CafeLand - “Thay đổi là điều cần thiết để đi đến thành công nhưng nếu thay đổi để cho có thì không nên”, đó là những chia sẽ của ông Lý Ngọc Minh thuyền trưởng con tàu gốm sứ Minh Long.

Ông Lý Ngọc Minh (phải) trong buổi trò chuyện với các CEO.

Công ty Minh Long có nguồn gốc là một công ty gia đình có truyền thống lâu đời trong ngành sản xuất đồ gốm. Hiện nay, sản phẩm của Minh Long I đã chinh phục được cả những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Thành công này có được phần lớn là nhờ vào sự tìm tòi sáng tạo, năng động và những nỗ lực không biết mệt mỏi của người “chèo lái” con thuyền gốm sứ Minh Long.

Trong hội thảo CEO Forum 2013 bàn về sự “Thay đổi” ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển từ mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang mặt hàng tiêu dùng và việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất và có thể nói đây là bước thay đổi lớn nhất của Minh Long.

Sản phẩm Minh Long là ngành nghề mang tính văn hóa truyền thống đôi khi cũng là rào cản khi hội nhập?

Minh Long có 8 tiêu chí đó là “Bốn không - Bốn có”. “Bốn không” ở đây là: không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. “Bốn có”, đó là: có văn hoá, có nghệ thuật, có phong cách riêng và quan trọng nhất là có hồn.

Tôi muốn sản phẩm của mình phải mang nét hoài cổ, đậm chất Việt Nam nhưng vẫn hiện đại, mang tầm quốc tế. Khách hàng có thể nhìn thấy văn hóa của người Việt Nam từ cảnh sinh hoạt hằng ngày hay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những câu ca dao được khắc họa trong từng sản phẩm. Khi tạo ra sản phẩm mang tính văn hóa Việt Nam nhưng nước ngoài nhìn vào vẫn chấp nhận được và ngược lại sản phẩm mang văn hóa nước ngoài thì người Việt vẫn chấp nhận được thì chúng tôi mới làm.

Ông điều hành doanh nghiệp đến nay cũng 43 năm, với rất nhiều thời kỳ thăng trần của sự thay đổi. Có bao giờ sự thay đổi chậm đi do một người điều hành quá lâu và việc này có làm cản trở doanh nghiệp phát triển không?

Doanh nghiệp gốm sứ là ngành nghề đặc thù, lịch sử phát triển gốm sứ có hơn 1000 năm. Ở phương Tây bắt đầu hiện đại hóa cũng hơn 300 năm, vậy mà hiện tại trên thế giới những doanh nghiệp nổi tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một vài năm gần đây các ông lớn của ngành gốm sứ của Đức, Tiệp lần lượt tuyên bố phá sản trong trận bão kinh tế vừa qua. Còn ở Bình Dương từng có trên 500 cơ sở sản xuất gốm sứ đến nay không đến 70 cơ sở.

Tôi nói điều này để biết rằng làm gốm sứ rất khó, nếu mình sản xuất một sản phẩm gì đó và chỉ quyết định nó trong công nghệ thì muốn bao nhiêu sản phẩm sẽ ra chừng đó. Nhưng trong ngành sản xuất đồ sứ 5 cái đưa vào lò nung có thể cái được cái không, có thể hư hết cả mẻ… Vì sản xuất gốm sứ tổng hợp rất nhiều yếu tố kỹ thuật trong đó như: cơ khí, in ấn, hóa học, nghệ thuật, kỹ thuật…Mặc dù hiện nay Minh Long đã hiện đại hóa 5 trong 1 yếu tố nhưng vấn đề sống – chết vẫn còn nhiều thử thách.

Tôi nói như thế để chứng minh tại sao tôi ở Minh Long đến hơn 40 năm vì đây là ngành khó khăn trong việc lựa cho thế hệ lãnh đạo, vì thế cách đây 20 năm tôi đã đưa người đi học nước ngoài để chuẩn bị cho sự truyền ngôi, có người đã trở về đảm đương công việc quản lý hơn mười năm, trong nay mai sẽ tiếp nhận vai trò CEO

Gốm sứ Minh Long là ngành nghề rất truyền thống sao lại chuyển sang sản xuất theo dây chuyền hiện đại. Liệu sự thay đổi này có liên quan gì đến chiến lược đột phá trong công ty hay không?

Vào năm 1994, trong tiến trình phát triển chúng tôi nhận thấy công nhân sẽ ngày càng khan hiếm và tiền lương đắt đỏ, mình sẽ không còn kiếm được nhiêu tiền và điều này chúng tôi đã thấy được khi đứng ngay thời điểm đỉnh cao. Có thể nói là chúng tôi may mắn và quyết định đúng lúc khi đi một bước thay đổi là đi từ sản xuất thủ công sang sản xuất hiện đại. Chúng tôi đi sang các nước mạnh về công nghệ như Pháp, Ý, Nhật, Đức … để khảo sát về công nghệ sản xuất đồ gốm. Cuối cùng tôi chọn Đức và Nhật là những nước có công nghệ và cách tiếp thị tốt để áp dụng máy móc kỹ thuật cho công ty Minh Long.

Gần đây chúng tôi quay trở lại sản xuất đồ mỹ thuật, những mặt hàng mang trính truyền thống và có giá trị rất cao như bình bông, lọ hoa. Hiện nay, chúng tôi cũng đang làm cho một đối tác người Nhật với yêu cầu rất khó về kỹ thật và tỷ mỉ nhưng chúng tôi vẫn làm được. Nói như vậy để tôi chứng minh một điều là nếu có sự quyết tâm, lòng đam mê thì sản phẩm kỹ thuật rất cao đến mấy thì mình vẫn làm được. Đồng thời, Minh Long vẫn duy trì mảng truyền thống là thủ công mỹ nghệ là làm những con dấu nhỏ để xuất đi thị trường của Pháp.

Trong quá trình thay đổi thì làm thế nào để ước lượng được rủi ro cho doanh nghiệp?

Thứ nhất phải có nhu cầu, thật sự bản thân doanh nghiệp có nhu cầu cần thay đổi thì mới đi đến thành công, nếu thay đổi để cho có thì không nên .

Thứ hai phải có sự đồng thuận, thay đổi sẽ mang lợi ích gì, có thiết thực hay không, có được sự chấp nhận của người tiêu dùng, nội bộ hay không, cái này hết sức khó. Việc thay đổi thói quen hằng ngày và để duy trì sự thay đổi không phải là chuyện đơn giản.

Ví dụ trước kia Minh Long làm theo thủ công quản lý theo kiểu gia đình, còn ngày nay Minh Long hơn quản lý 3.000 người theo mạng hệ thống thông tin, ngay cả việc bán hàng cũng dùng iPad…

Vậy trở ngại lớn nhất khi quyết định thay đổi là gì?

Tôi cũng gặp không ít thất bại trong quá trình thay đổi vì khi truyền lửa cho nhân viên không phải lúc nào lửa cũng cháy, vì thế trong cái thành công nào đó thì sau lưng nó cũng có không ít nước mắt. Nếu quyết tâm làm thì phải đi đến cùng, nếu thay đổi nữa chừng thì còn nguy hiểm hơn. Đồng thời người lãnh đạo công ty cần truyền lửa cho mọi người thấu suốt ý nghĩa của việc thay đổi.

Gia Bảo (Lược ghi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.