CafeLand - Không ai biết về cách kiên cường vượt qua thất bại và tích cực đi lên từ thất bại để thành công như Steve Jobs.

Năm 1985, Jobs bị sa thải một cách tàn nhẫn khỏi công ty do ông thành lập. Jobs đã bán tất cả cổ phiếu của mình - 11% cổ phần của Apple - chỉ giữ một cổ phiếu duy nhất. Đây không phải là hành động của một người sẽ muốn quay lại công ty vào một ngày nào đó. Dường như ông đã quyết định sẽ từ bỏ Apple mãi mãi.

Khó ai có thể tưởng tượng được người đàn ông luôn coi mình là thiên tài, người đã tạo ra Macintosh - sản phẩm tiến bộ bậc nhất thời điểm đó của Thung lũng Silicon - lại bị đuổi khỏi Apple. Jobs còn bị tổn thương hơn thế khi cổ phiếu Apple đã tăng gần 7% sau thông báo ông rời công ty.

Nhưng không vì thế mà ông tuyệt vọng hay đánh mất niềm tin vào năng lực của bản thân và những tiêu chuẩn về một sản phẩm máy tính đỉnh cao. Jobs đã đắm mình vào một loại máy trạm cao cấp mang tên NeXT, được bán cho các trường cao đẳng và đại học. NeXT là một sản phẩm hết sức tốn kém chứa đựng toàn bộ những thói quen và đam mê có phần cực đoan của Jobs. Sản phẩm được tung ra thị trường vào giữa năm 1989, muộn khoảng hai năm so với dự kiến với giá lên tới 6.500 USD.

NeXT có một số tính năng tuyệt vời, chẳng hạn như từ điển Oxford và các tác phẩm hoàn chỉnh của Shakespeare; đĩa đọc/ghi quang học có dung lượng, nhưng không có đĩa mềm dự phòng và lại chạy chậm. Dù có nhiều lợi thế về mặt kỹ thuật, sản phẩm này lại thất bại ngay từ khi ra mắt với chỉ 400 chiếc được tiêu thụ mỗi tháng so với doanh số kỳ vọng là 10.000.

Nhưng, NeXT lại thành công ở chỗ nó đã giữ cho Jobs rời sự chú ý khỏi việc bị Apple sa thải, giữ ông trong cuộc chơi kỹ thuật số, và duy trì lòng tự tôn của ông. Sản phẩm này cũng mang lại cho Jobs những bài học quý giá về việc không nên tạo ra một sản phẩm bất khả thi về mặt thương mại, thử nghiệm hiệu quả của các tính năng trong một sản phẩm máy tính mà ông luôn mong ước, và trên hết, nó đã mở đường cho việc quay trở lại Apple của Jobs.

Năm 1996, Jobs thuyết phục Apple mua lại công ty ốm yếu NeXT của mình như cái giá cho sự quay trở lại Apple. Vào năm 1997, khi Apple đứng trước vực thẳm phá sản, hội đồng quản trị đã phải cầu xin Jobs nắm quyền. Và Jobs trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết để sẵn sàng làm nên Apple vĩ đại như chúng ta thấy ngày nay.

Thành công của Jobs là bài học cho những người luôn biết chấp nhận những rủi ro lớn, không mất tinh thần dù gặp thất bại, và luôn chuyển động không ngừng để tìm kiếm các giá trị mà mình theo đuổi và khắc phục hậu quả do những thất bại gây nên.

Dễ thấy là Steve Jobs có những bước lùi rất xa trong sự nghiệp, nhưng ông luôn biết tận dụng những bài học từ đó để trở nên mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn trước thất bại có thể trong tương lai. Những khó khăn cũng làm cho chiến thắng cuối cùng của Jobs trở nên ngọt ngào hơn.

Cuối cùng, rõ ràng là Jobs vô cùng khắt khe, thậm chí cực đoan về mặt sản phẩm và chất lượng; nhưng ở một khía cạnh khác, điều này khiến ông trở thành người tiên phong trên thị trường và dẫn dắt mọi nhu cầu của người dùng. Đối với Jobs, phát triển trên những thất bại là triết lý sống và sự tự phụ cần thiết cho một thành công không tưởng và vô cùng xứng đáng.

Lam Vy (Entrepreneur)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.