Bà Christine Lagarde sẽ phải nhận nhiệm vụ nhiều thách thức là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu.

Hội đồng châu Âu (EC) hôm qua chính thức đề cử bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) làm Chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Bà sẽ thay thế ông Mario Draghi, sau khi nhiệm kỳ 8 năm của ông kết thúc vào tháng 10.

Bà Lagarde từng làm Bộ trưởng Tài chính Pháp và đã lãnh đạo IMF từ năm 2011. "Tôi rất vinh dự khi được đề cử vào chức Chủ tịch ECB. Sau khi tham vấn với Hội đồng Đạo đức thuộc Ban giám đốc IMF, tôi quyết định ngừng thực hiện các trách nhiệm của một tổng giám đốc IMF trong thời kỳ đề cử", bà cho biết trong một thông báo.

Việc đề cử đã được Nghị viện châu Âu (EP) và bộ trưởng tài chính các nước eurozone thông qua. Dù vậy, quyết định cuối cùng nằm trong tay lãnh đạo các nước thành viên EU.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP

Chủ tịch EC Donald Tusk cho biết việc bà Lagarde từng làm bộ trưởng tài chính không gây rủi ro cho ECB. Cơ quan này hoạt động độc lập, không chịu ảnh hưởng bởi chính trị.

Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte nhận xét bà Lagarde là "một phụ nữ cứng rắn". "Bà ấy biết mình muốn gì, luôn đưa ra những chỉ đạo rõ ràng. Khi cho vay, bà ấy có những điều kiện rất khắt khe", ông cho biết.

Nếu được chấp thuận, bà Lagarde sẽ phải nhận nhiệm vụ đầy thách thức là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu. Tháng trước, ông Draghi cho biết ECB sẽ tung thêm biện pháp kích thích, nếu tình hình trong khu vực đi xuống. Số liệu do IHS công bố hôm thứ hai cũng cho thấy hoạt động sản xuất tại đây đã co lại 5 tháng liên tiếp.

"Bà Lagarde được kỳ vọng nghiêng về nới lỏng tiền tệ, nhưng vẫn gây sức ép lên giới chức tài chính, buộc họ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng khu vực đồng euro", Krishna Guha – Giám đốc Chiến lược ngân hàng trung ương và chính sách toàn cầu tại Evercore ISI nhận xét, "Chúng tôi cho rằng bà ấy sẽ ủng hộ phương án mà ông Draghi được kỳ vọng thực hiện trong tháng 9. Đó là một gói nới lỏng gồm cả giảm lãi suất 0,1–0,15% và chương trình mua lại khoảng 30 tỷ euro trái phiếu một tháng".

Hà Thu (VNE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.