Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Ngân hàng hồ sơ ứng tuyển trực tuyến Việt Nam (CVbank) gửi đến VnExpress một số kinh nghiệm thuyết phục nhà đầu tư được anh rút ra từ dự án start-up chính mình.
Tôi hiện đang là giám đốc một dự án start-up công nghệ liên quan đến lĩnh vực nhân sự. Từ khi dự án còn là ý tưởng, tôi chỉ nghĩ đến là làm như nào để có được tính năng tốt nhất và lợi ích cao nhất cho nhà tuyển dụng - ứng viên – và mô hình kinh doanh của mình chứ chưa nghĩ nhiều đến việc mình phải bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư cho ý tưởng này. Đến khi bắt đầu khởi nghiệp, bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh tôi mới kịp nhận ra rằng chi phí đầu tư quá cao so với việc ước tính trước đó. Ngay lập tức tôi nghĩ ngay đến việc kêu gọi vốn đầu tư.
Do trước đây, tôi đã có kinh nghiệm hơn 3 năm làm ở vị trí Trưởng bộ phận dự án đầu tư, nên việc lập ra bản kế hoạch kinh doanh với tôi không có gì khó khăn. Tuy nhiên, ngay cả khi tôi có trong tay một bản kế hoạch khá chi tiết và bài bản thì mọi con số chỉ là ước tính trên giấy tờ. Chính vì vậy, khi tôi mang kế hoạch đi trình bày với một số nhà đầu tư có mối thân quen từ trước, thậm chí có người nói thẳng rằng "đây chỉ là đếm cua trong hang, không có tính thực tế”.
Dù thế, tôi vẫn kiên trì tìm kiếm, gõ cửa và thuyết phục không dưới 10 nhà đầu tư lớn nhỏ... song đều thất bại. Rõ ràng ai cũng bảo ý tưởng của tôi rất hay, nhưng họ vẫn cho là không có tính thực tế nên khó lòng rót vốn đầu tư. Nhiều lúc tôi thật sự hoang mang về tính khả thi của dự án. Cho đến khi tôi đã tích cóp được một số vốn nhất định, tôi quyết định trước tiên phải tự đầu tư, đợi sản phẩm đã thành hình hài, hoạt động kinh doanh bắt đầu vào guồng tôi mới chuyển hướng kêu gọi vốn đầu tư.
Đến cuối tháng 6 năm nay, khi dự án bắt đầu có doanh thu cũng là lúc một nhà đầu tư chủ động đặt vấn đề rót vốn cho mô hình. Họ mua lại 30% vốn điều lệ, trong đó được chia ra làm 2 phần đầu tư, một phần là chi phí tài chính với khoảng 10.000 USD và một phần dành để đầu tư cơ sở vật chất trong 5 năm. Hiện có 2 nhà đầu tư khác cũng muốn rót vốn cho dự án của tôi.
Để nhà đầu tư quyết định rót vốn hãy cho họ biết tiềm năng sinh lời trong thời gian ngắn từ ý tưởng kinh doanh. Ảnh: Anh Quân
Từ quá trình khởi nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư cho mô hình start-up, tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm và rất muốn chia sẻ với những bạn trẻ khởi nghiệp và cũng gặp nhiều vấn đề về vốn đầu tư:
Thứ nhất, bạn cần phải có một ý tưởng tốt, ít nhất được người thân, bạn bè đánh giá có tính khả thi. Thêm nữa, hãy tìm cho mình một người chung chí hướng và đam mê để cùng làm và chia sẻ các khó khăn. Trước khi khởi nghiệp tôi đã tìm hiểu và thấy rằng không ít mô hình start-up được hình thành đôi khi chỉ để thỏa lòng đam mê cá nhân, vì vậy có thể ý tưởng ban đầu rất hoang đường, song nếu hội tụ đủ yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", ý tưởng có vẻ điên rồ đó lại đem đến thành công bất ngờ cho người nghĩ ra. Nếu bạn một ý tưởng độc đáo, khác lạ đừng ngần ngại chia sẻ vì chắc chắn sẽ có người thích thú với điều đó..
Thứ hai, bạn cần xác định dự án của mình cần hướng đến đối tượng nhà đầu tư nào. Đó là các nhà đầu tư bên ngoài gồm: bạn bè hay các thành viên trong gia đình, hay nhà đầu tư bên ngoài là các ngân hàng, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ đầu tư thông qua việc cho vay, mua cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai cách. Và tìm hiểu xem mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là gì, có phù hợp khi họ tham gia dự án của bạn. Tuy nhiên có 4 điều mà các nhà đầu tư luôn đánh giá cao khi chủ ý tưởng thuyết trình đó là: Tin tưởng, sự hiểu biết mô hình kinh doanh, tự tin về tài chính và khả năng sinh lợi nhuận.
