Cập nhật 26/02/2017 8:27 AM
Có lẽ giới trẻ Hà Nội không lạ gì những quán ẩm thực đúng điệu Thái Lan như Koshamui hay Koh Yam. Người có công sáng lập và đồng sở hữu hệ thống quán ăn ấy là cô gái có “thành tích” bỏ học giữa chừng. Nhưng Nguyễn Hà Linh không cổ súy cho phong trào “bỏ học kiếm tiền triệu”.

Mình thích thì mình làm thôi

Sinh ra và lớn lên ở Hàng Ngang (Hà Nội) trong một gia đình làm kinh doanh nên “máu” kinh doanh chảy vào cô tự nhiên. Vốn là học sinh của ngôi trường danh giá ở thủ đô, Trường THPT Chuyên Amsterdam, nhưng Linh không chỉ biết học hành. Ngay từ lớp 10 cô đã tập kinh doanh, bằng cách chào hàng chiếc ba lô được nhiều bạn bè yêu thích của mình: “Bạn nào muốn có chiếc ba lô giống Linh cứ đặt tiền, Linh sẽ mua giúp”. Suốt hai năm chăm chỉ bán ba lô, cô nàng ở lớp chuyên Toán trường Ams đã có một số vốn nho nhỏ. Đến lớp 12, cô “giải nghệ” chuyên thú việc học. Linh cũng đỗ đại học như nhiều bạn bè trong lớp.

Trở thành sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội - PV), Nguyễn Hà Linh không “an phận”. Bắt đầu từ việc đi học thêm tiếng Anh, cô tính chuyện mở lớp tiếng Anh chất lượng cao, giá thành vừa phải, để các bạn trẻ khác có cơ hội cùng học. Khi những lớp học tiếng Anh trở nên uy tín, Linh quyết định kinh doanh, Trung tâm tiếng Anh IBEST hình thành. Điều hành trung tâm tiếng Anh với ba chi nhánh khiến Hà Linh bận bịu. Cô quan niệm: Đã làm việc gì phải làm đến nơi đến chốn, nên quyết định dừng việc học đại học ở năm thứ hai, để tập trung sức lực cho Trung tâm tiếng Anh. Bạn bè vẫn thường hay đùa cô: “Hiệu trưởng vô học”. Linh chỉ cười và đáp: “Nhưng tôi không cổ súy cho phong trào bỏ học kiếm tiền đâu nhé”. Cô vẫn nuôi ý định trở lại trường đại học, khi sắp xếp được thời gian và công việc.

Lí do nào khiến Linh ham kinh doanh? Nhiều người nghĩ, vì cô mê tiền. Song bản thân cô nghĩ khác: “Tôi làm kinh doanh vì đam mê. Mình thích thì mình làm thôi”. Mà cô mê nhiều thứ: Mê tiếng Anh, mê kinh doanh, mê thời trang, mê ăn uống... Đó là lí do cô chuyển nhượng trung tâm tiếng Anh đang ăn nên làm ra cho những người khác cũng đam mê công việc này, để chuyển sang hướng mới: Kinh doanh ẩm thực. Ban đầu cô kinh doanh quán cà phê, vì như nhiều bạn trẻ khác cô cũng dành nhiều thời gian cho quán xá. Để lấy kinh nghiệm kinh doanh, cô mua thương hiệu cà phê “Cộng”. Đến nay, cô đồng sở hữu 5 quán “Cộng”. Hà Linh chọn cách làm chung trong kinh doanh, mô hình nào cũng làm chung, từ kinh doanh giáo dục đến kinh doanh ẩm thực.

