Cập nhật 27/08/2018 3:27 PM
Tinh thần khởi nghiệp là một động lực của sự phát triển. Ở mức độ cá nhân, nó đưa ý tưởng trở thành sáng kiến thực tế và giải phóng sức mạnh sáng tạo của nguồn vốn nhân lực. Ở góc độ tổ chức, nó là động lực chính cho tăng trưởng và sự sống còn của doanh nghiệp.

Nói cách khác, các công ty có tinh thần khởi nghiệp sẽ phát triển, những công ty khác cuối cùng sẽ chết. Còn ở góc độ xã hội, tinh thần khởi nghiệp giúp kết nối cung – cầu, tạo thêm việc làm mới và góp phần giải quyết những vấn đề nhân sinh.

Thật ra, mọi người có khả năng và định hướng khởi nghiệp khác nhau dù họ là chủ doanh nghiệp hay đang làm thuê cho ai đó. Hiện nay, ngay cả các tập đoàn lớn cũng đưa tinh thần khởi nghiệp trở thành ưu tiên chiến lược vì họ muốn duy trì tính cơ động, sự khát khao và tham vọng như những công ty startup trẻ trung.

Sáng tạo đổi mới hiện được đặt ở vị trí trung tâm trong lịch trình của các công ty lớn.

Nhưng làm thế nào để xây dựng một tổ chức có tinh thần khởi nghiệp? Rõ ràng điều này là không thể thực hiện trong một sớm một chiều, cũng không thể chỉ ứng dụng một công thức chung cho mọi doanh nghiệp, mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng một công ty, một tổ chức có tinh thần khởi nghiệp, có bốn bước quan trọng và thiết yếu mà doanh nghiệp bắt buộc phải quan tâm.

1. Thuê những người có tinh thần khởi nghiệp

Những người này có “gen khởi nghiệp” trong mình. Họ là những người có óc tò mò bẩm sinh, hay phản biện nhằm góp phần thay đổi hiện trạng. Chính vì vậy, trong quá khứ, họ có thể gặp vài rắc rối với cấp trên hoặc thậm chí bị xem là “người không phù hợp”.

Họ có thể tạo ra rất nhiều ý tưởng, nhiều đến mức lắm lúc làm cho họ có vẻ lập dị hay khác thường. Những người sáng tạo gần như không thể đè nén sự ức chế tiềm ẩn trong họ. Và chính sự “bất lực” này làm tuôn trào nhiều chất sáng tạo tươi mới.

Nhưng còn một điều quan trọng nữa, có những người không sáng tạo vẫn có thể là người giỏi khởi nghiệp. Đó là những người có tinh thần chủ động cao, mạnh mẽ trong hành động và biết chớp thời cơ.

Họ rất nhạy bén với các xu hướng thị trường và biết cách biến tình huống thành cơ hội. Chính vì vậy, họ cũng là nhân tố thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo như những cá nhân giỏi sáng tạo.

2. Học cách quản lý họ

Với hai mẫu người khởi nghiệp vừa được đề cập thì những lịch trình cố định, công việc lặp đi lặp lại, hay bất cứ nhiệm vụ nào đó quá dễ dàng đều có thể làm họ “mất lửa” và trở nên xa cách với đội ngũ.

Những người này rất hăm hở bước vào dự án mới và tìm được ý nghĩa trong công việc, nhưng họ cũng dễ nản khi phải thực hiện những việc theo họ là “vô nghĩa”. Vì thế, khi họ không thực sự được khích lệ, tạo cảm hứng thì điểm mạnh của họ sẽ trở thành điểm yếu.

Các nhà quản lý cần phải học cách chịu đựng mặt tiêu cực của những người có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ: đôi khi họ đòi hỏi cao, tâm tính thất thường và dễ chán nản. Nhưng nếu người quản lý có cách khích lệ rõ ràng thì sẽ làm họ tỏa sáng.

3. Xây dựng những đội ngũ khởi nghiệp

Chúng ta thường nghĩ về khởi nghiệp sáng tạo như là một sản phẩm của những “anh hùng cá nhân”. Trong thực tế, mọi sáng tạo đổi mới đều là kết quả của sự phối hợp đồng đội và điều này có thể đạt được nhờ xây dựng thành công những đội ngũ có tinh thần khởi nghiệp.

Bí quyết để tạo được sự hiệp lực thật sự giữa các thành viên trong đội, để họ có thể hoạt động như các bộ phận khác nhau trong cùng một tổ chức, là tìm ra những giá trị và niềm tin tương đồng, còn kỹ năng và phong cách thì lại bổ sung cho nhau. Một đội ngũ có quá nhiều cá nhân sáng tạo sẽ không bao giờ hoàn tất được chuyện gì.

Trong khi một đội ngũ có quá nhiều cá nhân thích hành động sẽ không thể dừng lại để suy ngẫm và không có được định hướng rõ ràng. Nếu từng cá nhân đóng góp một bộ kỹ năng khác biệt để cùng hợp lực với nhau, thì sẽ dễ “phân vai” và thúc đẩy sự hợp tác, đồng thời giảm thiểu sự cạnh tranh trong nội bộ.

Tuy nhiên, tất cả thành viên của tập thể phải cùng đồng hành về mặt mục tiêu và sứ mệnh, và đó là lý do vì sao mà vai trò lãnh đạo là cực kỳ quan trọng. Nếu các thành viên lại khác nhau về niềm tin và giá trị cốt lõi thì sẽ khó khích lệ mọi người cùng hướng về một tầm nhìn chung.

4. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp

Đây là yếu tố sau cùng và cũng là yếu tố quan trọng nhất của công thức này. Nhưng thế nào là văn hóa khởi nghiệp? Nói một cách đơn giản, đó là văn hóa tạo điều kiện, tiếp sức cho mọi nhân viên có thể hành động với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, ngay cả khi họ không có khuynh hướng tự nhiên để hành động như thế.

Nói cách khác, đó là môi trường hoặc hệ sinh thái mà các cá nhân cảm thấy được khích lệ để mạo hiểm, để tự ra quyết định và trải nghiệm.

Trong một môi trường khích lệ sự tương tác của nhân viên với các “team” của công ty, vấn đề có thể sớm được giải quyết nhờ những quyết định nhanh chóng, không quan liêu, không hình thức.

Văn hóa khởi nghiệp thúc đẩy sự khám phá, học hỏi và vui chơi. Để xây dựng được văn hóa khởi nghiệp, người lãnh đạo phải tin tưởng nhân viên cũng như nhân viên phải tin họ và nhân viên cần được đối xử như “những người trưởng thành”.

Họ phải được trao cho quyền tự chủ, nhận được sự hỗ trợ mà họ cần và có được tầm nhìn như thể họ là người sở hữu doanh nghiệp.

Tâm Quỳnh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.