Vào năm 2006, tỷ phú người Ấn Độ Lakshmi Mittal nổi lên với danh hiệu “vua” thép, nhưng chẳng bao lâu sau, chiếc “vương miện” trên đầu ông trở thành gánh nặng.
“Vua” thép Ấn đã hết thời hoàng kim? Chỉ hai năm sau khi Mittal tạo ra hãng thép lớn nhất thế giới bằng cách chi 41 tỷ USD để thâu tóm công ty thép Arcelor, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, đẩy nhu cầu thép thế giới lao dốc mạnh. Giờ đây, với hoạt động tập trung ở hai thị trường Mỹ và châu Âu có tốc độ tăng trưởng ì ạch, tương lai của tập đoàn do Mittal lãnh đạo đang ngày càng trở nên có vấn đề.

Trong một dấu hiệu mới nhất về sự rắc rối, vào cuối tháng 10 vừa qua, hãng thép ArcelorMittal rút khỏi liên doanh mua lại hãng khai mỏ than Macarthur Coal của Australia. Động thái này của tỷ phú Ấn khiến đối tác trong liên doanh mua lại là Peabody Energy đành đơn thương độc mã theo đuổi thương vụ trị giá 5,1 tỷ USD này.

Mua lại tất cả các loại tài sản có liên quan đến sắt thép, bao gồm cả các mỏ than, cho tới gần đây vẫn là một phần trong chiến lược của Mittal nhằm xây dựng một “đế chế” thép có tầm phủ sóng toàn cầu. Chiến lược này, trên thực tế, cũng đã phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian.

Chẳng hạn, vụ mua lại Arcelor được xem là thành tựu nổi bật trong sự nghiệp của tỷ phú Mittal. Công ty mới ra đời sau thương vụ là sự kết hợp giữa năng lực đã được minh chứng của hãng Mittal trong việc tạo hiệu quả kinh doanh cho ngành thép đã già cỗi với công nghệ châu Âu đỉnh cao của Arcelor. Ở thời điểm diễn ra thương vụ, rất nhiều người đã kỳ vọng ArcelorMittal sẽ thu được những con số lợi nhuận hấp dẫn nhờ nền kinh tế toàn cầu khi đó đang phát triển với tốc độ bùng nổ.

Nhưng trong ba năm gần đây, nhu cầu thép suy yếu của thế giới đã tạo ra những áp lực lớn về doanh thu và lợi nhuận đối với tập đoàn vốn dĩ đã rất nặng nợ sau nhiều năm theo đuổi chiến lược mua lại.

Không chỉ có thế, ArcelorMittal còn đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung thép. Theo số liệu từ hãng tư vấn thị trường thép MEPS của Anh quốc, từ năm 2005 tới 2011, các nhà máy thép của Trung Quốc đã tăng gấp đôi sản lượng lên mức dự kiến 733 triệu tấn. Trong khi đó, ArcelorMittal đã cắt giảm sản lượng khoảng 20% từ mức 116 triệu tấn vào năm 2007.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, thị phần của hãng trên thị trường thép toàn cầu đã giảm từ mức 9,5% vào năm 2006 xuống còn 6,4% vào năm 2010.

Tệ không kém, giá cổ phiếu của AcelorMittal tới nay đã giảm khoảng 50% từ mức đỉnh của 52 tuần đạt được hồi tháng 2. Giá trị cổ phần 40,9% mà tỷ phú Mittal nắm giữ trong tập đoàn này giờ chỉ có giá khoảng 12 tỷ USD, so với mức 55 tỷ USD vào năm 2008.

Năm nay 61 tuổi và là một trong những ông chủ mạnh tay thâu tóm doanh nghiệp nhất thế giới trong vòng 3 thập kỷ qua, Mittal phủ nhận bất kỳ ý tưởng nào cho rằng thương vụ mua Arcelor của ông không phải là một vụ làm ăn thành công. “Cho tới nay, chưa có điều gì là đáng ngạc nhiên hay thất vọng về vụ sáp nhập. Đó là một trải nghiệm tích cực”, tỷ phú này nói.

ArcelorMittal dự báo đạt mức lợi nhuận 3,7 tỷ USD trong năm nay, cao nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều mức lợi nhuận 10,4 tỷ USD đạt được vào năm 2007. Các nhà phân tích nghi ngờ khả năng ArcelorMittal có thể lặp lại những ngày tháng hoàng kim đã qua. “Thời thịnh vượng có thể đã một đi không trở lại. Thành tích cũ chỉ lặp lại nếu tất cả các nền kinh tế trên thế giới cùng lúc tăng tốc mạnh”, ông Tony Taccone, người đồng sáng lập hãng tư vấn First River Consulting ở Pittsburgh, Mỹ, nhận xét.

Hầu như tất cả mọi người, bao gồm cả Giám đốc tài chính Aditya Mittal của AcelorMittal, con trai 35 tuổi của tỷ phú Mittal, đồng tình với quan điểm này. “Giá thép đã đi xuống từ đầu quý 4. Khách hàng không muốn mua hàng để tích trữ trong kho”, Aditya nói.

