Một trong những câu hỏi được dư luận đặt ra ngay sau khi ông Kiên bị khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép là kinh doanh mặt hàng gì? Nguồn tin mới nhất cho biết, hành vi vi phạm pháp luật của ông Kiên là mở sàn vàng trái phép. Ngoài ông Kiên, một số người khác liên quan cũng bị bắt giữ.

Thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, người nổi tiếng và quyền lực trong làng thể thao cũng như tài chính Việt Nam, với biệt danh bầu Kiên, bị cơ quan điều tra bắt giữ được rộ lên sáng 21/8 sau khi một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) xác nhận với báo giới.

Nguyên nhân vẫn còn là ẩn số

Nguyên nhân bầu Kiên bị bắt ban đầu được cho là để “điều tra về một số sai phạm trong hoạt động kinh tế”. Đến trưa 21/8, website của Ngân hàng Nhà nước đã đăng tải thông tin cụ thể hơn về việc ông Kiên bị khởi tố.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ đơn khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty: Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ngày 20/8, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Nguyễn Đức Kiên.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 Bộ luật Hình sự. Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba công ty trên. Tối 20/8, công an đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Kiên tại Hà Nội và đã thu giữ một số tài liệu.

Hiện vẫn chưa rõ ông Kiên bị khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép là kinh doanh mặt hàng gì?

Một cán bộ điều tra cho biết, công tác khám xét nhà riêng ông Nguyễn Đức Kiên tại số 27 đường Xuân Diệu đã được tiến hành và nhiều tài liệu được thu giữ để phục vụ công tác điều tra.

Hàng xóm ngạc nhiên

Trước khi ông Kiên bị bắt, sáng 20/8, người dân sống xung quanh khu biệt thự mà bầu Kiên đang ở tại số 27, đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ vẫn thấy ông Kiên đi chiếc Mercedes. Tới buổi chiều, người dân vẫn thấy một chiếc xe biển số tư nhân chở một cây tùng la hán vào nhà ông Kiên...

"Tôi ngồi uống nước ngay đối diện biệt thự nhà ông Kiên, khoảng 3h chiều qua, tôi vẫn còn nhìn thấy ông Kiên đứng ngắm nghía, chỉ đạo xe cẩu, cẩu cây tùng vào trồng trong vườn", một người hàng xóm của bầu Kiên quả quyết.

Bà Ngô Thị Bạch Yến, Tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết việc khám xét nhà của bầu Kiên diễn ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 19h tới hơn 20h tối qua. Kết thúc việc khám xét, công an thu giữ một số giấy tờ đựng trong một thùng catton và một vật giống như cây máy tính để bàn.

"Tôi là tổ trưởng nên được mời đến làm người chứng kiến vụ việc. Có khoảng 10 người là công an mặc quân phục tại nhà ông Kiên. Tôi không biết họ tới vào lúc nào nhưng khoảng 19h, khi tôi có mặt thì công an bắt đầu đọc lệnh khám nhà với lý do để điều tra việc kinh doanh trái phép của ông Kiên. Lúc thực hiện lệnh khám xét, ngoài bảo vệ và người giúp việc, có 3 người trong gia đình ở nhà là mẹ, vợ và con trai lớn của ông Kiên. Mẹ ông Kiên đang ăn cơm dưới nhà, còn vợ ông Kiên ngồi ở phòng khách. Thái độ mọi người trong gia đình khá bình tĩnh. Tôi đoán việc này giấu mẹ ông Kiên vì bà bị bệnh huyết áp cao", bà Yến nói.

Bà Yến cũng cho hay, khi được gọi tới chứng kiến việc khám nhà, bà khá bất ngờ khi biết "bầu" Kiên sống cùng khu phố với mình: "Tôi có đọc báo, xem tivi và biết ông Kiên nhưng chỉ đến tối qua tôi mới biết, ông Kiên sống cùng khu phố mặc dù từ nhà tôi tới nhà ông Kiên chỉ cách vài bước chân".


Tổ trưởng tổ dân phố cũng khá bất ngờ khi biết nhà bầu Kiên ngay trong khu nhà mình

Theo bà Yến, gia đình ông Kiên sống khá khép kín, mặc dù đã sống tại khu phố này 5 - 6 năm nhưng không bao giờ tham gia hoạt động tập thể. Duy chỉ có mẹ ông Kiên thỉnh thoảng sinh hoạt Đảng cùng mọi người.

