Tổng thống Barack Obama và đối thủ của ông ở phe Cộng hòa là Mitt Romney đang tranh luận nảy lửa trên vấn đề an ninh quốc gia, trong cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng giữa 2 người liên quan tới chính sách ngoại giao.

Obama: Chính sách của Romney không nhất quán

Romney nói rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã cho phép sự "hỗn loạn trỗi dậy" và quét qua vùng Trung Đông. Nhưng Obama đã cáo buộc đối thủ của ông đã có các đường lối chính sách không nhất quán trên Iraq và Afghanistan, có thể mang tới "bộ máy lãnh đạo sai trái và thiếu trách nhiệm" ở những nơi này.

Romney nêu ra vấn đề dân thường thiệt mạng ở Syria, việc phong trào Anh em Hồi giáo nắm quyền ở Ai Cập. Sự trỗi dậy của Al Qaeda và các lực lượng có cảm tình với tổ chức khủng bố này ở Bắc Phi, chương trình hạt nhân của Iran và vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Libya vào tháng trước là các ví dụ cho thấy về "sự hỗn loạn" mà chính quyền Obama đã để xảy ra ở vùng Trung Đông.

"Tôi chúc mừng ông ấy vì đã hạ được Osama bin Laden và đã tấn công vào bộ máy lãnh đạo của Al Qaeda" - cựu Thống đốc Massachusetts nói - "Nhưng chúng ta không thể dùng giết chóc để tìm ra giải pháp cho chuyện này... Chúng ta phải có một chiến lược toàn diện".

Nhưng Obama đã phản công lại, nói rằng mình rất mừng vì Romney đã nhận thấy mối nguy do Al Qaeda tạo ra, nhắc nhở đối thủ nhớ rằng chính ông đã nói hồi đầu năm nay rằng Nga mới là kẻ thù địa chính trị lớn nhất của Mỹ.

"Thống đốc, khi nói tới chính sách ngoại giao của chúng ta, ông dường như muốn thực hiện các chính sách trong những năm 1980, cũng giống như việc ông muốn áp dụng các chính sách xã hội của những năm 1950 và các chính sách kinh tế của những năm 1920".

Obama còn cáo buộc Romney đã cổ súy cho việc tiếp tục giữ binh lính ở Iraq, phản đối các hiệp ước hạt nhân với Nga, dù rằng các hiệp ước này được cả hai chính đảng ở Mỹ ủng hộ, và rằng ông đã đổi ý liên quan tới việc liệu Mỹ có nên vạch ra thời hạn cụ thể cho việc rời khỏi Afghanistan không.

"Điều chúng ta cần làm, với sự tôn trọng tới vùng Trung Đông, là một sự lãnh đạo mạnh mẽ, vững vàng, không phải sự lãnh đạo sai trái và bất cẩn đang đầy rẫy ra trên khắp bản đồ" - Obama nói.

Romney đã phản công lại, cáo buộc Obama đang "có tour xin lỗi" tại vùng Trung Đông khi ông nắm quyền và khiến Mỹ trông yếu ớt. Ông cũng khiến Iran có 4 năm tiến nhanh hơn tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Romney: "Iran là mối đe dọa lớn nhất"

Về vấn đề Iran, khi được người điều hành hỏi đâu là mối de dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, ông Obama nói rằng đó là "mạng lưới khủng bố."

Trong khi đó, ông Romney lập tức nói rằng "hạt nhân Iran là đe dọa nguy hiểm nhất."

"Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân" - Obama nói.

"Israel là một người bạn thực thụ. Đó là đồng minh lớn nhất của chúng ta trong khu vực. Và nếu Israel bịt ấn công, Mỹ sẽ chung vai sát cánh với Israel. Tôi đã nói rõ trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình" - ông nói.

Obama đã bác bỏ một bài báo đăng cuối tuần trên tờ The New York Times nói rằng Mỹ và Iran, vốn không có quan hệ ngoại giao, sẽ chuẩn bị đàm phán song phương sau cuộc bầu cử Tổng thống.

"Các bài báo kiểu này không đúng sự thực" - Obama nói.

Nhưng Obama, sau khi cáo buộc Romney quá dông dài về các vấn đề quan trọng, đã nói rằng ông thấy "hài lòng vì Romney đã đồng tình với chính sách áp dụng sức ép ngoại giao và mở ra tiềm năng thảo luận song phương với Iran" để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.

Obama nói rằng Iran đang ngày càng cô lập do cấm vấn quốc tế.

Romney cáo buộc Obama đã không thể ngăn chặn sự tiến triển trong chương trình hạt nhân của Tehran, vốn bị Israel và một số quan chức phương Tây nói rằng sẽ đưa tới kết cục là Iran có bom hạt nhân. "Tôi thấy Iran đã có 4 năm tiến gần hơn tới việc sở hữu một quả bom hạt nhân" - Romney nói, đồng thời còn chỉ trích thành tích của Obama trong các vùng khác của Trung Đông, bao gồm đất nước Syria đang chìm trong vòng bạo lực như hiện nay. "Tôi không thấy ảnh hưởng của chúng ta tăng lên trên thế giới. Tôi thấy ảnh hưởng đang suy giảm dần" - Romney nói.

Romney cũng nói rằng Obama lẽ ra phải lên tiếng ủng hộ người biểu tình chống chế độ ở Iran. "Khi sinh viên đổ xuống các con phố ở Tehran và người ta biểu tình, cuộc Cách mạng Xanh diễn ra, việc Tổng thống của chúng ta giữ im lặng là sai lầm rất lớn. Chúng ta phải đứng lên, bảo vệ các nguyên tắc của mình, đứng lên bảo vệ đồng minh, đứng lên vì một quân đội mạnh và đứng lên vì một nền kinh tế mạnh hơn" - ông nói.

Romney: Dưới thời Obama, Mỹ đã căng thẳng quan hệ với Israel

Về vấn đề Israel, Mitt Romney cáo buộc Tổng thống Barack Obama đã bỏ rơi các đồng minh truyền thống là Israel và Ba Lan, đồng thời hứa rằng ông sẽ bênh vực họ.

"Chúng ta phải đứng bên các đồng minh của mình. Tôi nghĩ rằng căng thẳng tồn tại giữa Israel và Mỹ là điều hết sức không may" - Romney nói - "Tôi nghĩ rằng rút chương trình lá chắn tên lửa khỏi Ba Lan như cách ta đã làm cũng là điều không may mắn, bởi nó phá hỏng mối quan hệ đã tồn tại giữa hai nước"

Poland, vốn đã trở thành thành viên NATO kể từ khi rút khỏi Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu, đã tỏ ra sốt sắng trong việc muốn Mỹ đưa tên lửa đánh chặn tới đây. Nhưng Obama đã hủy bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa này do sức ép từ Nga.

Một cuộc thăm dò của đài NBC trong ngày Chủ Nhật cho thấy 2 người đàn ông này đang cân bằng về tỉ lệ ủng hộ, với mỗi người đang dừng ở mức 47%.

Cuộc tranh luận cuối diễn ra ở Đại học Lynn và được điều hành bởi người dẫn chương trình kỳ cựu Bob Schieffer của đài CBS News.

Giới phân tích nói rằng dù phần lớn cuộc tranh luận diễn ra hôm thứ Hai là về chính sách ngoại giao, các ứng cử viên sẽ dùng mọi cơ hội để đánh bóng cho các chính sách kinh tế và xã hội của họ.

Theo Linh Vũ (Vietnam Plus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.