CafeLand - Theo khoa học thần kinh, tạm dừng lịch trình bận rộn và dành một chút thời gian để hoàn toàn không làm gì lại là chìa khóa để thúc đẩy sự sáng tạo.

Một yếu tố cần thiết để đạt được thành công là thực hiện một thói quen hàng ngày, như khoa học và lịch sử đã chỉ rõ. Tuy vậy theo tạp chí Inc, dù thói quen này có thể lành mạnh và hiệu quả, nó vẫn có thể khiến bạn trở nên quá bận rộn và giết chết sự sáng tạo. Tạp chí này cũng chỉ ra rằng nhiều người thành công đã cống hiến một phần lớn cuộc đời của họ vào việc không làm gì cả.

Steven Kotler, tác giả của cuốn sách “The Art of the Impossible” (tạm dịch: Nghệ thuật của điều không thể) và là một diễn giả của chương trình TED, đã chỉ ra rằng “không làm gì cả” mang lại khoảnh khắc yên tĩnh mà trong đó một người có thể tách biệt bản thân khỏi sự huyên náo và những yêu cầu của thế giới bên ngoài.

Không có gì lạ khi Internet tràn ngập các bài báo liên quan đến thói quen buổi sáng của các nhân vật quan trọng và nổi tiếng, đưa ra gợi ý về cách bổ sung các hoạt động tích cực vào cuộc sống hàng ngày như thực tập lòng biết ơn, đi dạo trong thiên nhiên và kết nối với bản thân. Tuy vậy, nhiều người không biết rằng “không làm gì cả” cũng là một hoạt động vô cùng cần thiết để tạo ra thời gian cho chính bản thân chúng ta và sản sinh ra năng lượng sáng tạo.

Bạn không có đủ thời gian để “không làm gì cả”

Kotler nói: “Không làm gì cả” là thuật ngữ chỉ khoảng thời gian thoải mái và yên tĩnh, có thể từ 4 giờ sáng (khi phần lớn mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ) đến 7 giờ 30 sáng (khi họ thức dậy). Đây là một khoảng thời gian hoàn toàn không thuộc về ai khác ngoài bản thân chúng ta, khi những mối quan tâm cấp bách trong ngày vẫn chưa đến”.

Kotler nói rằng khoa học thần kinh cho thấy rằng những thời gian mà chúng ta ngắt kết nối với xung quanh có ảnh hưởng lớn đến khả năng sáng tạo.

“Áp lực buộc não phải tập trung vào các chi tiết, kích hoạt bán cầu não trái và chặn toàn bộ bối cảnh chung. Tệ hơn nữa, khi gặp áp lực, chúng ta thường bị căng thẳng. Chúng ta không thích sự vội vàng, điều này khiến tâm trạng của chúng ta xáo trộn và hạn chế sự tập trung hơn nữa. Do đó, bị giới hạn về thời gian có thể làm mất đi khả năng sáng tạo”, ông giải thích.

Nói cách khác, “không làm gì cả” giúp chúng ta đủ thư giãn để nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh lớn hơn và cho phép những ý tưởng sáng tạo xuất hiện. Sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống hàng ngày, thậm chí cả lớp yoga buổi sáng, có thể xua đuổi những ý tưởng non nớt mới hình thành trong suy nghĩ.

Steve Jobs và Albert Einstein đồng ý về thời gian “không làm gì cả”

Nhiều nhân vật thành công cũng đã hiểu được sự thật tương tự về việc “không làm gì cả”. Albert Einstein nói rằng nhiều ý tưởng có giá trị nhất đến với ông trong khi ông không làm gì cả và đang tận hưởng thời gian ở một mình. Steve Jobs cũng là một “người làm biếng” nổi tiếng.

Giáo sư Adam Grant của trường Wharton thuộc đại học Pennsylvania từng nói với Business Insider rằng: “Khoảng thời gian Steve Jobs trì hoãn và cân nhắc các khả năng là thời gian để cho nhiều ý tưởng khác nhau xuất hiện”, khi đề cập đến thời gian dài Jobs dành để không làm gì.

Điều đáng nói là cả hai thiên tài - Einstein và Jobs - đều thực hiện rất tốt việc đưa ý tưởng của họ vào thực tế.

Có thể thấy, “không làm gì cả” là một thành phần thiết yếu để tạo nên toàn bộ bức tranh sáng tạo. Khi bạn lên kế hoạch cho một thói quen buổi sáng hoàn hảo, bạn có thể không dành đủ sự chú ý xứng đáng cho thời gian “không làm gì cả” để nạp năng lượng cho trí não và tạo ra những thay đổi trong cách nghĩ và sự sáng tạo, từ đó đạt được một phiên bản thành công hơn của chính mình.

Xem thêm bài viết về: Ông Steve Jobs
Lam Vy (Entrepreneur)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.