Chứng khoán “sốc”

Chưa thể đánh giá một cách chính xác mức độ liên quan giữa thông tin ông Kiên bị bắt giữ và những diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 21 và 22/8, song rõ ràng thị trường đã có hoạt động bán ra quyết liệt trên hầu hết các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhất là trong phiên 21/8.

Cụ thể, biến động của phiên giao dịch 21/8 có thể chia làm 3 cung bậc tâm lý rất rõ ràng. Ban đầu là hoạt động cắt lỗ cực mạnh và kiên quyết của những người có thể đánh giá nhanh về mức độ trầm trọng của thông tin. Những người bán sớm còn có thể đạt được mức giá tương đối, dù cũng đã giảm rất mạnh so với hôm qua.

Tiếp đến là tình trạng hoảng loạn của hầu hết những người cầm cổ phiếu. Khối lượng cắt lỗ ngày càng tăng lên và giá nào không quan trọng bằng có chạy được hàng hay không. Tính đám đông thể hiện rất rõ. Cuối cùng là tình cảnh chợ chiều khi người người xếp hàng bán sàn mà thanh khoản không có.

Tính chung trong phiên giao dịch ngày 21/8, thông tin bầu Kiên bị bắt đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” 19.100 tỷ đồng (tương đương 920 triệu USD) so với ngày trước đó, giảm xuống còn 778,457 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, diễn biến thị trường đang tiềm ẩn những rủi ro cho các nhà đầu tư lướt sóng.

Mức giảm thê thảm nhất là ở khối cổ phiếu ngân hàng, bởi ông bầu Nguyễn Đức Kiên là cổ đông sáng lập của nhiều ngân hàng và là người có thế lực trong ngành này.

Báo chí nước ngoài cũng “choáng”

Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt cũng khiến báo giới quốc tế rất bất ngờ. Nhiều tờ báo tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới đều lên cơn “sốt” khi hay tin bầu Kiên bị bắt và cập nhất khá nhanh về vụ việc này.

Từ các báo trong khu vực như AsiaOne của Singapore, the Standard của Hong Kong tới những trang tài chính quốc tế như AFP, BBC, Bloomberg, CNBC, Financial times…đều có tin, bài phản ánh, đặc biệt là về phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam trước thông tin này.

Với tiêu đề “Vụ bắt giữ đại gia ngân hàng Việt Nam khiến nhà đầu tư hoảng hốt”, hãng tin AFP đưa tin “Hôm thứ Ba, việc Việt Nam thông báo đã bắt giữ một “ông trùm” hàng đầu của giới ngân hàng vì hoạt động kinh doanh phi pháp đã khiến các thị trường tài chính rúng động còn ngân hàng trung ương phải trấn an người dân không nên hoảng sợ”. Đồng thời, hãng tin này cũng đưa lại phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình rằng: “Để đảm bảo sự an toàn cho tòan hệ thống, ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp để đảm bảo thanh khoản cho ACB và các ngân hàng khác nếu có hiện tượng rút tiền hàng loạt”.

Với một góc nhìn khác rất Á Đông, tờ Financial Times cho rằng đây đúng là năm “hạn” của ông Kiên. Với tiêu đề “Ông trùm mê bóng đá đã bị tuýt còi”, tác giả Ben Bland viết: “Năm nay là năm rồng, theo quan niệm của người Việt Nam và Trung Quốc, lẽ ra đây phải là năm thành công của Nguyễn Đức Kiên, một trong những “ông trùm” nổi tiếng và nóng tính nhất Việt Nam. Thế nhưng dù khởi đầu một cách tốt đẹp… tình hình có vẻ đã rẽ sang một hướng xấu vào đêm thứ Hai vừa qua. Ông Kiên, người sinh năm 1964, cũng là năm rồng, đã bị bắt tại biệt thư hạng sang của mình tại khu Hồ Tây, Hà Nội”, bài báo viết.

Sau khi đề cập nguyên nhân vụ bắt giữ là do hoạt động kinh doanh phi pháp của 3 công ty con do ông Kiên đứng đầu, Financial Times lại tỏ vẻ hoài nghi về án phạt mà vị Phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB phải đối mặt: “Mặc dù tội danh nghe có vẻ nặng nhưng nếu bị xác định có tội ông Kiên chỉ đối mặt với án tù tối đa 2 năm”, tác giả nhận định.

“…Những ai từng làm ăn với ông Kiên cho rằng ông có thể là người “tàn nhẫn” và “nóng nảy” nhưng là một người làm ăn nghiêm túc chứ không chỉ là một kẻ bán hàng dạo có ảnh hưởng. Ông này được nhiều người cho rằng đứng đằng sau nỗ lực thâu tóm Sacombank, một ngân hàng đối thủ hồi đầu năm nay”.

