dụng 50.000 lao động. Mittal cho biết ông sẽ cắt giảm 45.000 chỗ làm đến năm 2010 để giữ cho doanh nghiệp của mình làm ăn có lãi nhiều hơn.

Mittal và gia đình đang sở hữu 97% cổ phần của công ty. Sắp tới, gia đình ông dự định bán bớt 11% cổ phần, trị giá khoảng 2 tỉ đô-la Mỹ, giảm số cổ phần sở hữu xuống còn 86%.


Cách đây tám năm, Mittal từng phát biểu: "Ngày bạn lên đến đỉnh cao cũng là ngày bạn bắt đầu xuống dốc". Vị trí thứ ba trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes đã là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp kinh doanh của Mittal chưa, có lẽ chỉ có mình ông biết. Nhưng nhiều nhà phân tích nhận xét rằng, chưa có biểu hiện gì cho thấy ông bắt đầu xuống dốc.

Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • “Vua” thép Ấn đã hết thời hoàng kim?

    “Vua” thép Ấn đã hết thời hoàng kim?

    29/12/2011 7:39 AM

    Vào năm 2006, tỷ phú người Ấn Độ Lakshmi Mittal nổi lên với danh hiệu “vua” thép, nhưng chẳng bao lâu sau, chiếc “vương miện” trên đầu ông trở thành gánh nặng.

  • Lakshmi Mittal - ông vua thép thế giới

    Lakshmi Mittal - ông vua thép thế giới

    29/12/2011 7:34 AM

    Ngày 26.6 vừa qua, tập đoàn Mittal Steel của tỉ phú người Ấn Độ Lakshmi Niwas Mittal đã được phép mua lại tập đoàn thép Arcelor (Luxembourg), trở thành tập đoàn thép lớn nhất thế giới. Tập đoàn thép khổng lồ mới sẽ có tên Arcelor-Mittal, trong đó Arcelor nắm 50,6% cổ phần và số còn lại thuộc về Mittal. Sản lượng thép của Mittal-Arcelor sẽ lên tới 100-120 triệu tấn/năm, vượt qua tổng sản lượng thép của Nhật Bản. Với tổng nguồn vốn thị trường 36,79 tỷ euro (46 tỷ USD) và hơn 320.000 lao động, công

  • Lakshmi Mittal: Ông vua thép

    Lakshmi Mittal: Ông vua thép

    29/12/2011 7:27 AM

    Năm 2004, Lakshmi Mittal, quốc tịch Ấn Độ, người xây dựng nên một vương quốc thép lớn nhất nhì thế giới, đã nâng giá trị tài sản từ 18,8 tỉ đô-la Mỹ vọt lên 25 tỉ đô-la Mỹ. Nhờ vậy, ông đã nhảy 59 bậc trong bảng xếp hạng các tỉ phú của tạp chí Forbes, lên hàng thứ ba, chỉ sau Bill Gates của Microsoft (46,5 tỉ) và nhà đầu tư kỳ cựu Warren Buffett (44 tỉ).

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.