Anh Hồ Hạnh Vĩnh Khoa, chủ dự án rau hữu cơ Nhà Tui
Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn nhức nhối nhất trong vài năm gần đây. Ai cũng biết ăn thực phẩm bẩm nhiễm hoá chất không tốt, nhưng mấy ai đủ kinh tế hoặc đủ thông tin để có thể tiếp cận với thực phẩm sạch. Thế nên, phần lớn người dân ở Việt Nam đành phải “nhắm mắt đưa chân”, ăn thứ mà người ta bán và hy vọng rằng người bán có trách nhiệm và lương tâm.
Gia đình anh Hồ Hạnh Vĩnh Khoa cũng từng phải tiêu dùng dựa vào “niềm tin” như thế, cho đến khi anh cảm thấy mình cần phải làm gì đó để thay đổi thực trạng này hoặc ít nhất gia đình mình cùng bạn bè - người thân có rau sạch để ăn.
Bắt đầu làm từ ngày 28/6/2017 sau 10 năm làm bảo hiểm Generali, anh Vĩnh Khoa cùng một vài người bạn bắt đầu khởi nghiệp bằng dự án rau Nhà Tui với số vốn ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Những ngày gian nan
“Sau 10 năm làm ở Generali tôi muốn được ra ngoài học hỏi thêm. Như mọi công ty bảo hiểm khác, ở Generali, tôi được dạy rất nhiều mô hình kinh doanh hay và được đào tạo kỹ năng sale tốt, do đó sau khi rời công ty, tôi cảm thấy đủ kiến thức và kinh nghiệm rồi nên muốn chuyển ra làm riêng”, anh Khoa giải thích lý do vì sao quyết định startup.
Còn sở dĩ, anh chọn nông nghiệp để khởi nghiệp thay vì các ngành nghề khác, bởi 2 lý do: Nông nghiệp nhận được nhiều ưu đãi của nhà nước và công việc này cũng mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Trước mắt, cá nhân anh cùng bạn bè tự bỏ vốn ra làm nhưng về lâu dài có thể được nhà nước hỗ trợ về thuế, cho thuê đất, máy móc, vận chuyển…
Anh cũng mất 1 năm trời đi tìm hiểu nhiều nơi. Ở quanh TP. HCM, nhiều vùng vẫn còn quỹ đất cho trồng trọt lớn, ví dụ như Củ Chi, tuy nhiên, anh không chọn Củ Chi vì tốc độ đô thị hoá vùng này quá nhanh, sẽ dẫn đến nguồn đất và nước bị ảnh hưởng.
Cuối cùng, anh chọn xã Bảo Vinh (Long Khánh, Đồng Nai) vì nó nằm tương đối xa thành phố, đất và nước còn chưa ô nhiễm lắm. Hơn nữa, Long Khánh nằm ở cửa ngõ của TP. HCM, vận chuyển rau củ về thành phố trong vòng chưa đến 1 tiếng, đỡ công bảo quản.
Bỏ đi làm nông nghiệp, ngoài kỹ năng sale, anh Vĩnh Khoa không hề có bất cứ kiến thức gì về lĩnh vực này, do đó, một năm vừa qua là quãng thời gian anh phải “điên cuồng” học tập những kiến thức mới cũng như vượt qua những khó khăn mà ai làm nông nghiệp sạch cũng vấp phải đầu tiên.
Vùng trồng của rau hướng hữu cơ Nhà Tui
“Khó khăn nhất là làm sao kết nối được nông dân, thay đổi tư duy mạnh ai nấy làm của họ, thứ hai là tìm được đầu ra. Nhiều nông dân rất bảo thủ, từ nhỏ đến lớn, họ làm vậy, vẫn bán được, vậy tại sao phải thay đổi? Hay như tôi chưa bao giờ làm rau nên khi tôi xuống đề nghị gì, người dân đều có thái độ kiểu như: Ôi, cậu này có bao giờ làm rau đâu mà đòi chỉ này chỉ nọ. Hoặc họ thách: mấy ông kỹ sư mang bằng xuống đây làm thử cho tôi coi”, anh Vĩnh Khoa kể.
