Cập nhật 28/02/2020 3:43 PM
Trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp đang được Chính phủ thúc đẩy và nâng đỡ, quyền tự do kinh doanh cho người dân đang được mở rộng, có ý kiến đề xuất, công dân đủ 15 tuổi được phép thành lập doanh nghiệp, thay vì đủ 18 tuổi như quy định hiện hành.

Rộng hơn quyền kinh doanh

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020.

Để dự luật tiếp tục tạo ra sự thông thoáng hơn nữa không gian kinh doanh cho người dân, Ban soạn thảo thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý.

Trong quá trình tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia về dự thảo Luật, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận đề xuất cho phép công dân đủ 15 tuổi được phép thành lập/góp vốn thành lập doanh nghiệp, nhất là khi hệ thống pháp lý hiện hành đã có hướng cởi mở từ lâu về vấn đề này.

Chẳng hạn, theo quy định của Bộ luật Dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Hay theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Nội dung này được kế thừa tại Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, khi quy định: độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi.

Mặt khác, trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”, định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ cũng như nhận thức của lớp lao động trẻ đang có sự thay đổi, đó là con đường thành công về nghề nghiệp không còn nặng nề phải đi “con đường độc đạo” là vào các trường đại học, cao đẳng, mà họ được khuyến khích lập nghiệp sớm theo khả năng và hoàn cảnh của bản thân, gia đình.

Không hiếm những ý tưởng kinh doanh, sáng kiến của các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường ở bậc phổ thông.

Ngoài ra, gần đây, Chính phủ quan tâm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, nên việc mở rộng quyền kinh doanh cho giới trẻ cần được nghiên cứu, xem xét để vừa góp phần “làm nóng” phong trào khởi nghiệp, vừa gia tăng số lượng doanh nghiệp khi mà Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80 - 100 người dân/doanh nghiệp.

Chuyên gia nói gì?

Ý tưởng cho phép công dân đủ 15 tuổi được thành lập doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.

“Mở rộng quyền kinh doanh cho giới trẻ là ý tưởng cần được ủng hộ. Ngoại trừ những ngành nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên sâu, khả năng tài chính lớn…, giới trẻ hoàn toàn triển khai được các ý tưởng kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực đơn giản, nhưng lại có tính sáng tạo, thậm chí táo bạo.

Điều này phù hợp với tinh thần khởi nghiệp đang được Chính phủ thúc đẩy”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.

"Ý tưởng cho phép công dân đủ 15 tuổi được thành lập doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia".

Ông Tuấn cho rằng, người đủ tuổi 15 có thể chưa đủ tự tin để đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng, nhưng việc họ góp vốn cùng với những người có kinh nghiệm, có năng lực tài chính để cùng kinh doanh thì mang tính khả thi.

Đây là ý tưởng cần được cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nghiên cứu, xem xét, để mở rộng hơn quyền tự do kinh doanh cho người dân khi quy định pháp lý liên quan đã bước đầu định hình.

Ở góc nhìn của một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng nên nghiên cứu cho phép công dân đủ 15 tuổi được thành lập công ty để khởi nghiệp trong những ngành, lĩnh vực không đòi hỏi kinh nghiệm, các lĩnh vực phải phải có các chứng chỉ hành nghề chuyên môn sâu…

Tuy nhiên, nếu Luật Doanh nghiệp tiếp thu đề xuất trên thì cần sửa đổi các quy định pháp lý liên quan để đảm bảo tính thống nhất, khả thi.

Mặt khác, ban đầu nên giới hạn phạm vi đầu tư của những người đủ 15 tuổi trong một số ngành, lĩnh vực để tránh phát sinh các rủi ro vượt quá khả năng chịu đựng của họ ở độ tuổi này; tránh phát sinh rủi ro cho các bên tham gia cùng kinh doanh, hoặc có giao kết giao dịch trong làm ăn với các chủ doanh nghiệp ở độ tuổi 15, vì sẽ họ có những hạn chế khi đóng vai trò là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, cũng như trong giao tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác kinh doanh…

Nguyễn Hữu (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.