Người dùng Hutch của Beatrice Fischel-Bock chỉ việc chụp ảnh căn phòng, 'thay áo' cho chúng bằng các bộ lọc 3D rồi biến thành hiện thực.

Khi phải bài trí cho ngôi nhà của mình, không ít người trở nên hoang mang khi chẳng biết gì về thiết kế. Đó là một trong những vấn đề mà công nghệ ngày nay sinh ra để giải quyết.

Tưởng tượng rằng có một nền tảng cho phép bạn phối những item thời trang có sẵn rồi mua sắm tức thì, điều tương tự cũng có thể thực hiện với đồ đạc trong nhà.

Đó chính là cách Beatrice Fischel-Bock, 27 tuổi, tạo ra cách mạng cho ngành nội thất bằng ứng dụng Hutch.

Startup này đang biến việc cần đến chuyên môn cao như thiết kế nội thất cũng có thể tự làm và thậm chí vui nhộn.

Beatrice Fischel-Bock nằm trong danh sách 30 Under 30 năm 2018 của Forbes. Ảnh: VoyageLA.

Khi lớn lên, gia đình Fischel-Bock chuyển nhà nhiều lần qua các nước và thành phố. Điều này trở thành cơ hội cho cô đắm chìm trong những cái nôi di sản kiến trúc, từ quê hương Thụy Sĩ đến London, Anh, hay Miami (Mỹ). Từ hồi đó, cô gái trẻ đã luôn chiêm ngưỡng và học hỏi các công trình.

Những năm cuối tại ĐH George Washington, bạn bè Fischel-Bock bắt đầu chuyển ra căn hộ riêng và cần tư vấn tìm kiếm đồ đạc. Nữ sinh viên nhận ra cần có giải pháp cho người muốn trang trí nhà ở mà không dư dả để thuê dân thiết kế chuyên nghiệp.

Năm 2012, Fischel-Bock startup ZOOM Interiors and Homee (tên gọi cũ của Hutch), sử dụng các công cụ ảo để thiết kế căn hộ cho bạn bè. Cô kiếm 1 triệu USD doanh thu khi còn chưa rời ghế nhà trường.

Từ đây, Fischel-Bock cũng phát hiện rằng nội thất là nhánh chưa được khai thác trong lĩnh vực công nghệ.

Tốt nghiệp không lâu sau đó, trong khi đồng trang lứa đi thực tập hoặc có công việc đầu tiên, Fischel-Bock xuất hiện trên Shark Tank Mỹ. Cô trình bày công cụ trực quan giúp ai cũng có thể tự bài trí không gian như phối đồ thời trang.

Ý tưởng gây hứng thú cho nhà sáng lập Tinder, Sean Rad. Anh này giúp họ huy động 2,2 triệu USD vốn ban đầu, dùng kinh nghiệm làm ứng dụng hẹn hò tỷ đô của mình để cố vấn cho Hutch suốt thời gian gây dựng.

Hutch dùng công nghệ độc quyền biến ảnh chụp phòng thành dạng 3D, người dùng sau đó thay các 'bộ lọc' cho nhà và mua đồ tại chỗ. Ảnh: Hutch.

Nói đến việc trang trí nhà cửa, nhiều người biết họ muốn gì nhưng gặp khó trong việc hình dung tổng thể. Website và ứng dụng di động Hutch ra đời khiến mọi thứ trực quan hơn.

Quá trình thiết kế bắt đầu bằng bước tải lên ảnh căn phòng hoặc nếu không, chọn những mẫu khung có sẵn. Sau đó, không gian sẽ được công nghệ độc quyền của Hutch chuyển đổi thành dạng 3D, và chờ người dùng lắp ghép thiết kế. Có một kho "bộ lọc" được tuyển chọn và bộ sưu tập đồ đạc cho họ thay áo không gian.

Đặc biệt, Hutch là nền tảng kết hợp công nghệ 3D và thương mại điện tử. Các thành phần được lựa chọn phối cảnh đều có sẵn và có thể mua trực tiếp trong này. Không chỉ lên thiết kế dễ dàng, người dùng biến chúng thành hiện thực một cách tiện lợi.

Hutch cũng cung cấp từ đầu những lựa chọn mức chi tiêu từ vừa túi tiền cho đến rộng rãi để đưa ra các gợi ý phù hợp.

Tính đến cuối năm ngoái, Hutch đã gọi vốn thành công hơn 17 triệu USD. Hiện tượng này giúp chủ nhân 27 tuổi lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes.

Năm 2017 cũng ghi nhận lượng cài đặt ứng dụng của cô tăng vọt, gấp 40 lần chỉ trong hai tháng 5 và 6.

Cô gái trẻ khá sợ hãi khi lần đầu đối mặt những nhà đầu tư mạo hiểm vì đã nghe không biết bao nhiêu câu chuyện tiêu cực về các cuộc họp với giới này.

Tuy nhiên, qua trải nghiệm, Fischel-Bock khẳng định hầu hết họ thú vị và quan tâm đến các ý tưởng. Kể từ đó, cô luôn coi những cuộc gọi vốn không đơn thuần là thuyết trình mà còn để học hỏi.

Cô gái 27 tuổi tự thiết kế và đóng đồ đạc trong nhà mình. Ảnh: NBC News.

Hiện có khoảng 20 người trong đội ngũ của Hutch, chia đều số lượng nam nữ. Cân bằng giới tính là điều nhà sáng lập kiêm CEO đã có định hướng rõ ràng.

Cô chia sẻ: "Với một hãng công nghệ, 50% là tỷ lệ nhân sự nữ khá cao. Trong quá trình tuyển dụng sắp tới, tôi sẽ còn nỗ lực hơn nữa để chiêu mộ nữ giới. Đây là thời điểm phù hợp và tôi có nghĩa vụ đó".

Khoảng 10% cộng đồng sử dụng Hutch là các nhà thiết kế chuyên nghiệp, còn lại là người dùng thông thường. Về lo ngại giành "miếng ăn" của dân làm nội thất, Hutch khẳng định chính đối tượng này cũng có thể là khách hàng của ứng dụng.

Họ hy vọng các thuật toán của Hutch có thể bổ trợ cho kỹ năng con người. Chẳng hạn thay vì làm đi làm lại nhiều file photoshop, các nhà thiết kế có thể dùng Hutch để nhanh chóng trình bày nhiều ý tưởng khác nhau và trực quan với khách hàng.

Sứ mệnh startup này theo đuổi là khiến trang trí và sắm đồ trong nhà không còn gây căng thẳng mà thành một thú vui có thể tận hưởng. Fischel-Bock còn ấp ủ ra mắt dòng sản phẩm nội thất riêng trong tương lai không xa.

Quốc Việt (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.