Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ và lạm phát hầu như không tăng trong tháng 7 được coi là một cảnh báo cho nền kinh tế Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cân nhắc việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sức mua của hộ gia đình, vốn chiếm khoảng 70% nền kinh tế, chỉ tăng 0,1% sau khi tăng 0,6% trong tháng trước đó; thu nhập tăng 0,1%, giảm từ mức 0,3% của tháng liền trước.

Các báo cáo cũng bổ sung một loạt dữ liệu cho thấy, nền kinh tế đã giảm đi một số động lực tăng trưởng vào đầu quý III.

“Sẽ không có một sự tăng tốc của tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay, mà chỉ ở mức độ tương tự hoặc cao hơn một chút so với quý thứ nhất”, Michelle Girard, kinh tế trưởng của RBS ở Stamford, Connecticut nhận định.

Báo cáo của Thomson Reuters và Đại học Michigan về niềm tin người tiêu dùng cũng đã giảm xuống 8,2% trong tháng 8 từ mức 8,5% của tháng 7 do những lo lắng về lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Lãi suất dài hạn đã tăng hơn một điểm phần trăm trong ba tháng qua do thị trường cho rằng, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình hỗ trợ nền kinh tế trong tháng 9.

Mặc dù niềm tin tiêu dùng vẫn còn được duy trì ở mức tương đối cao, các trở lực trong tháng trước được coi là một dấu hiệu cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ không tăng nhiều trong những tháng tới.

Nhu cầu tiêu dùng yếu kém cũng làm giảm động lực tăng lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 7. Không tính thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng nhẹ 0,1% sau khi tăng 0,2% trong tháng 6. Lạm phát lõi đã tăng 1,2% kể từ năm ngoái. Cả hai thước đo lạm phát đều có xu hướng thấp hơn mục tiêu của Fed. Cùng với chi tiêu tiêu dùng yếu kém, thực tế này sẽ gây ra tranh cãi về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD mỗi tháng của Fed. Tăng trưởng chậm hơn và lạm phát thấp hơn đồng nghĩa với việc Fed có thể tiếp tục bơm tiền vào các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng, Fed sẽ thông báo thực hiện việc cắt giảm tại cuộc họp chính sách ngày 17 và 18/9, bắt đầu với một sự cắt giảm nhỏ.

“Những điều này không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi về việc giảm dần chương trình nới lỏng định lượng”, Eric Green, Kinh tế trưởng tại TD Securities ở New York cho biết.

“Nỗi sợ hãi về các rủi ro tài chính liên quan đến chương trình nới lỏng định lượng (khả năng cắt giảm) đang khiến lợi nhuận giảm dần, tăng trưởng và lạm phát không gia tăng mạnh mẽ (do lãi suất tăng) và điều đó sẽ được cân nhắc trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách”, ông Green nói thêm.

Các cổ phiếu trên Wall Street đã giảm giá, trong khi giá trái phiếu kho bạc Mỹ lại tăng. Đồng đô la giảm giá so với đồng yên của Nhật , nhưng tăng so với đồng euro.

Hãng dự báo kinh tế Macroeconomic Advisers đã giảm dự đoán về tăng trưởng GDP quý III của Mỹ khoảng 2/10 điểm phần trăm xuống mức 1,6% dựa trên số liệu chi tiêu yếu kém. RBS cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống còn 1,5% từ 2,0% trước đó. Barclays cũng nhìn nhận tăng trưởng sẽ chỉ ở mức 1,6% thay vì 1,9% trước đó.

Thị trường lao động đang tiếp tục được cải thiện, nhưng mức tăng vẫn còn chậm và không đồng đều. Người sử dụng lao động đã bổ sung thêm 162.000 việc làm vào biên chế trong tháng 7, mức ít nhất trong 4 tháng, theo báo cáo của Bộ Lao động vào đầu tháng này.

Số liệu về tiêu dùng và lạm phát của Mỹ được công bố giữa lúc Mỹ đang cân nhắc khả năng tấn công cảnh cáo Syria. Chưa rõ Mỹ có thực sự tấn công Syria hay không, nhưng những tuyên bố của Tổng thống Obama trong tuần qua đã khiến giá dầu tăng. Giá dầu sau đó đã điều chỉnh trở lại khi Quốc hội Anh (đồng minh lớn của Mỹ) không đồng ý cho quân đội nước này tham gia tấn công Syria, dù vậy điểm nóng này nói riêng và Trung Đông nói chung vẫn chưa nguội và có thể leo thang bất cứ lúc nào.

Cùng với việc sẽ phải đối mặt với vấn đề trần nợ công trong tháng 10, những diễn biến nói trên đang chống lại khả năng Fed sẽ cắt giảm gói nới lỏng định lượng.

Hợp Trang (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.