Cập nhật 04/06/2018 11:22 AM
Nadiem Makarim có xuất thân danh giá, tốt nghiệp Harvard nhưng sẵn sàng bỏ tập đoàn lớn để khởi nghiệp vì sở thích đi xe ôm.

Nadiem Makarim, người sáng lập và CEO của ứng dụng gọi xe Go Jek, sinh ra trong một gia đình thượng lưu ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Nadiem Makarim có ông nội là anh hùng dân tộc, bố là luật sư nổi tiếng, còn mẹ là nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng.

Từ nhỏ, Nadiem được thừa hưởng nền giáo dục tốt từ gia đình đến nhà trường. Sau khi học xong tiểu học tại Jakarta, anh được gửi sang học trung học tại New York (Mỹ), trung học phổ thông tại Singapore và sau đó trở thành sinh viên của Đại học Brown (Mỹ).

Từ nhỏ Nadiem Makarim đã được người trong gia đình nhắc nhở dù học tập ở nước ngoài nhưng phải trở về quê hương và làm điều gì đó có ích cho đất nước. Ảnh: Tech in Asia.

Là thiếu gia trong gia đình danh giá nhưng Nadiem Makarim có lối sống gần gũi và giản dị. Mỗi kỳ nghỉ hè, anh thường dành thời gian chơi đùa với con cái của những người giúp việc và lái xe của gia đình.

Năm 2006, sau khi lấy bằng cử nhân xuất sắc, Nadiem Makarim về nước và làm việc cho tập đoàn McKindsey. Cùng thời điểm đó, Nadiem Makarim thành lập dự án mang tên "Lãnh đạo trẻ dành cho Indonesia" với mục đích giúp sinh viên đại học năm thứ ba tìm việc làm trên toàn cầu. Nhờ dự án này, Nadiem giành học bổng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của trường Kinh doanh Harvard năm 2009.

Khác với các công tử nhà giàu, sau khi về nước làm việc và sinh sống, Nadiem thích sử dụng xe ôm để di chuyển trong thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, anh gặp không ít khó khăn trong việc gọi xe và mức giá cho từng chặng đường không cố định. Trong khi đó, các tài xế xe ôm mất tới ba phần tư thời gian trong ngày để chờ đợi khách hàng. Trước khi đến Mỹ học MBA, Nadiem đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một hệ thống xe ôm giải quyết nhu cầu của cả khách hàng lẫn tài xế.

Xây dựng công ty tỷ USD từ 20 lái xe ôm

Kỳ nghỉ hè năm 2010, Nadiem trở về Jakarta và cùng 3 người bạn là Brian Cu, Michaelangelo Moran, Jurist Tan thực hiện dự án xe ôm điện tử, đặt tên là Go-Jek.

"Tôi bắt đầu với văn phòng nhỏ và 20 tài xế. Ban đầu tôi thực hiện dự án này với mong muốn giải quyết vấn đề đi lại của người thân và bạn bè", Nadiem nhớ lại.

Từ ứng dụng xe ôm công nghệ, hiện Go Jek đã phát triển thành một hệ sinh thái với nhiều dịch vụ khác nhau. Ảnh: Fortune.

Tuy nhiên, Nadime không đầu tư nhiều vốn vào Go Jek bởi anh quan niệm đây là dự án xã hội giúp đỡ các lái xe tìm khách hàng, không phải hình thức kinh doanh tìm lợi nhuận.

Sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ tại Mỹ, Nadiem về nước và làm việc cho một số công ty để tích lũy kinh nghiệm. Anh từng đảm nhận ví trí giám đốc điều hành của Zalora Indonesia và giám đốc sáng tạo của công ty tài chính Kartutu.

Sau gần 4 năm hoạt động, Go Jek chỉ có khoảng 500 tài xế và vẫn là dự án xã hội được Nadime duy trì. Năm 2014, Nadime nghỉ việc tại Kartutu và tập trung vào phát triển Go Jek, sau khi được người thân khuyên nhủ.

Giữa năm 2014, Nadiem huy động thành công vốn đầu tư từ quỹ NSI Ventures của Singapore. Tháng 1/2015, Nadime chính thức thành lập công ty và đưa ứng dụng công nghệ gọi xe Go-Jek phổ biến rộng rãi trên thị trường.

Go-Jek bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ khi chỉ trong vòng một năm, ứng dụng này đã đạt 7,5 triệu lượt tải về và số lượng tài xế tăng từ 500 lên 200.000 người. Năm 2016, Go Jek trở thành startup kỳ lân đầu tiên tại Indonesia và được định giá 1,8 tỷ USD.

Go Jek không chỉ phát triển ứng dụng gọi xe ôm mà còn được Nadiem xây dựng thành một hệ sinh thái bao gồm: Dịch vụ đặt hàng, giao nhận đồ ăn, đi siêu thị, chuyển thư, thanh toán điện tử, dịch vụ làm đẹp, massage di động…

Đến giữa năm 2017, Go Jek đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu khách hàng sử dụng mỗi tuần. Go Jek nhanh chóng chiếm lĩnh 50% hoạt động vận tải và 95% thị trường giao nhận đồ ăn tại Indonesia.

Cũng trong năm 2017, Go Jek tiếp tục nhận được khoản đầu tư khổng lồ khoảng 1,5 tỷ USD từ hai đại gia công nghệ hàng đầu thế giới là Tencent và Google. Hiện nay, Go Jek được định giá 5 tỷ USD.

Khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á mới đây, Go Jek nhanh chóng thực hiện chiến lược mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Philippines. Riêng tại Việt Nam, Go Jek lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD nhằm cạnh tranh với hãng xe công nghệ đối thủ là Grab.

Trùng hợp là Nadime và CEO của Grab, Anthony Tan, từng là bạn học thân thiết tại Harvard. Cả hai cùng học tập mô hình gọi xe của Uber và đạt được những thành công nhất định tại thị trường Đông Nam Á. Giờ đây, khi Go Jek mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực, hai người bạn trở thành đối thủ cạnh tranh.

Thảo Nguyên (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….