Cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn kho, Maseco sẽ chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu máy hát karaoke Arirang.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco vừa thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chuyển nhượng các bất động sản không sử dụng hoặc chưa có điều kiện đầu tư, và hàng tồn kho của nhóm hàng điện tử.

Cụ thể, HĐQT đã ủy quyền cho ban lãnh đạo tìm kiếm đối tác, đề xuất phương án để thanh lý, chuyển nhượng với các bất động sản không sử dụng hoặc chưa có điều kiện đầu tư.

Ngoài ra, các tài sản cố định, công cụ, dụng cụ khác có giá trị còn lại dưới 20 triệu đồng cũng được HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác và đề xuất giá.

Cũng trong các nghị quyết công bố lần này, Maseco đã thông qua việc thanh lý toàn bộ hàng điện tử tồn kho của công ty. Tuy nhiên, giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn 25 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Cùng với việc thanh lý toàn bộ hàng, công ty sẽ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi karaoke cho bên mua để tiếp tục sản xuất và duy trì dịch vụ cho khách hàng.

Maseco sẽ từ bỏ thương hiệu máy hát karaoke Arirang nổi tiếng một thời của mình: Ảnh chụp màn hình.

Như vậy, Maseco không chọn cách “khai tử” thương hiệu karaoke Arirang nổi tiếng một thời mà sẽ bán thương hiệu này cho một bên khác.

Phía đối tác nhận mua lại hàng tồn kho và thương hiệu Arirang sẽ phải nhận cả trách nhiệm bảo hành, bảo trì các sản phẩm mà Maseco đã bán cho khách hàng trước đó.

Công ty Dịch vụ Phú Nhuận được biết tới là chủ sở hữu thương hiệu máy hát karaoke Arirang nổi tiếng, từng chiếm thị phần máy hát karaoke số một tại Việt Nam.

Trong bản cáo bạch niêm yết hồi năm 2016, Maseco khẳng định trong hơn 20 năm có mặt trên thị trường nội địa, công ty luôn được biết đến là nhà sản xuất hàng đầu về máy karaoke.

Nhờ vậy, giai đoạn trước 2016, các sản phẩm karaoke đều đặn mang về cho công ty hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, từ năm 2017, mảng kinh doanh này bắt đầu đi xuống khiến hoạt động công ty khó khăn và chính thức lỗ trước thuế hơn 50 tỷ đồng vào năm 2018.

Quý II năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của Maseco chỉ đạt vỏn vẹn 28 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động kinh doanh hàng điện tử sụt giảm cùng với việc chấm dứt kinh doanh nông sản.

Doanh thu giảm mạnh không đủ bù chi phí khiến công ty này lỗ ròng sau thuế 15 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng số lỗ nửa năm lên hơn 35 tỷ. Đồng thời ghi nhận quý lỗ ròng thứ 4 liên tiếp.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên ban lãnh đạo công ty đã thống nhất việc chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng điện tử và rút lui khỏi thị trường. Động thái này như một biện pháp nhằm cắt bớt phần thua lỗ trong hoạt động của công ty khi mà thị phần trong mảng này đã mất rất nhiều.

Maseco cũng dự kiến thanh lý toàn bộ số hàng tồn kho còn lại và chấp nhận lỗ khoảng 50 tỷ đồng từ riêng hoạt động này trong năm nay.

Nhiều nguyên nhân khiến Arirang từ “ông trùm” trong ngành công nghiệp karaoke thua lỗ rồi phải rời bỏ thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là việc đánh mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nội địa và các đại gia ngoại.

Lãnh đạo Maseco từng thừa nhận hàng hóa của công ty đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt, lỗi thời, chậm luân chuyển do không còn phù hợp với nhu cầu thị trường.

Từ năm 2016, công ty cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản về cả giá thành và công nghệ sản xuất.

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng khiến các hãng điện tử trong nước (gồm cả Maseco) phải cạnh tranh nhiều hơn với các sản phẩm nhập khẩu.

Theo kế hoạch, sau khi rút khỏi thị trường karaoke, Maseco sẽ đầu tư xây dựng showroom để kinh doanh ôtô, dự kiến là ngành chủ lực từ năm nay. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chung của công ty sẽ phải đợi đến năm 2020 mới có lợi nhuận.

Quang Thắng (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.