Mong mỏi lớn nhất của họ hiện nay là công ty sớm hoạt động trở lại và có nguồn trả nợ cho họ. Số tiền Tràng An còn nợ nhà đầu tư được cho là lên tới 30 tỷ đồng, bên cạnh các khoản nợ ngân hàng, đối tác.

Chị Hồng là một trong những khách hàng lâu năm của Công ty cổ phần Chứng khoán Tràng An. Năm 2006, chị gia nhập thị trường chứng khoán với toàn bộ số vốn liếng tích cóp được là 300 triệu đồng. "300 triệu đồng khi đó tương đương 20 cây vàng, cũng có thể mua được một căn hộ tập thể, nhưng tôi vẫn chọn chứng khoán, một lĩnh vực mới mẻ và tiềm năng", chị Hồng bộc bạch.

Hơn sáu năm trôi qua, chị nếm đủ thăng trầm của thị trường và đã tránh được phần lớn những cơn sóng dữ. 2 năm qua, chị Hồng gần như chỉ chờ đợi và theo dõi, hạn chế tối đa giao dịch để chờ thời điểm khủng khoảng đi qua. Nhưng tai họa bắt đầu đến khi tháng 9/2012 chị phát hiện nhiều cổ phiếu và tiền mặt tại Chứng khoán Tràng An của mình bỗng "bốc hơi" mà không rõ lý do.

"Tôi vẫn còn 100 triệu đồng trong tài khoản, cả hai năm qua không phát sinh giao dịch, thế mà tiền đi đâu hết. Làm công chức Nhà nước như tôi, số tiền đó quá là lớn. ôi không ngờ rủi ro lần này lại rơi trúng vào mình", chị Hồng chia sẻ.

Chứng khoán Tràng An khóa trái cửa sáng 23/1. Ảnh: HD

Theo chị Hồng, rất nhiều lần chị đến Chứng khoán Tràng An làm việc đề nghị giải quyết, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một lời hẹn chưa biết ngày nào tiền sẽ được trả. Mọi chuyện tích cóp tiền và đem đi đầu tư chứng khoán, chị tự quyết một mình không bàn với ai. Nay chuyện xảy ra, chị cũng không dám than vãn với gia đình. Từ câu chuyện này, càng ngày chị càng mất niềm tin vào thị trường chứng khoán.

"Tôi cảm thấy rất hoang mang, thực sự giờ không còn thấy kênh đầu tư nào an toàn nữa", chị Hồng tâm sự.

Kém may mắn hơn chị Hồng, một khách hàng tên Quốc thở dài: "Quá mệt với công ty rồi, càng nói đến, lòng lại càng buồn. Mỗi khi nghĩ tới số tiền nợ vẫn chưa đòi được, tôi đau và thấy thấy vọng lắm". Anh Quốc cũng mở tài khoản tại công ty cách đây nhiều năm, toàn bộ tiền vốn được anh vay mượn từ bạn bè, người thân, trị giá lúc đó lên tới 1 tỷ đồng.

Hiện tại, anh Quốc không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, người thân trong gia đình cũng luôn cố gắng cảm thông, thế nhưng, anh vẫn buồn phiền vì "với số tiền lớn như vậy, cả đời này chưa chắc tôi đã kiếm lại đủ được".

Trong thâm tâm, anh Quốc vẫn hy vọng Chứng khoán Tràng An tiếp tục hoạt động và trả lại tiền cho nhà đầu tư. "Tôi cũng chẳng muốn lãnh đạo công ty vướng vòng lao lý, tù tội, chỉ mong họ có thể sớm tiếp tục làm việc, cải thiện doanh nghiệp và tìm cách trả lại tiền cho chúng tôi như đã hứa", nhà đầu tư này chia sẻ.

Bên trong văn phòng không còn ai làm việc. Ảnh: HD

Chị Mai cũng là một chủ nợ lớn của Tràng An. Chị mất cả 1 tỷ đồng tiền mặt và bị bán nhiều chứng khoán khác mà không được hỏi ý kiến.

"Tới tháng 4/2012 tôi mới phát hiện ra. 2 năm nay tôi không còn giao dịch trên thị trường nữa nên cũng không để ý công ty đã làm gì với tài khoản của mình", chị nói.

Phần lớn các khách hàng của Chứng khoán Tràng An vẫn đang ấp ủ niềm hy vọng công ty sẽ sớm bồi hoàn lại số tiền bị bán khống, đồng thời các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho họ. Chị Mai, cùng nhóm đầu tư với chị Hồng bày tỏ: "Hiện giờ tôi chỉ mong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công bố giải pháp nào đó giúp đỡ chúng tôi. Tôi được biết, tổng tiền Chứng khoán Tràng An nợ các nhà đầu tư hiện khoảng 30 tỷ đồng".