Hiện tại, anh vẫn chưa thể thuyết phục được người dân ở xã này chuyển đổi sang trồng rau kiểu mới, chỉ một số ít, anh Khoa hy vọng, từ một số ít đó có thể lan toả ra toàn xã.
Mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh ban đầu của rau Nhà Tui có thể hiểu đơn giản như sau: Nhà Tui sẽ cung cấp số lượng rau theo nhu cầu hộ gia đình. Ví dụ: 1 gia đình có 4 người, 1 tháng dùng từ 30 – 40 kg rau, Nhà Tui sẽ có list danh sách loại rau nào mà gia đình họ thích, họ sẽ giám sát qua camera và biết luôn là cái khu vực trồng ở đâu, trồng trọt như thế nào, camera giám sát 24/24.
Mô hình chuẩn là thế, tuy nhiên, do trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, anh Khoa cũng đã tìm hiểu rất kỹ những mô hình tương tự, vì sao thành công và vì sao thất bại, nên anh khá linh hoạt, khi liên tục điều chỉnh mô hình phù hợp với tình hình thực thế.
“Nhiều người làm mô hình này nhưng không thành công do quy mô nhỏ - giá thành cao; hoặc thuê đất và thuê người làm, đầu tư lớn – giá thành cao. Giá thành cao thì chỉ bán cho một phân khúc rất nhỏ. Mô hình đó thật ra hơi phức tạp, thuê lao động và giao tận nơi – quản lý không dễ”, anh Khoa nhận xét.
Hiện tại, rau Nhà Tui đang có vài hợp đồng với các doanh nghiệp còn khách hàng lẻ chưa đẩy mạnh, chỉ cho họ dùng thử bởi khách hàng lẻ hiện đang ít, tiền vận chuyển rất cao, nên trước mắt sẽ ưu tiên khách hàng sỉ. Sắp tới, rau Nhà Tui sẽ làm chương trình quảng cáo rầm rộ, khi nhiều hộ gia đình sử dụng sản phẩm của rau Nhà Tui, giá thành vận chuyển sẽ thấp xuống.
“Tôi muốn đi từng bước, do rủi ro trong sản xuất rất cao, nhiều người có hợp đồng rồi sau cuối cùng bị lật kèo, phải bán đổ bán tháo hoặc cho từ thiện. Nhà Tui là kênh ở giữa phải xem kỹ những vấn đề bao tiêu sản phẩm, không thể làm ẩu được. Hiện chúng tôi đang vừa làm vừa điều chỉnh, vì kinh doanh có rất nhiều rủi ro, phải linh hoạt kết hợp cái này cái nọ, đảm bảo được đầu ra”, anh chia sẻ.
Thay vì làm như những người đi trước, mua hoặc thuê hết tất cả, Nhà Tui chỉ cung cấp giống, nguyên vật liệu và kỹ thuật; người nông dân cung cấp đất và sức lao động.
Nhân sự hiện tại của Nhà Tui
Hiện tại, Nhà Tui đang làm mẫu 1ha, mỗi tháng sản xuất được 2 tấn rau, có 14 người quản lý hơn 100 hộ nông dân, vùng nguyên liệu của Nhà Tui rộng khoảng 30ha.
Giúp mọi người không phải giải cứu nông sản
Khi bắt đầu thoả thuận giá, Nhà Tui đã cho nông dân lựa chọn: làm giá nào sẽ có lời và nuôi sống được gia đình? Sau đó, Nhà Tui xem mức giá chấp nhận được và ký “chết” mức giá đó. Nhà Tui cung cấp phân - thuốc - giống – bao tiêu sản phẩm, dựa trên báo giá rồi họ tự tính, mọi người sẽ thống nhất chung một giá.
Trước đây người dân ở vùng này trồng lúa rất cực, một năm chỉ được vài vụ, lợi nhuận không bao nhiêu, bây giờ, khi chuyển đổi sang trồng rau, nhờ nhà lưới, mọi người có thể trồng quanh năm, theo đó, thu nhập của nông dân sẽ ổn định hơn hồi xưa.
