Nền kinh tế Nhật Bản đã co rút nhiều nhất kể từ thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân cách nay 3 năm, khi tiêu dùng và đầu tư đều lao dốc do tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) hồi tháng 4, đe dọa khả năng về đích của “mũi tên thứ ba” trong chiến lược kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics).

Theo số liệu của Văn phòng chính phủ, GDP trong quý II của xứ sở Phù Tang giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức sụt giảm sâu nhất kể từ năm 2011. Điều này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của ông Abe, người muốn đưa nền kinh tế đất nước nhanh chóng tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa hết hy vọng. Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari cho biết chính phủ đã sẵn sàng có các “hành động linh hoạt” nếu cần thiết. “Nhiều khả năng quý tháng 7 đến tháng 9 chúng ta sẽ chứng kiến một sự bật tăng trở lại” - Takeshi Minami, kinh tế trưởng của Norinchukin Research Institute Co. ở Tokyo, nói. “Nhưng sự sụt giảm trong thu nhập thực tế và sự yếu kém của hoạt động sản xuất có thể đe dọa hồi phục”.

Sự sụt giảm này là chuyển động ngược chiều so với quý I, khi người tiêu dùng và các công ty hối hả tiến hành các hoạt động mua bán trước khi việc tăng thuế có hiệu lực. Chi tiêu hộ gia đình giảm 19,2% so với cùng kỳ, trong khi đầu tư tư nhân giảm 9,7%, làm nổi bật những tổn hại tới tiêu dùng sau khi tăng thuế 3%. Việc tăng thuế đã ảnh hưởng nặng tới người tiêu dùng vì thu nhập của họ tăng rất ít ỏi, trong khi giá cả tăng nhanh do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tìm cách đẩy mạnh lạm phát để kích thích nền kinh tế. Giá cả tiêu tùng tăng 3,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 9 lần so với mức tăng thu nhập, trong đó giá lương thực tăng 5,1%.

“Chỉ có một điểm sáng trong dữ liệu được công bố là thương mại ròng đóng góp thêm vào tăng trưởng chung lần đầu tiên kể từ khi ra mắt Abenomics” - Marcel Thieliant, kinh tế gia của Capital Economics (Singapore), viết trong một lưu ý. Nhập khẩu giảm 20,5% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu giảm 1,8%. Điều đó cho thấy lĩnh vực sản xuất bị suy giảm mạnh và việc hạ giá đồng yen so với USD của ông Abe vẫn chưa có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu như mong đợi. Việc các nhà sản xuất được hưởng lợi nhờ đồng yen suy yếu như năm ngoái đang dần mờ nhạt.

Nhà khổng lồ xe hơi Toyota Motor Corp. tuần trước giữ nguyên dự báo thu nhập ròng giảm so với mức 1.820 tỷ yên của năm ngoái, do doanh số trong nước giảm vì tác động của việc tăng thuế. Trong khi đó, hãng điện tử Panasonic Corp. tháng trước báo cáo lợi nhuận quý I thấp hơn dự báo do chi phí cứng tăng và nhu cầu nội địa yếu đi.

Dù vậy, nền kinh tế Nhật Bản vẫn được dự báo tăng 2,9% trong quý III, theo khảo sát giới chuyên gia của Bloomberg. “Trừ khi nền kinh tế không tăng trưởng hoặc sụt giảm trong quý III, chính phủ Abe mới có thể không tăng thêm thuế VAT” - theo Yuichi Kodama, kinh tế trưởng của Meiji Yasuda Life Insurance Co. ở Tokyo.

Chính phủ dự định tăng thuế VAT lên 10% vào tháng 10-2015 từ mức 8% hiện nay. Văn phòng chính phủ cho biết chỉ số giảm phát GDP đã tăng 2% so với đầu năm, là mức tăng đầu tiên trong 19 quý. Sự gia tăng này phản ánh việc tăng thuế VAT cũng như tình trạng giá nguyên liệu và chi phí nhân sự tăng, theo các nhà kinh tế Kyohei Morita và Yuichiro Nagai.

Vinh Trang (Sài Đòn ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.