Việc chờ đến 8 năm để đưa Facebook lên sàn hóa ra lại là một vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát của Zuckerberg.
Anh không muốn lo phải đối phó với những áp lực của việc trở thành một công ty đại chúng mà chỉ muốn yên ổn phát triển mạng xã hội lớn nhất thế giới. Vì thế, anh đã đưa ra một quyết định quan trọng: trì hoãn việc Facebook lên sàn lâu chừng nào hay chừng nấy. Thế nhưng, điều này hóa ra lại là một sai lầm lớn.
Để phát triển, Zuckerberg không thể không cần tiền. Anh cần tiền để tài trợ cho các kế hoạch chiến lược và để cạnh tranh với các đối thủ như Google. Anh cũng cần tiền để thu hút và giữ chân người tài. Phát hành quyền chọn, hoặc cổ phiếu hạn chế thì không đủ. Để giải quyết vấn đề này, Zuckerberg đã quay sang các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà quản lý quỹ đầu cơ. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này cũng muốn nhanh chóng bán khoản đầu tư của mình để thu lợi, nghĩa là Zuckerberg sớm muộn gì cũng phải cho Facebook lên sàn để mở rộng cửa cho họ rút vốn. Hơn nữa, các quy định quản lý chứng khoán cũng hạn chế số lượng cổ đông tại một công ty tư nhân như Facebook.
Vì thế, sau một thời gian dài trì hoãn, đến ngày 18.5.2012, Zuckerberg không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Tuy nhiên, việc chờ đến 8 năm để tiến hành IPO hóa ra lại là một vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát của anh.
Các nhà điều hành tại Ngân hàng Morgan Stanley đã áp dụng tất cả các chiêu thổi phồng mà họ học được trong bao nhiêu năm qua và định giá IPO của Facebook lên tới 38 USD/cổ phiếu - cái giá cao ngất ngưỡng. Đã thế, David Ebersman, Giám đốc Tài chính của Facebook lại còn tăng quy mô của đợt phát hành vào phút cuối, càng làm tăng sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này - nóng nhất vào lúc ấy.
Với đợt IPO lớn nhất trong lịch sử thung lũng Silicon (được định giá hơn 100 tỉ USD), Zuckerberg đã đứng trước sức ép phải làm sao cho Facebook tạo ra một kết quả xứng đáng với mong đợi của nhà đầu tư. Thế nhưng, Facebook đã lỗ ròng 157 triệu USD trong quý II/2012 so với mức lãi 240 triệu USD của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Zuckerberg vẫn nhún vai, không mấy quan tâm. Anh cho biết mình tin vào triển vọng dài hạn của mạng xã hội do anh sáng lập. Anh cũng từng nhiều lần nói rằng mình rất hứng thú với việc phát triển sản phẩm hơn là tạo ra tiền.
Thế nhưng, với việc cổ phiếu rơi tự do, hiện chỉ còn phân nửa so với giá chào sàn, Zuckerberg bắt đầu cảm thấy lo lắng. Trong một cuộc họp Công ty vào đầu tháng 8, anh đã nói “thật đau đớn khi nhìn giá cổ phiếu lao dốc”. Và cũng lần đầu tiên, anh đã nhìn nhận trước nhân viên rằng việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu có thể sẽ làm tổn hại đến Công ty.
Trong cuộc họp này, anh cũng thúc giục nhân viên đừng quá quan tâm đến giá cổ phiếu mà hãy tập trung vào triển vọng dài hạn của Công ty. Thế nhưng, thật khó mà chịu được việc nhìn giá cổ phiếu họ nắm giữ chỉ còn 50% so với giá chào sàn. Và cho dù Zuckerberg có thuyết phục được nhân viên thì anh cũng không ngăn cản được các nhà đầu tư muốn tháo chạy.
Và nỗi lo sợ đó đã thành hiện thực. Ngày 16.8 có thể nói là một ngày đau khổ đối với Zuckerberg, khi một số nhà đầu tư ban đầu rót vốn vào Facebook đã có thể bán ra cổ phiếu lần đầu tiên kể từ khi Công ty lên sàn vào tháng 5 vừa qua. Những nhà đầu tư được phép bán trong đợt này gồm hãng đầu tư mạo hiểm Accel Partners và Greylock Partners, Ngân hàng Goldman Sach, Microsoft… Cổ phiếu Facebook đã lập mức thấp kỷ lục mới vào ngày hôm đó, giảm tới 6,3% còn 19,87 USD/cổ phiếu, khi hơn 271 triệu cổ phiếu, tức xấp xỉ 13% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành, đã “đủ tư cách” để bán ra. Trên thực tế, đã có hơn 156,5 triệu cổ phiếu được trao tay, gấp hơn 5 lần so với giao dịch ngày thường.
Các nhân viên có cổ phiếu Facebook thì chưa thể bán ra vì chưa hết hạn “treo” cổ phiếu theo quy định. Nhưng vào tháng 10, 11 và 12 năm nay, Zuckerberg và các nhân viên khác sẽ được phép bán hơn 1,4 tỉ cổ phiếu (thời hạn “treo” sẽ kết thúc vào ngày 17.5.2013).
