Mỗi một người sinh ra đều có một lối sống riêng và không ai nghĩ rằng, một ngày sẽ trở thành “tội nhân thiên cổ”. Trót gây nên tội, họ cũng đau đớn, dằn vặt khi nhìn thấy người thân khổ sở, tuyệt vọng vì mình.

Mới đây, khi được nói lời cuối cùng trước khi bị tuyên án chung thân, Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978) đã gửi lời tạ lỗi đến gia đình, đến đồng nghiệp - những người đã vì mình mà vướng vào vòng lao lý.

Nhưng hơn hết thảy, hình ảnh đứa bé vô tội được Huyền Như sinh ra trong trại giam đã khiến nhiều người chua xót.

Chẳng biết vô tình hay cố ý, khi vụ án chuẩn bị đi vào giai đoạn quyết định thì Huyền Như có thai rồi bị bắt.

Và chính đứa bé này đã “cứu” mẹ của nó khỏi án tử.

Đáng tiếc thay, chỉ đến khi đứng trước vành móng ngựa, bản năng làm mẹ mới cho Huyền Như thấy cô đã sai lầm khi đi nước cờ này.

Đứa bé không hề có tội nhưng giờ bị giam cầm cùng mẹ.

Không cha, không giấy khai sinh, không được hưởng những thứ giản đơn nhất mà lẽ ra một đứa trẻ cần phải có.

Huyền Như dằn vặt về những tội lỗi của mình

Huyền Như đã khóc rất nhiều trong lời nói sau cùng.

Có lẽ đó là thời điểm mà nỗi ân hận dằn vặt, dày vò trong con người Huyền Như dâng lên ở mức cao trào.

Khi phạm tội ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mà không lường trước hậu quả. Đến khi có thể nói lời sám hối thì đã quá muộn màng.

Một số vụ án mà phóng viên có dịp chứng kiến cũng có diễn biến tương tự.

Nguyễn Thanh Hồng (sinh năm 1980, ngụ Tiền Giang) đã trở thành kẻ giết người chỉ vì tiếc số tiền vừa trao cho cô gái bán dâm.

Điều xót xa hơn là hoàn cảnh Hồng rất khó khăn, con bị cáo bị bại não, vợ ở nhà để chăm sóc con.\

Bị cáo Hồng

Trong lời nói sau cùng tại phiên tòa phúc thẩm, Hồng lắp bắp: “Bị cáo vô cùng hối hận khi đã trót gây ra đau thương mất mát cho gia đình bị hại. Xin gia đình nạn nhân, cha mẹ và vợ hãy tha thứ cho những lỗi lầm của bị cáo. Mong Hội đồng xét xử xem xét để bị cáo có cơ hội trở về cùng vợ chăm sóc con trai đau ốm. Vắng bị cáo, không biết vợ con ở nhà sẽ sống ra sao?”.

Cả khán phòng lặng người trong tiếng thổn thức của kẻ giết người.

Hay như một trường hợp phạm tội khác.

Một buổi tối giữa năm 2012, trên đường chở vợ và con trai đi mua điện thoại về, Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1990, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị một nhóm thanh niên chặn đánh vì dám cho xe vượt mặt.

Giữa lúc hỗn chiến, thấy vợ mang thai đang bị những người đàn ông cao to đánh, Tuấn đã cầm dao đâm loạn xạ để ứng cứu.

Hậu quả một người chết, một người bị thương, Tuấn phải nhận 14 năm tù giam.

Được nói lời sau cùng, người đàn ông đã khóc nức nở: “Sau đêm đó, vợ bị cáo đã hư thai, đứa con trai 2 tuổi cũng bị té giếng mà chết. Vì không chịu nổi cú sốc, vợ bị cáo đã hóa điên, bỏ đi đâu không rõ. Gia đình bị cáo tan nát hết rồi. Bị cáo biết mình có tội nên dù phải ngồi tù bao nhiêu năm để trả giá cho hành vi của mình bị cáo cũng chịu. Nhưng bị cáo vẫn còn mẹ già không ai nuôi dưỡng. Xin tòa xem xét cho bị cáo”.

Không chỉ Tuấn mà mẹ già của bị cáo này nước mắt cũng không ngừng rơi.

Một bản án khác cũng không kém phần nghiệt ngã.

Vợ chồng Nguyễn Đức Lợi (sinh năm 1984) và Dương Thị Sang (sinh năm 1985 cùng ngụ huyện Củ Chi) cùng bị nhiễm HIV.

Vì sức khỏe yếu nên không thể đi làm, cuộc sống của vợ chồng con cái Sang - Lợi càng khó khăn.

Con của Sang và Lợi

Để có tiền thỏa cơn nghiện, Lợi mua ma túy về bán lại.

Dù không đồng ý nhưng chẳng thể cản được chồng nên Sang đã vô tình tiếp tay cho Lợi. Cả hai bị bắt, hai đứa con chưa kịp lớn khôn bỗng trở thành gánh nặng cho bà nội đã hết tuổi lao động.

Nói như năn nỉ với Hội đồng xét xử, Lợi đã khóc: “Bị cáo biết mình có tội. Vợ của bị cáo cũng chỉ là nạn nhân của chồng. Vợ chồng bị cáo cùng bị nhiễm bệnh, không biết có thể sống được bao lâu. Nhưng ngoài đời, mẹ của bị cáo đã quá già để có thể nuôi các con của bị cáo. Xin toà xem xét”.

Đứng cạnh chồng, Sang không nói được câu nào, nước mắt lăn dài trên má…

Theo Một thế giới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.