“Có như vậy, họ mới có thể gắn bó với mình lâu dài và mức giá sẽ được điều chỉnh qua từng năm. Tôi không muốn nhìn thấy người dân đi kêu gọi ‘giải cứu’ nông sản, vì thế tôi rất cẩn thận trong việc tìm đầu ra cũng như khi ký kết các hợp đồng phân phối với các đối tác sỉ cũng như lẻ ”, anh Khoa cho biết.
Sản phẩm rau của Nhà Tui đang theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hoá học, thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng phân vi sinh – phân ủ, thuốc trừ sâu sinh học, thảo dược hoặc thảo mộc.
Anh Khoa tâm sự, những sản phẩm hữu cơ có giá rất cao, vì để làm những giấy chứng nhận hữu cơ, phải có tiền tỷ mới làm được. Rau của Nhà Tui theo hướng hữu cơ chưa có giấy chứng nhận, nên giá sẽ nhỉnh hơn hàng sạch một chút. Nếu so với VietGap đến GlobalGap thì cao hơn khoảng 5 đến 6 ngàn/1kg.
“Đất ở Việt Nam mình khó mà làm hữu cơ và nếu làm đúng chuẩn hữu cơ thì giá thành sẽ rất cao, chỉ phục vụ cho một phân khúc nhà giàu nhỏ, vậy người không giàu sẽ như thế nào?
Trước mắt mình cứ làm sạch cái đã, để cho mọi người đều có thể sử dụng, sau đó chuyển đổi từ từ. Tương lai, khi mức sống của người Việt cao lên, thì giá của các sản phẩm organic sẽ không còn quá mắc so với mặt bằng chung”, anh Khoa nói.
Nói theo cách anh Khoa, vì “lỡ đam mê dự án này”, nên anh quyết theo tới cùng, tạm thời bỏ lại gia đình ở TP. HCM, khăn gói quả mướp lên ở với người dân Long Khánh trong gần 1 năm qua. Anh mong, tâm huyết của mình với rau Nhà Tui sẽ góp phần vào cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn” đang đến hồi quyết định.
-
Nữ sinh 16 tuổi khởi nghiệp công ty riêng, được Forbes châu Á vinh danh
28/01/2024 2:11 PM16 tuổi bắt đầu kinh doanh, sau 2 năm, Rika Shiiki được Forbes '30 Under 30 châu Á' vinh danh là gương mặt tiêu biểu dưới 30 có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông, marketing và quảng cáo.
-
Ý tưởng kinh doanh tốt giúp công ty khởi nghiệp của Việt Nam huy động được nguồn vốn 7 triệu USD
25/02/2022 3:35 PMOpenCommerce Group (OCG) là một trong số ít công ty khởi nghiệp Việt Nam có sản phẩm cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
-
Khởi nghiệp từ sạp giày trong trang trại lợn, giờ thành “vua giày” giàu nhất Đài Loan
19/02/2022 9:15 AMTừ một trang trại lợn, tỷ phú này đã gây dựng nên“đế chế” sản xuất giày hùng hậu và trở thành người giàu nhất Đài Loan.
-
Việt Nam đang trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á
13/01/2022 4:51 PMQuan điểm Việt Nam đang dần trở thành cái nôi cho khởi nghiệp sáng tạo mới đây đã được một nhà đầu tư mạo hiểm dạn dày kinh nghiệm chia sẻ trên Bloomberg.
-
Câu chuyện khởi nghiệp thành công của tỷ phú Hui Ka Yan
25/09/2021 8:45 AMTheo Bloomberg, Hui Ka Yan là tỷ phú bất động sản giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ròng trị giá 35 tỷ USD và là người giàu thứ 26 trong danh sách tỷ phú thế giới.
-
Tỷ phú khởi nghiệp từ tầng hầm, hiện thực hoá giấc mơ 'phiêu lưu tới các vì sao'
17/09/2021 4:55 PMTỷ phú Jared Isaacman đã ví chuyến du hành vũ trụ mơ ước của ông “là bước đầu tiên để mở ra một thế giới mà mọi người đều có thể ‘phiêu lưu tới các vì sao’”.