Tạp chí phố Wall và Bloomberg, những trang tin tài chính hàng đầu thế giới thì tỏ ra chú ý hơn tới phản ứng của thị trường chứng khoán 2 ngày qua sau khi có thông tin “bầu Kiên” bị bắt.

“Việc một nhân vật nhiều ảnh hưởng trong giới ngân hàng bị bắt tại Việt Nam đã gây ra sự sụt giảm mạnh nhất trên thị trường chứng khoán trong 4 năm qua giữa lúc các nhà đầu tư lo ngại rằng đó là dấu hiệu cho sự dễ tổn thương của hệ thống tài chính nước này”, Bloomberg phân tích.

Người dân kéo nhau rút tiền

Mặc dù việc bầu Kiên bị bắt đã được giải thích rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông rằng đây chỉ là việc cá nhân, không liên quan gì tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Á Châu, nơi bầu Kiên từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, song từ đầu giờ chiều 21/8, Hội sở ACB tại TP HCM đã đông nghịt người đến rút tiền.


Người dân kéo đến rút tiền tại hội sở và các phòng giao dịch của ACB.

Các phòng giao dịch của ACB trên cả nước vẫn hoạt động bình thường, không có gì biến động. Tuy nhiên, khách đến rút tiền lại càng ngày càng đông.

Trước khi mở cửa giao dịch buổi chiều, bãi đỗ xe trong khuôn viên Hội sở ACB đã chật kín, không thể tiếp nhận thêm xe của khách. Bên trong phòng giao dịch có khoảng hơn 150 người chờ sẵn, khiến nhân viên ACB phải huy động thêm khoảng vài chục ghế nhỏ làm chỗ ngồi cho khách. Khu vực dành cho khách VIP cũng có rất đông người đến rút tiền. Tình trạng này kéo dài đến hết giờ giao dịch. Khách hàng ngồi bốc số và trật tự chờ đến lượt. Một khách hàng tên Nam cho biết, anh đến từ 13h, nhưng sau gần một tiếng ngồi chờ vẫn chưa tới lượt rút tiền.

Trong khi đó, tại một số chi nhánh ACB ở Hà Nội sáng 22/8, tiền mặt được ngân hàng huy động trả cho khách để chật lối đi, la liệt dưới nền nhà, trong khi xe chở tiền vẫn tiếp tục đi vào... Trao đổi với báo chí, Phó tổng giám đốc ACB ông Nguyễn Thanh Toại cho hay: “Xe chở tiền về chất đống ngoài sân, chúng tôi cần bao nhiêu tiền mặt Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bấy nhiêu”.

Trước đó, chiều 21/8, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã phải hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho ACB sau khi xảy ra hiện tượng người dân đến rút tiền tại hội sở ngân hàng, 442 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM. Trao đổi với báo chí, Phó tổng giám đốc ACB ông Nguyễn Thanh Toại cho hay: “Xe chở tiền về chất đống ngoài sân, chúng tôi cần bao nhiêu tiền mặt Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bấy nhiêu”.

Tình tiết bí ẩn

Một trong những câu hỏi được dư luận đặt ra ngay sau khi ông Kiên bị khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép là kinh doanh mặt hàng gì? Tuy nhiên để phục vụ công tác điều tra, cho đến cuối ngày hôm qua Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vẫn chưa công bố chi tiết những hành vi sai phạm cụ thể của bị can này.

Trong khi đó, cả ba doanh nghiệp do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT xảy ra kinh doanh trái phép bị khởi tố trong vụ án này đều có trụ sở tại Hà Nội, với cơ sở vật chất bề thế. Trong đó, Công ty CP đầu tư thương mại B&B có địa chỉ tại phố Lương Sử C, P.Văn Chương, Q.Đống Đa, được cấp phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực: xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe.

Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu đều có trụ sở tại số 57B Phan Chu Trinh, Q.Hoàn Kiếm, hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: bất động sản, nhà hàng ăn uống, xây dựng và kinh doanh sân golf; xây dựng giao thông, cầu đường, dân dụng và công nghiệp.

Tại địa chỉ này cũng là nơi hoạt động của Công ty chứng khoán ACB và chi nhánh Ngân hàng ACB.

Cho đến chiều 21/8, cả ba doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường không có biểu hiện đình trệ khi Chủ tịch HĐQT bị bắt.

Theo Đất Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.