Sáng 23/1, trụ sở Chứng khoán Tràng An tại phố Quang Trung (Hà Nội) im ắng, cửa khóa trái nhưng biển hiệu công ty vẫn còn. Cửa chính dán một tờ giấy khổ A4, in số điện thoại của các cấp lãnh đạo cho nhà đầu tư liên lạc. Tuy nhiên, khi gọi vào số của ông Trần Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch, một người đàn ông nhấc máy cho biết đây không phải là số của ông Nghĩa.

"Đã một tuần nay, ngày nào tôi cũng phải trả lời rất nhiều cuộc gọi có liên quan đến Chứng khoán Tràng An. Tôi hoàn toàn không liên quan và cũng không biết lãnh đạo công ty là ai", người này nói.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Chứng khoán Tràng An trả lời không biết việc số điện thoại của ban lãnh đạo được in và dán trên cửa ra vào, đồng thời ông cũng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết mình đang không ở Hà Nội và cũng không nắm được công ty còn những ai vẫn làm việc.

Về hoạt động của Chứng khoán Tràng An trong thời gian tới, ông Nghĩa khẳng định: "Hội đồng quản trị cam kết sẽ tiếp tục để công ty hoạt động trở lại. Sau khi cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm, phân định những khoản phải thu, phải trả, công ty sẽ lại tăng vốn để hoạt động, trả nợ cho các nhà đầu tư".

Nguồn trả nợ, theo ông Nghĩa, trước hết lấy từ những khoản thu hồi nợ của công ty, trong đó, "con nợ" hiện giờ rất nhiều, bao gồm cả khách hàng và nhân viên trước đây, ông Nghĩa cho biết

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nói thêm: "Sẽ không có chuyện Chứng khoán Tràng An giải thể. Hiện giờ các chủ nợ cũng sẵn lòng giúp công ty hoạt động trở lại. Trước mắt, Công ty Tài chính EVN sẽ hỗ trợ chúng tôi tái cấu trúc".

Chia sẻ với VnExpress.net, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, với trường hợp công ty bán khống chứng khoán, nhà đầu tư luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư Việt Nam hầu như chưa có ý thức tự giác bảo vệ chính mình. Trong khi đó, trên thế giới, các nhà đầu tư thường đóng phí và gia nhập một tổ chức hoặc hiệp hội nhà đầu tư độc lập hợp pháp.

Theo ông, nhiều nước trên thế giới, theo luật, các nhà đầu tư bắt buộc phải đăng ký trở thành thành viên của một hiệp hội các nhà đầu tư độc lập hoặc định chế nào đó, có thể của nhà nước hoặc tư nhân, có thu phí định kỳ. Trường hợp phát sinh tranh chấp trong quá trình giao dịch, những đơn vị này sẽ phải bỏ tiền thuê chuyên gia, luật sư kiện lên tòa án và bảo vệ các quyền lợi cho thành viên của mình, chưa kể họ còn trích nguồn tiền để bù đắp một phần tổn thất cho nhà đầu tư. Thông thường các vụ kiện tụng tranh chấp kéo dài hàng tháng trời, chi phí rất tốn kém, một mình nhà đầu khó có thể theo kiện lâu dài.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có mỗi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, thế nhưng, hình thức này lại không bắt buộc, đồng thời họ cũng không thu phí cũng như không có nguồn thu nào làm lợi nhuận. Cũng theo ông Hải, bản thân các nhà đầu tư hãy tự cẩn trọng trước với chính đồng vốn của mình bằng cách chọn công ty chứng khoán uy tín, đồng thời luôn chủ động theo dõi tài khoản của mình.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) được thành lập theo quyết định số 74/2003/QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ngày 5/11/2003. Một trong các chức năng của hiệp hội là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư am hiểu pháp luật và an tâm bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp. Hiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính.
Theo Tường Vi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Nhà đầu tư không mong sếp Chứng khoán Tràng An bị bắt

    Nhà đầu tư không mong sếp Chứng khoán Tràng An bị bắt

    23/01/2013 10:04 PM

    Mong mỏi lớn nhất của họ hiện nay là công ty sớm hoạt động trở lại và có nguồn trả nợ cho họ. Số tiền Tràng An còn nợ nhà đầu tư được cho là lên tới 30 tỷ đồng, bên cạnh các khoản nợ ngân hàng, đối tác.

  • Tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An bị bắt

    Tổng giám đốc Chứng khoán Tràng An bị bắt

    18/01/2013 8:19 PM

    Ông Lê Hồ Khôi bị khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi "chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hóa hồ sơ nhận ủy thác đầu tư của khách hàng để vay và chiếm đoạt tiền ngân hàng".

  • Chứng khoán Tràng An có nguy cơ phá sản

    Chứng khoán Tràng An có nguy cơ phá sản

    12/09/2012 11:36 AM

    CTCK Tràng An tiếp tục vị phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán, không hoàn trả tiền vay Quỹ hỗ trợ thanh toán, gây nguy hại cho hệ thống thanh toán chứng khoán.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.