Mạnh Cầm - đơn vị phân phối sữa dê Danlait bị tố mập mờ trong thông tin chỉ dẫn, xuất xứ... đã chính thức xin lỗi người dùng Việt Nam.

Nhập 100.000 bán 400.000 đồng/hộp?

Trước câu hỏi liên quan đến giá nhập của một hộp sữa Danlait chỉ chưa đến 4 euro/hộp (Tức là khoảng 100.000 đồng/hộp), nhưng được bán ngoài thị trường với giá hơn 400.000 đồng/hộp, ông Hervé Lanoë, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty FIT (Cộng hòa Pháp) - đơn vị sản xuất sản phẩm Danlait khẳng định với báo giới sáng 23/4, giá sữa phụ thuộc vào công thức, nguyên liệu. Trên thế giới nguyên liệu làm sữa rất khan hiếm nên giá sữa rất cao, vì vậy không có chuyện sữa Danlait có giá chưa đến 4 euro.

Tuy nhiên, ông Hervé Lanoë lại không không nêu ra con số chính xác, ông chỉ cho biết: “Không thể có giá rẻ như vậy cho sản phẩm Danlait. Còn các sản phẩm sữa dê khác thì tôi không thể nói chính xác, vì còn tùy thuộc vào công thức cụ thể”.

Chị Hà, một trong những khách hàng đầu tiên phản ánh về chất lượng sữa Danlait. Ảnh: Châu Anh

Về vấn đề kiểm nghiệm sữa có những thông tin trái chiều, phía khách hàng là chị Hà đưa ra kết quả kiểm nghiệm sữa dê Danlait có hàm lượng đạm (protein) chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên nhãn. Không những thế, hàm lượng Natri và Kali thì vượt mức ghi trên vỏ hộp.

Và theo chị Hà, với kết quả chị có được thì hàm lượng đạm trong sữa Danlait “chỉ tương đương với thức ăn gia súc”. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Viện Pasteur TP.HCM lại đưa ra thông báo: Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung Danlait có nhầm lẫn.

Theo kết quả trích đăng trong thông báo của Viện Pasteur TP.HCM do phía công ty Mạnh Cầm cung cấp thì kết quả đưa ra sau khi tính toán "chuẩn" là 13,2% so với hàm lượng protein ghi trên nhãn là 12,8% thay vì trước đó là 4,13%.

"Trong quá trình tiến hành thử nghiệm chỉ tiêu protein, phòng kiểm nghiệm Hóa Lý - Vi sinh Viện Pasteur đã nhầm lẫn trong tính toán kết quả cuối cùng là không chia cho khối lượng mẫu cân", thông báo gửi lại của phía Viện Pasteur TP.HCM do phía công ty Mạnh Cầm cung cấp giải thích.

Đồng thời thông báo này cũng nhận rằng phương pháp áp dụng với mẫu kiểm định cho khách hàng là TCVN3705:90 - đây là phương pháp kiểm nghiệm protein cho thủy sản. Chỉ tiêu Kala và Natri đã ghi sai đơn vị tính (Ml/g) thay vì mg/kg hoặc % (Kl/kl).

Tuy nhiên, những bất nhất trong các thông báo gửi đi từ các cơ quan khác nhau đã khiến người tiêu dùng càng thêm nghi ngờ, đại diện khách hàng là chị Hà trong buổi đối chất trực tiếp với phía nhà cung cấp là công ty Mạnh Cầm và các cơ quan chức năng đã yêu cầu có một đơn vị thứ 3 kiểm nghiệm lại sữa dê Danlait với sự chứng kiến của các bên.

Song, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm, ông Đặng Quang Mạnh bác đề xuất này và khẳng định một cách chắc chắn: Sữa dê Danlait rất tốt, đạt chất lượng sản phẩm và công ty sẽ không cần phải đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm ở một đơn vị nào khác.

Mạnh Cầm xin lỗi khách hàng

Liên quan đến một số sai phạm được chi cục quản lý thị trường Hà Nội chỉ ra, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm - Doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối Sản phẩm thực phẩm bổ sung Sữa dê Danlait thừa nhận: “Chúng tôi đúng là có sai sót không ghi thực phẩm bổ sung hay chỉ dẫn theo bác sỹ, chúng tôi cũng xin gửi lời xin lỗi tới khách hàng”.

Ông Mạnh cho biết, trong thời gian qua vì Công ty đã có thiếu sót trong việc ghi tem mác phụ và không làm chủ được thông tin để người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm.

“Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này. Về hành chính, công ty Mạnh Cầm cũng đã tiếp cận với các cơ quan chức năng nhà nước và chúng tôi đã sửa sai”, ông Mạnh khẳng định.

Theo ông Mạnh, ngay sau khi có ý kiến từ cơ quan quản lý, Công ty Mạnh Cầm đã tuân thủ và sửa chữa. Trên các sản phẩm mới hiện nay, toàn bộ phần nhãn mác đã được thay đổi theo quy định.

Liên quan đến kết quả kiểm định có sự khác nhau giữa các cơ quan kiểm định khác nhau, đại diện Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế), bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng khẳng định: “Là một đơn vị trọng tài về kiểm nghiệm thực phẩm, bằng phương pháp kiểm hóa của mình, kết quả quả kiểm nghiệm lô sản phẩm sữa dê Danlait do Cục Quản lý thị trường gửi đến đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác”.

Về chất vấn của người tiêu dùng quanh nghi ngờ nguồn gốc sản phẩm Danlait không được bán ở Pháp, thậm chí có thể xuất xứ từ Trung Quốc, ông Hervé Lanoë khẳng định: Sản phẩm sữa dê Danlait được sản xuất tại nhà máy ở Pháp, áp dụng các quy chuẩn của châu Âu đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, mà cụ thể là chỉ thị 2006/141/EC của Ủy ban Châu Âu ban hành ngày 22/12/2006.

Sản phẩm sữa dê Danlait với vỏ hộp, mẫu mã, thiết kế bao bì thuộc Công ty FIT, còn nhãn hiệu Danlait thuộc sở hữu của Công ty Mạnh Cầm, được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và tại Pháp.

Châu Anh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.