Mua hàng online cũng như đi chợ, hãy trang bị kiến thức đầy đủ để vừa mua được giá hời, vừa không bị gạt.
Ảnh minh họa.
Sau các đợt bán hàng giảm giá cuối năm, như Black Friday hay Cyber Moday, rất nhiều người than phiền vì tình trạng khuyến mại ảo – tăng giá bán so với thực tế rồi giảm giá cho “có tiếng”. Hoặc hàng mua về không đúng chất lượng như kỳ vọng. Có những người vì dạo qua nhiều cửa hàng, trang web giảm giá cuối năm và mua về những thứ giá rất tốt nhưng không bao giờ dùng đến.
Mặc dù ngày Black Friday hay Online Friday đã qua, nhưng mùa giảm giá cuối năm chưa hết, vì đây là dịp các hãng chạy đua để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cũng như bán được nhiều hàng hơn nhân các mùa lễ hội cuối năm.
Những chương trình giảm giá lớn như Online Fever của Zalora mới bắt đầu ngày 12/12, Cách mạng mua sắm của Lazada chưa hết, các website riêng của các hãng hay nhà bán lẻ vẫn còn khuyến mại, và dạo các trung tâm mua sắm lớn bạn sẽ vẫn thấy những nhãn bán hàng giảm đến 50%. Những kinh nghiệm kinh điển sau đây sẽ giúp bạn mua hàng tiết kiệm, không bị tiền mất tật mang.
Lập danh sách những thứ cần mua
Việc này sẽ hạn chế việc bạn vung tay quá trán mà mua những thứ chả liên quan gì đến mục tiêu ban đầu. Lên danh sách cụ thể những thứ bạn cần mua, càng chi tiết càng tốt, ví dụ như: một chiếc máy ảnh, một chiếc túi nam, một lọ nước hoa mới, v.v….
Những thứ ưu tiên nên được xếp đầu danh sách và phải được “xử lý” trước tiên. Bạn chỉ được quyền “nghía” qua những món hàng khác khi đã hoàn thành xong danh sách ban đầu mà vẫn trong túi vẫn còn rủng rỉnh. Tuyệt đối không nên mua những thứ mà đem về rồi chẳng biết làm gì.
Tham khảo ý kiến trước khi quyết định rút ví
Việc này sẽ giúp bạn tránh mua phải món hàng với giá ảo. Việc đầu tiên dễ làm nhất là tìm kiếm món hàng đó trên mạng xem những nơi khác đang bán giá bao nhiêu, nếu món hàng bạn định mua thực sự rẻ hơn nơi khác thì mới mở hầu bao. Với hàng công nghệ, cần kiểm tra kỹ càng hàng bán là cũ hay mới, chính hãng hay xách tay, bảo hành ở đâu.
Khá nhiều trang web hiện nay hoạt động theo mô hình marketplace, như một khu chợ, do đó khi mua hàng cần xem đơn vị nào cung cấp món hàng đó, và chọn đơn vị cung cấp có uy tín. Các trang như Lazada, Sendo hoạt động theo mô hình chợ, do đó nên chọn hàng từ đơn vị cung cấp có uy tín hoặc do chính hai trang này bán.
Các trang như Adayroi, Tiki tự bán hàng do mình cung cấp do đó nguy cơ gặp phải cửa hàng bán không uy tín sẽ giảm bớt. Hay Zalora chuyên bán hàng thời trang hầu hết do đơn vị này cung cấp, khá ít hàng hóa của đơn vị khác.
Thêm vào đó, khi mua món gì có thể tham khảo thêm ý kiến của bạn bè để xem món hàng đó dùng tốt không, nên mua ở đâu.
Nên nhớ rằng mua hàng online cũng như đi chợ, hãy là người tiêu dùng thông minh.
Đừng chỉ cân nhắc mỗi giá tiền
Nhiều người mua hàng chỉ quan tâm mỗi giá tiền, thấy rẻ là mua, giảm giá là mua,… Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, một sản phẩm tốt không chỉ nằm ở giá thành mà còn nằm ở mẫu mã và chất lượng. Không những thế, bạn cũng cần cân nhắc lại mức độ cần thiết để chi tiêu xứng đáng cho thứ mà mình cần. Bạn có muốn khuân về thật nhiều thứ siêu rẻ, nhưng chẳng có cái nào thật sự tốt không?
Bạn của người viết bài này từng mua một chiếc đồng hồ trong đợt giảm giá gần đây với giá 69.000 đồng, và trách rằng chiếc đồng hồ không đẹp lung linh như khi đăng trên web.
Dù bạn trách ai đi nữa thì cũng nên hiểu rằng, với giá tiền đó không thể nào mua được đồng hồ “xịn” được đúng không? Với mức giá đó, đồng hồ trẻ em, đồng hồ nữ dây nhựa có thể dùng bền, còn đồng hồ có thương hiệu với mặt và dây kim loại thì không thể nào là hàng tốt được, dù nó đã được giảm giá. “Tiền nào của đó” thôi.
Theo người viết bài này, hàng hóa chỉ có thể giảm đến 50%, tối đa 70%, hoặc được tặng kèm khi mua một món gì giá trị cao hơn, từ đó có thể quy ra giá trị thực bán của món hàng. Nếu rẻ quá bạn hãy hỏi thêm những người có kinh nghiệm trước khi mua.
Khoan chi tiền cho những sản phẩm thấy tại cửa hàng
Đối với các món hàng thời trang, hay thậm chí là hàng công nghệ, bạn chỉ nên tham khảo mẫu mã và kiểu dáng của những món đồ mình thích tại cửa hàng, chứ không nên mua ngay. Thay vào đó, bạn ghi nhớ lại kiểu dáng, tên thương hiệu, và quan trọng là giá tiền.
Sau đó khi về nhà, bạn có thể tha hồ tìm kiếm sản phẩm từ nhiều nguồn shop online của các hệ thống bán hàng trực tuyến khác nhau để có thể so sánh và sở hữu những sản phẩm ưa thích với mức giá rẻ hơn. Dĩ nhiên có tình trạng các shop copy lại hình của nhau nhưng chất liệu và chất lượng hàng hóa khác nhau, bạn cần xem xét thêm yếu tố này và chọn nơi bán uy tín, đơn vì cụng cấp hàng uy tín, có thể đổi trả.
Tranh thủ những mùa sale để hưởng các ưu đãi tốt nhất
Đây chính là lý do các thị trường văn minh như Mỹ cũng có cảnh người tranh nhau, thậm chí đánh nhau để giành mua hàng vào ngày mua sắm Black Friday. Tại Việt Nam, cảnh xếp hàng dài chờ mua hàng ở các trung tâm thương mại cũng chỉ diễn ra dịp cuối năm. Các website bán hàng lớn cũng tranh thủ dịp tổng kết năm để tung chương trình giảm giá kích cầu.
Những mùa sale luôn đến vào những thời điểm nhất định trong năm, chính vì vậy, kiên nhẫn đợi đúng thời điểm để được sở hữu những sản phẩm ưa thích với giá hời. Hãy luôn đăng kí thành viên tại các shop cũng như “follow” các trang web bán hàng để nhận được thông báo cập nhật về những khuyến mãi hot.
Hải Đăng (ICTNews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.