Sau khi đã có kinh nghiệm ít nhiều từ kinh doanh quán cà phê, Hà Linh và cộng sự quyết định xác lập thương hiệu nội địa về ẩm thực. Chuỗi nhà hàng Koh Samui, Koh Yam, chuyên ẩm thực Thái Lan ra đời khiến bạn trẻ Hà Nội mê mệt. Koh Samui là tên một hòn đảo lớn thứ ba của Thái Lan, còn Koh Yam tiếng Thái Lan có nghĩa là “đảo cay”. Những ý tưởng kinh doanh ẩm thực Thái đến với Hà Linh bắt nguồn từ thú đam mê du lịch. Ít ai nghĩ cô gái giỏi kiếm tiền này lại cũng ham chơi: “Tôi ham chơi, thích đi du lịch để trải nghiệm cuộc sống. Đi du lịch giúp tôi nảy ra ý tưởng mới. Nhờ trở đi trở lại Thái Lan tôi ra được “Koh Samui”. Đi các nước Nhật, Hàn, những nước phát triển hơn mình nhưng cùng chung tập tính ăn uống, thói quen văn hóa, nhìn phong cách trong cửa hàng giúp tôi nâng cao thẩm mỹ cho mình”. Nhưng không chắc cô gái “thích đủ thứ” sẽ dừng chân ở kinh doanh ẩm thực. Biết đâu sau đây cô lại nhảy sang một lĩnh vực khác? Bởi vì cô còn trẻ và còn ham thử thách, ham chinh phục.

Không sợ “ế”

Cô cũng nhiều lần rơi nước mắt. Những ý tưởng kinh doanh thất bại, có cửa hàng mở ra rồi lại đóng vào, những thăng trầm của một doanh nghiệp, đủ khiến một người trẻ giàu cảm xúc không thể ngăn nước mắt rơi. Nhưng cô biết cách vượt qua khó khăn: “Tôi bắt đầu công việc kinh doanh từ trẻ nên được rèn luyện, tin tưởng vào chính bản thân mình sẽ giúp mình vượt qua khó khăn”. Lý do khiến cô rơi nước mắt nhiều hơn lại thường ở khía cạnh ngoài kinh doanh: “Có lúc cảm xúc đi xuống. Sự nghiệp và tình yêu luôn là câu hỏi đặt ra khiến tôi phải lựa chọn. Đến nay tôi vẫn đi theo đam mê công việc. Vì dành quá nhiều thời gian cho công việc đôi khi ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân”.

Linh sinh năm 1988, sắp bước vào tuổi 30. Cũng giống các bạn trẻ độc thân, cô luôn nhận được câu hỏi: “Bao giờ lấy chồng?”. Nếu nhiều bạn trẻ vì áp lực với câu hỏi khó trả lời này mà trở nên “tự kỷ”, ngại giao tiếp thì Linh lại sống khác. Cô vẫn ham tụ bạn bè, ham giao lưu khi có thời gian. Cô có ưu điểm là cực kỳ lạc quan: “Bản thân tôi là người tự lập. Tôi không sợ ế, không sợ quan niệm càng có tuổi thì càng khó lấy chồng. Tôi nghĩ khác. Sự trải nghiệm, sự chín chắn của mình sẽ giúp mình gặp được người tốt”.

Giới trẻ hiện nay có nhiều xu hướng: Người thích mua xe đẹp, thích thể hiện. Người thích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, dành tiền để đầu tư kinh doanh. Hà Linh thuộc nhóm thứ hai: “Tôi kinh doanh không phải để chứng tỏ hơn người khác mà chỉ để thỏa mãn đam mê, phục vụ sự phát triển của mình, mang lại giá trị có ích cho người khác”. Chuỗi cửa hàng ẩm thực mà cô và các cộng sự mở ra đã và đang giúp nhiều bạn trẻ ở Hà Nội có cơ hội kiếm thêm thu nhập để trang trải cho đời sống cá nhân.

Hà Linh từng là một “hành khách” trên “Chuyến xe khởi nghiệp” (VTV1) với lời giới thiệu: Không tài chính, không bằng cấp, vẫn trở thành bà chủ của hệ thống đồ ăn Thái, đồng sở hữu nhiều cửa hàng cà phê, CEO của trung tâm tiếng Anh có tiếng. Cô cũng từng lọt vào top 30 Under 30 của tạp chí Forbes tại Việt Nam. Bí quyết thành công của Hà Linh là “dám nghĩ, dám làm”: “Mình thích thì mình làm thôi. Đã nghĩ là làm đừng thích rồi chỉ để đấy”. Cô tiết lộ thu nhập của mình vào năm 2015: Mỗi tháng kiếm được 200 triệu đồng.

Đào Nguyên (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.