Nổi tiếng là người "ưa phá bĩnh", hay góp mặt trong những vụ thâu tóm đình đám, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi liệu có muốn thâu tóm khách sạn Melia Hà Nội?
Những đồn đoán về việc Khách sạn Melia Hà Nội có thể bị thâu tóm bởi đại gia nước ngoài đang gây xôn xao dư luận.
Khách sạn Melia Hà Nội thuộc sở hữu của công ty CTAMAD - SAS Trading Ltd, công ty liên doanh giữa Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) và Công ty SAS Trading Ltd - công ty con của TTC Land. TTC Land là tập đoàn lớn của Thái Lan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, thuộc sở hữu của người giàu thứ 2 Thái Lan, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi năm nay 69 tuổi, ông có tới 5 người con. Những thành công trong lĩnh vực giải khát đã giúp ông trở thành người giàu thứ 82 thế giới trong danh sách của Forbes khi có tổng tài sản lên tới 11,6 tỷ USD. Trước đó chỉ 1 năm, ông đứng ở vị trí khiêm tốn hơn rất nhiều 184. Ông là người giàu thứ 2 ở Thái Lan.

Tỷ phú Thái Charoen (phải)

Tài sản của ông nhiều gấp đôi giá trị cổ phiếu Bev Thái mà ông nắm giữ. Ông đã đánh bại gia đình của Indonesia để kiểm soát thị trường nước giải khát tại Singapore và Công ty bất động sản Fraser & Neave (F&N). Ngoài ra, ông còn sở hữu nhiều bất động sản sang trọng tại Châu Á, Úc, Mỹ.

Nhưng điều khiến ông nổi tiếng nhất chính là "việc cản đường" các thương vụ thâu tóm đình đám. Khi Heineken sắp hoàn tất việc mua lại APB, hãng sản xuất bia Tiger, thông qua công ty của con rể, Charoen đột ngột xuất hiện, đề xuất mua cổ phần APB với mức giá cao hơn của Heineken. Tỷ phú này đã đưa ra 7,5 tỷ đôla Singapore (6 tỷ USD) để có được toàn bộ cổ phần còn lại của APB. Cuộc chiến về giá này đã làm gia tăng giá trị cổ phần mà con rể Charoen nắm giữ trong APB thêm khoảng 134 triệu USD vì đẩy giá cổ phiếu của hãng này trên thị trường tăng. Tiền chảy vào túi gia đình này sẽ càng tăng nếu Heineken tăng giá chào mua hoặc F&N bán lại các bộ phận khác của công ty này.
Trong cuộc chiến trước đây với hãng bia Đan Mạch Carlsberg, Charoen ban đầu thậm chí đòi đối thủ này phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới 2 tỷ USD.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi cũng nổi tiếng với ý định thâu tóm siêu thị FamilyMart. Siêu thị này là thuộc sở hữu của Công ty Vina FamilyMart, liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái (51%), FamilyMart Nhật (44%) và Itochu cũng của Nhật (5%). Tuy nhiên sau 2 năm hoạt động, do ít chú trọng vào marketing và quảng bá thương hiệu và gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh như BigC, Co.opmart và các cửa hàng tiện lợi khác như Shop&go, Circle K, FamilyMart Việt Nam phải chịu thua lỗ. Lúc này, đối tác bên Nhật muốn mở rộng thị trường tại các nước khác chứ không chịu được lỗ tại Việt Nam.
Tháng 11/2012, công ty này có mặt tại 8 nước khác. Tháng 1/2013, Philippines được chọn là điểm đến mới. Có thể thấy, vốn hay khả năng chịu lỗ không phải là vấn đề lớn với FamilyMart khi công ty này rời bỏ thị trường Việt Nam.
Lúc này, công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), được góp vốn từ tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan) lên tiếng muốn thâu tóm siêu thị này. Trong bài báo có tên "Berli Jucker để mắt tới thị trường bán lẻ Việt Nam", tác giả tiết lộ Berli Jucker Plc (BJC) đang nỗ lực tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam với bản hợp đồng trị giá từ 1 tới 3 tỷ bath (32 triệu tới 96 triệu USD). Đây là lần thứ 3 ông trùm Charoe
Sirivadhanabhakdi tăng cường lĩnh vực này sau khi thất bại với Carrefour Hypermarkets và chính FamilyMart tại Thái Lan.
Ngoài các thương vụ trên, tỷ phú người Thái này còn thành công trong việc mua lại chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản Oishi vào năm 2008.
Công ty F&N của tỷ phú này cũng đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị ở Việt Nam và đặc biệt là khoản đầu tư nắm giữ 9,54% cổ phần của Vinamilk. Số cổ phần này hiện đáng giá ít nhất là 500 triệu USD.
Khách sạn Melia được xây dựng là khách sạn 5 sao trên khu trên khu đất 44B Lý Thường Kiệt, nơi gần 20 năm trước là trụ sở của HEM. Ban đầu, khu bất động sản này được đặt tên là Hanoi Central Hotel, sau được đổi thành Melia. Công trình này bao gồm một tổ hợp Khách sạn và Văn phòng cho thuê HCO Buiding được đưa vào hoạt động từ năm 1998.
Khách sạn Melia Hà Nội

Trong liên doanh, SAS nắm giữ 65% cổ phần, HEM nắm giữ 35% cổ phần. Tại thời điểm phê duyệt, HEM góp 84,3 tỷ đồng, còn SAS có 179,6 tỷ đồng.

Hiện tại, cả 2 phía HEM và SAS đều đang phải đổ thêm vốn cho liên doanh. Sau nhiều lần rót vốn, khoản đầu tư vào SAS - CTAMAD của HEM đã lên tới 352,2 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012, tăng nhẹ so với con số 335,8 tỷ đồng thời điểm 1/1/2012.
Diên Lệ (Kiến thức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.