Tuy nhiên, đối với nhân viên, bán ra cổ phiếu vào cuối năm nay là viễn cảnh chẳng mấy hay ho. Bởi lẽ, giá cổ phiếu đến nay đã giảm hơn phân nửa, đưa giá thị trường của Facebook chỉ còn khoảng 42,6 tỉ USD (tính theo giá cổ phiếu 19.87 USD vào ngày 16.8). Nếu bao gồm cả cổ phiếu hạn chế và quyền chọn, giá trị của Facebook chỉ còn khoảng 54 tỉ USD.
Nếu tính theo giá ngày 17.8 là 19,05 USD/cổ phiếu, một số quỹ tương hỗ đầu tư vào Facebook trước đợt IPO đã bị thua lỗ. Trong đó có T. Rowe Price, vốn đã mua cổ phiếu Facebook vào đầu năm 2011 với giá gần 25 USD/cổ phiếu.
Tuy nhiên, một số tổ chức đầu tư sớm vào Facebook vẫn thu được lợi. Accel Partners đã đầu tư 12,7 triệu USD vào Facebook năm 2005. Công ty này đã bán ra hơn 57 triệu cổ phiếu Facebook trong đợt IPO và thu được 2,2 tỉ USD. Sau IPO, Accel đã sở hữu hơn 143 triệu cổ phiếu, được định giá khoảng 2,7 tỉ USD (theo giá ngày 17.8).
Bài học đối với Zuckerberg đã quá rõ ràng: đừng bao giờ xem nhẹ những kỳ vọng, sức ép của thị trường.
Trong một cuộc họp mới đây với nhân viên, anh cho biết những khoản đầu tư mà Công ty đã thực hiện trong 6-12 tháng qua sẽ nhanh chóng có kết quả. Thế nhưng, nếu không đúng như thế, giá cổ phiếu của Facebook sẽ còn xuống giá hơn nữa. Và Zuckerberg sẽ không thể yên ổn mà phát triển Công ty.
Bài học từ Yahoo! đã cho thấy rõ điều này. Trước đà tụt dốc của cổ phiếu, một số nhà đầu tư lớn bỏ tiền vào Yahoo!, trong đó có nhà quản lý quỹ đầu cơ Dan Loeb, đã nhảy vào can thiệp hoạt động. Hội đồng quản trị của Yahoo! cũng vì thế mà nhiều lần thay ngôi đổi chủ. Chiến lược của Yahoo! cũng không ít lần thay đổi theo quan điểm của những ông chủ mới. Chắc chắn đó không phải là điều Zuckerberg mong muốn cho đứa con do mình tạo ra.








-
Tài sản Mark Zuckerberg cán mốc 206,4 tỷ USD
04/05/2025 7:37 AMTheo cập nhật mới nhất, khối tài sản của CEO Meta Mark Zuckerberg vừa chính thức cán mốc 206,4 tỷ USD, ghi nhận mức tăng ấn tượng 8,5 tỷ USD trong ngày 2/5.
-
Từng nằm ngoài top 10, Mark Zuckerberg làm gì để trở thành người giàu thứ 2 thế giới
04/03/2025 8:19 AMTừng rớt khỏi top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới vào năm 2022, Mark Zuckerberg đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Elon Musk. Sự phục hồi tài sản của CEO Meta đến từ đà tăng mạnh của cổ phiếu công ty, phản ánh chiến lược dài hạn và tầm nhìn của ông trong việc dẫn dắt Meta tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ.
-
Thế giới nợ Mark Zuckerberg một lời… Xin lỗi!
03/02/2024 4:10 PMNhững ai từng gọi Mark Zuckerberg là “kẻ thua cuộc” hay “đế chế Mark Zuckerberg” đã kết thúc, thì giờ là lúc họ phải gửi lời xin lỗi đến ông chủ của Meta sau khi chứng kiến tài sản của vị tỉ phú này tăng vọt lên 28 tỉ USD chỉ trong một phiên.
-
Tài sản của ông chủ Facebook mất 22 tỉ USD kể từ khi đổi tên công ty
12/06/2023 5:57 PMTheo Business Insider, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã giảm từ 118 tỉ USD xuống còn 96 tỉ USD kể từ khi ông đổi thương hiệu Facebook thành Meta.
-
Facebook không giữ lời hứa
28/02/2023 1:37 PMFacebook từng hứa rằng đây sẽ là nền tảng miễn phí mãi mãi cho người dùng. Tuy nhiên, việc họ bán tick xanh cho thấy điều này không còn đúng.
-
Mất gần 30 tỷ USD trong 1 ngày, ông chủ Facebook rời top 10 người giàu nhất
05/02/2022 3:25 PMNgười đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vừa chứng kiến khối tài sản ròng "bốc hơi" gần 30 tỷ USD khi cổ phiếu Meta giảm kỷ lục sau báo cáo kinh doanh đáng thất vọng.