Nền kinh tế toàn cầu u ám đang khiến “đế chế” của Mittal lộ ra những mắt xích yếu. Những nhà máy có được từ vụ thâu tóm Arcelor - công ty thép có trụ sở ở Luxembourg - tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Âu, nơi chi phí vận hành khá cao. Để giữ cho giá thép không rơi tự do, Mittal đã cho một vài trong số những nhà máy này ngưng hoạt động. Thay vì cắt giảm sản xuất ở tất cả các nhà máy, mục tiêu của cách làm này là duy trì các nhà máy tốt nhất hoạt động gần hết công suất, trong khi đóng cửa những nhà máy có khả năng cạnh tranh thấp hơn, theo đó giảm chi phí được khoảng 1 tỷ USD.

Trong hai tháng qua, ArcelorMittal đã tuyên bố tạm ngừng hoạt động nhà máy ở Pháp, Đức, Luxembourg, Ba Lan và Tây Ban Nha, Hôm 14/10, hãng cho biết sẽ đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy thép lò cao ở Liège, Bỉ, nơi có 581 công nhân. Phản ứng trước tuyên bố này, công nhân tại nhà máy đã nhốt 6 nhà quản lý trong văn phòng suốt 24 giờ đồng hồ. ArcelorMittal nói sẽ cố gắng tìm việc mới cho các công nhân này. “Những gì đang xảy ra không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Các nhà máy của ArcelorMittal ở châu Âu đại lục không hề có tương lai”, cựu Giám đốc điều hành của Arcelor, ông Guy Dollé, nhận xét.

Tại Mỹ, thị trường chiếm 24% sản lượng và một thị phần toàn cầu tương tự của hãng, ArcelorMittal cũng đã mạnh tay cắt giảm hoạt động của các nhà máy. Mittal không thể trông chờ vào nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Tỷ phú Mittal cho biết, một kế hoạch mở rộng nhà máy trị giá 500 triệu USD ở Brazil đã bị hoãn lại, trong khi tiến trình mở rộng hoạt động ở Ấn Độ lại không diễn ra như mong đợi. Tỷ phú này cũng không nhận thấy có cơ hội ở thị trường Trung Quốc, nơi AcelorMittal có hai liên doanh. Ông cảnh báo, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc, nước chiếm khoảng một nửa sản lượng thép của thế giới, có thể “xuất khẩu những thứ mà không bán được ở trong nước với bất kỳ mức giá nào. Họ sẽ luôn là một mối đe dọa”.

Ở thời điểm hiện tại, trọng tâm của ArcelorMittal là bảo toàn dự trữ tiền mặt và cắt giảm nợ nần. Mittal cho biết, ông thậm chí đang cân nhắc sẽ bán lại số tài sản không phải là cốt lõi trị giá khoảng 10 tỷ USD. Việc rút lui khỏi vụ mua lại hãng Macarthur Coal là một bằng chứng nữa cho thấy Mittal đang thu lại những tham vọng. Ông cho biết, công ty của ông tránh thương vụ này khi mức giá trở nên quá đắt. Nhưng, các nhà phân tích đã nhận thấy sự thay đổi trong phong cách làm ăn của tỷ phú này.

Mittal vẫn khẳng định công ty của ông đang mạnh lên theo năm tháng, và có thể là ông đúng. Nếu nền kinh tế toàn cầu thực sự khởi sắc trở lại, Mittal có thể sẽ nhanh chóng “hốt bạc”, vì ông có thể ngay tắp lực đưa các nhà máy đang nghỉ ngơi hoạt động trở lại. “Hướng đi của chúng tôi là đúng, nhưng đang bị cản trở bởi nền kinh tế yếu kém”, ông nói.
Theo Kiều Oanh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • “Vua” thép Ấn đã hết thời hoàng kim?

    “Vua” thép Ấn đã hết thời hoàng kim?

    29/12/2011 7:39 AM

    Vào năm 2006, tỷ phú người Ấn Độ Lakshmi Mittal nổi lên với danh hiệu “vua” thép, nhưng chẳng bao lâu sau, chiếc “vương miện” trên đầu ông trở thành gánh nặng.

  • Lakshmi Mittal - ông vua thép thế giới

    Lakshmi Mittal - ông vua thép thế giới

    29/12/2011 7:34 AM

    Ngày 26.6 vừa qua, tập đoàn Mittal Steel của tỉ phú người Ấn Độ Lakshmi Niwas Mittal đã được phép mua lại tập đoàn thép Arcelor (Luxembourg), trở thành tập đoàn thép lớn nhất thế giới. Tập đoàn thép khổng lồ mới sẽ có tên Arcelor-Mittal, trong đó Arcelor nắm 50,6% cổ phần và số còn lại thuộc về Mittal. Sản lượng thép của Mittal-Arcelor sẽ lên tới 100-120 triệu tấn/năm, vượt qua tổng sản lượng thép của Nhật Bản. Với tổng nguồn vốn thị trường 36,79 tỷ euro (46 tỷ USD) và hơn 320.000 lao động, công

  • Lakshmi Mittal: Ông vua thép

    Lakshmi Mittal: Ông vua thép

    29/12/2011 7:27 AM

    Năm 2004, Lakshmi Mittal, quốc tịch Ấn Độ, người xây dựng nên một vương quốc thép lớn nhất nhì thế giới, đã nâng giá trị tài sản từ 18,8 tỉ đô-la Mỹ vọt lên 25 tỉ đô-la Mỹ. Nhờ vậy, ông đã nhảy 59 bậc trong bảng xếp hạng các tỉ phú của tạp chí Forbes, lên hàng thứ ba, chỉ sau Bill Gates của Microsoft (46,5 tỉ) và nhà đầu tư kỳ cựu Warren Buffett (44 tỉ).

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.