Rất khó mô tả cho những người không trải qua cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 cảm giác khi đó như thế nào. Perry Rahbar thì vẫn còn nhớ rất rõ. Năm ấy, anh 26 tuổi và là giám đốc mảng cho vay thế chấp tại Bear Stearns - một huyền thoại của Wall Street - nơi anh đã đi lên từ khi còn là thực tập sinh. Rahbar làm việc với những con số khổng lồ, và có tương lai rất xán lạn.
Sau đó, chỉ trong vòng một tuần, chính xác là tầm này 10 năm trước, Bear Stearns bị đẩy đến bờ vực phá sản vì khoản thua lỗ khổng lồ. Những khoản đầu tư vào lĩnh vực cho vay mua nhà đã “một đi không trở lại”. Sau đó, họ bị JPMorgan Chase mua với mức giá rẻ như cho, chỉ 2 USD một cổ phiếu.
Đây chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng đã khiến hàng loạt tổ chức tài chính hàng đầu tại Mỹ sụp đổ. Gây chú ý nhất là vụ phá sản của Lehman Brothers tháng 9/2008.
“Nó giống như một cú đấm vào giữa mặt vậy. Sau đó, anh bị hạ knock out, rồi tỉnh dậy và tự hỏi ‘Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế này’”, Rahbar cho biết. Anh giờ điều hành dv01 - công ty mình sáng lập nhằm liên kết người cho vay và thị trường vốn.
Tờ 2 USD dán trên cửa xoay của Bear Stearns ngày 17/3/2008. Ảnh: Reuters
Chỉ trong một thời gian ngắn, dường như cả hệ thống tài chính - người cho vay, ngân hàng, công ty môi giới, ATM - đều tan tành. Các nghiên cứu khi đó chỉ ra thủ phạm chính là các công cụ chứng khoán phái sinh có cấu trúc phức tạp, thường gồm các khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn. Chúng đã mất giá không phanh khi thị trường bất động sản sụp đổ.
Khi người ta không còn đủ khả năng trả nợ mua nhà, những chứng khoán này cũng chẳng khác nào giấy lộn. Nó đã khiến giá trị trong bảng cân đối kế toán của hàng loạt đại gia phố Wall đột ngột bốc hơi.
Trên Reuters, những người từng làm trong ngành tài chính và trải qua nhiều cuộc khủng hoảng đã rút ra 3 bài học từ sự kiện này.
1. Bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra
Thị trường chứng khoán thường khiến người ta mất cảm giác về sự an toàn. Ví dụ, chứng khoán Mỹ đã tăng 9 năm liên tiếp. Vì thế, phần lớn nhà đầu tư rất dễ dàng kỳ vọng việc này sẽ tiếp tục. Đây được gọi là recency bias - tâm lý thiên lệch dựa trên các sự kiện gần đây.
Dĩ nhiên, việc này chẳng đúng chút nào. Các sự kiện bất chợt, gây ra hậu quả lớn - được gọi là thiên nga đen - đã xảy ra một lần, và sẽ còn lặp lại.
“Khi nào gặp phải một sự kiện chưa từng có trong đời, bạn sẽ hiểu rằng bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra”, Rahbar nói, “Tôi từng làm việc tại một công ty hàng đầu nước Mỹ, nhưng hôm sau, chúng tôi bị kéo xuống hố như một startup vậy”.
2. Phải biết quản lý rủi ro
Trong cuộc khủng hoảng, Saeed Amen làm việc tại bộ phận ngoại hối London của Lehman Brothers. Vị trí của anh chịu ảnh hưởng nặng nhất, như hàng ghế đầu trên Titanic khi nó đâm vào tảng băng vậy. Quá nhiều rủi ro đã đổ vào loại sản phẩm mà phần lớn mọi người, kể các các chuyên gia, cũng chưa hoàn toàn nắm rõ.
Amen sau đó đã viết một cuốn sách về giao dịch, để kể về các biến động của thị trường trong lịch sử nhân loại. Kết luận của anh là việc kinh tế bùng nổ rồi vỡ tung đã xảy ra từ thời xa xưa, và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy quá nhiều, bị nó đánh gục, nhưng rồi quên mất và sau đó, chu kỳ này lại lặp lại với loại tài sản khác.
Điều chúng ta có thể làm là ý thức được tầm quan trọng của việc tính toán rủi ro với danh mục đầu tư, và kiểm soát mọi việc để ngăn chúng trượt khỏi tầm tay.
3. Làm những việc mình biết rõ
Rich Marin là nhân vật nổi tiếng tại Bear Stearns. Ông có biệt danh “Big Rich”, và là giám đốc quản lý tài sản tại đây. Sau 10 năm, lời khuyên của ông với tất cả mọi người là: Đừng đầu tư vào những gì mình không biết. Và đừng bao giờ nghĩ rằng mình đủ giỏi để hơn tất cả mọi người.
Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều này có nghĩa tránh xa các loại chứng khoán quá phức tạp và hầu như không ai biết cách định giá, chứ đừng nói muốn mua. Việc này có thể đẩy bạn vào bẫy và khiến thanh khoản bốc hơi.
Còn với những người nghiệp dư, hãy theo lời khuyên của Jack Bogle - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập quỹ đầu tư theo chỉ số Vanguard, là đổ tiền vào các quỹ đầu tư bị động, giá rẻ. “Người tí hon gần như không có cơ hội đánh bại thị trường, nên đừng bao giờ thử”, Marin cho biết, “Cứ làm như Warren Buffett nói: Đầu tư vào những gì anh am hiểu và gắn bó trong dài hạn”.
-
Covid-19 khoét sâu vết thương 12 năm chưa lành của eurozone
22/03/2020 1:22 PMSau suy thoái 2008 và khủng hoảng nợ công, Covid-19 lại giáng đòn mới lên ngành tài chính mong manh của châu Âu.
-
4 bước để tránh khủng hoảng tài chính khi về hưu
30/07/2019 1:05 PMNhững bước chuẩn bị tài chính từ sớm sẽ giúp bạn có một tuổi già an nhàn.
-
Mỹ khởi kiện UBS vì gian lận trước khủng hoảng tài chính toàn cầu
10/11/2018 8:29 AMBộ Tư pháp Mỹ ngày 8/11 đã khởi kiện “ông lớn” ngân hàng của Thụy Sĩ UBS với cáo cuộc ngân hàng này gian lận trong việc bán chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
-
Thế giới chưa rút ra bài học về khủng hoảng tài chính
15/09/2018 11:37 AMKhi các nhà sử học nhìn lại đầu thế kỷ XXI, họ sẽ xác định hai cú sốc địa chấn. Đầu tiên là cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày 15/9/2008, cụ thể là sự sụp đổ của Tập đoàn Đầu tư tài chính Lehman Brothers.
-
Soros cảnh báo toàn cầu có thể khủng hoảng tài chính
30/05/2018 4:14 PMGiá đôla Mỹ tăng vọt và dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, tỷ phú George Soros cho biết.
-
Thế giới học được gì 10 năm sau khủng hoảng tài chính
20/03/2018 10:21 PMTháng 3/2008, Bear Stearns bị đẩy đến bờ vực phá sản, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng khiến hàng loạt đại gia tài chính Mỹ phá sản.