Năm 2018, người Việt chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến và có mức tăng nhanh nhất ASEAN.

Ảnh minh họa.

Ngày 14/8, tại diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2019: Cá nhân hoá trải nghiệm do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và kỹ thuật số, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam rất nhanh.

Theo bà Lại Việt Anh, dung lượng thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến. Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến.

"Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích của thương mại điện tử, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả. Đồng thời, nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận thị trường” - bà Lại Việt Anh nói.

Trao đổi tại diễn đàn, bà Samantha Oh - Phó Chủ tịch Client Insights APAC, comScore cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có hai điểm hấp dẫn lớn so với các thị trường khác trong ASEAN.

Đó chính là, tỷ lệ người dùng truy cập vào trang thương mại điện tử sau đó mua hàng rất cao và hai là mức chi tiêu cho thương mại điện đang tăng rất nhanh.

"Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu của người dùng cho thương mại điện tử tăng nhanh nhất khu vực. Điều này rất quan trọng", bà Samantha Oh đánh giá.

Tuy nhiên, bà Samantha Oh cũng chỉ ra rằng, Việt Nam còn rất nhiều yếu tố cần cải thiện để tăng quy mô của thị trường thương mại điện tử.

Trong đó phải kể đến việc hệ sinh thái chưa được đồng bộ, thanh toán điện tử chưa phổ biến và cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến trình này, hệ thống logistics của Việt nam cũng đang tốn chi phí lớn và chưa được đánh giá cao.

Hạ An (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.