Thứ ba, muốn thuyết phục được nhà đầu tư bạn cần có một kế hoạch chi tiết và bài bản tốt nhất nên tạo bản slide. Hãy tóm tắt ngắn gọn ý tưởng kinh doanh của bạn và làm nó trở nên dễ hiểu, hấp dẫn nhưng phải cực kỳ khả thi trong mắt nhà đầu tư. Trong đó bạn nêu rõ được mục tiêu cụ thể của dự án trong từng giai đoạn. Tốt nhất bạn nên tập trung nêu bật điểm độc đáo của ý tưởng, những điểm riêng của dự án so với các sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, bạn cần khoanh vùng mảng cần vốn của nhà đầu tư rót vào nhất theo thứ tự ưu tiên, vì bạn không phải chỉ có một nhà đầu tư.
Thứ tư, vốn luôn là vấn đề lớn đối với các dự án start-up. Dù xác định tìm vốn đầu tư bên ngoài, nhưng vẫn cần một có một khoản nhất định để có thể chi trả các chi phí ban đầu. Tùy vào quy mô và mức độ chịu lỗ nhưng tối thiểu là có thể đảm bảo chi trả trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, khi thuyết trình bạn cũng nên đưa ra được những dự báo thực tế, kể cả ước tính mức tăng trưởng của doanh nghiệp. Và nên nhớ sử dụng các giả thiết dựa trên cơ sở số liệu, kết quả nghiên cứu của các đơn vị về lĩnh vực mình đang làm. Cùng đó, bạn nêu lên một số giải pháp để mô hình nhanh chóng có doanh thu. Dù mỗi nhà đầu tư có yêu cầu khác nhau về dòng vốn rót nhưng gần như tất cả đều mong muốn tiền họ bỏ ra không liên tục phải chịu mức âm kể cả là năm đầu tiên bạn khởi nghiệp.
Thứ năm, bạn cần định giá được ý tưởng, dự án của mình theo từng giai đoạn phát triển, để khi một nhà đầu tư nào đó muốn rót vốn vào thì cả bạn và họ đều biết được là mình cần bao nhiêu tiền và khả năng họ sẽ rót vào bao nhiêu vốn. Sau khi rót vốn nhà đầu tư nắm bao nhiêu phần trăm cổ phần, hay cổ phiếu nếu dự án đó lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, không ít mô hình start up tại Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến điều này, do đó, khi nhà đầu tư ngỏ ý thì gần như không thể định giá được giá trị của dự án. Mà chỉ dựa trên giá trị của một trong 2 phần, đó là chi phí thực tế đã được bỏ ra để đầu tư và số vốn điều lệ khi thành lập công ty.
Thứ sáu, việc tìm kiếm nhà đầu tư không phải chỉ dừng ở khâu khởi động dự án mà bạn phải xác định cả trong quá trình khởi nghiệp. Sau khi đã nhận được một khoản đầu tư dù nhỏ hay lớn đừng tự hài lòng mà nên tích cực tìm thêm những nhà đầu tư khác để đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện của dự án như vậy dự án nhanh chóng thành công hơn.
-
Gọi vốn 'khủng' không đồng nghĩa với thành công
03/09/2021 8:35 AMHầu hết start-up đều nghĩ rằng, có ý tưởng độc đáo, được nhiều nhà đầu tư biết đến và gọi được vốn đầu tư là những yếu tố bảo chứng cho thành công, nhưng trên thực tế là chưa đủ.
-
Start-up nên làm gì khi gặp thất bại?
12/07/2021 7:45 AMThất bại là người bạn đồng hành với nhiều phụ nữ trên hành trình khởi nghiệp. Nên dừng lại hay đi tiếp? Những tư vấn từ chuyên gia có thể hữu ích với các start-up.
-
'Dạy' bạn trẻ 'đừng mất uy tín', Shark Việt sai phạm kéo dài nhiều năm
20/06/2021 9:40 AMShark khuyên startup 'đừng mất uy tín', chung cư do công ty của Shark xây lại vướng nhiều sai phạm, không minh bạch với cư dân.
-
Start-up giải mã gien do người Việt sáng lập huy động 2,5 triệu USD trong 30 ngày
19/03/2021 9:05 PMGenetica có trụ sở tại Hoa Kỳ, chủ yếu cung cấp dịch vụ của mình ở Đông Nam Á đã huy động được 2,5 triệu USD, chỉ trong 30 ngày.
-
Nhà đầu tư thung lũng Silicon “đổ tiền” vào Fintech Việt Nam
14/01/2021 1:32 PMViệc các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào một start-up tài chính trong nước cho thấy sức hấp dẫn cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thị trường công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam.
-
Facebook chi gần 1 tỉ USD mua lại start-up chuyên về quản lý quan hệ khách hàng
01/12/2020 10:52 AMFacebook thông báo họ sẽ mua lại Kustomer, một start-up về quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Giá trị thương vụ này được dự đoán lên đến 1 tỉ USD.