Sức ép hội nhập quốc tế đang buộc các tập đoàn nhà nước phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc để có thể từ những chú voi nặng nề trở thành những con hổ nhanh nhạy hơn.

Những ngày cuối năm 2013, một tổng công ty nhà nước lớn trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM làm ăn khá hiệu quả đã quyết định tập hợp hơn 30 công ty thành viên trong một sự kiện để vừa mừng thành tích kế hoạch năm, vừa cảnh báo những thách thức trong 2 năm tới mà Tổng Công ty có thể đối mặt trước làn sóng hội nhập quốc tế rộng lớn.

Sức ép lớn

Thực vậy, chỉ trong 2 năm tới, Việt Nam có thể sẽ ký kết các hiệp định kinh tế lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC), Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa khối ASEAN với 6 cường quốc kinh tế ở châu Á, hay hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu.

Những hiệp định này không chỉ sẽ làm thay đổi căn bản mức độ hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam mà còn có thể tạo ra nhiều thay đổi về mặt kinh tế chính trị trong nước, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến vị thế và quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước.

Ví dụ, một trong những nội dung quan trọng nhất của TPP là yêu cầu các thành viên phải minh bạch và đối xử công bằng đối với mọi loại hình kinh doanh, trong đó có việc các chính sách ưu đãi hay đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước như vốn rẻ, đất đai phải được dỡ bỏ.

TPP còn đòi hỏi phải tách bạch doanh nghiệp nhà nước ra thành 2 mảng riêng biệt: phục vụ chính sách xã hội và kinh doanh thương mại. Và đây là chỗ mà một vài tập đoàn Việt Nam đang vướng phải như Viettel. Tập đoàn kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng này hiện vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống thông tin quốc gia, vừa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông.

Ngoài ra, TPP cũng quy định rõ bất kỳ doanh nghiệp nào phát hiện một sự đối xử mang tính phân biệt cũng đều có quyền kiện lên các cơ quan luật pháp ở nước họ hoặc những định chế thích hợp khác. Hiện nay, Mỹ, Canada, Nhật, Úc và Mexico đã đồng ý để Malaysia, Peru, Brunei và Việt Nam có thời gian ân hạn 5 năm để điều chỉnh các chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước khi gia nhập TPP.

Có lẽ cảm nhận được sức ép từ bên ngoài này và chứng kiến tiến trình tái cấu trúc rất chậm chạp của khu vực kinh tế nhà nước trong 2 năm qua, ngay trong thông điệp đầu năm, người đứng đầu Chính phủ đã thúc giục các doanh nghiệp nhà nước phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường và Chính phủ sẽ tách bạch các doanh nghiệp nhà nước theo 2 mảng riêng biệt là sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích.

“Bao nhiêu doanh nghiệp cổ phần hóa đều hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, tiêu cực, tham nhũng giảm mạnh. Tại sao chúng ta không làm? Không làm thì mời các đồng chí thôi việc”, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải mới đây.

Nhìn từ Vinatex

Việc tái cấu trúc để biến những chú voi khổng lồ như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành những con hổ nhanh nhạy, khỏe mạnh hơn là điều không hề đơn giản. Nhưng trên thực tế, có trường hợp đã thực hiện khá thành công. Đó là doanh nghiệp ngành dệt may.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trước sức ép từ bên ngoài, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố không thực hiện chiến lược tăng tốc ngành dệt may và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này bị buộc phải cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Họ bị soi rất kỹ về khả năng có nhận trợ cấp của Nhà nước hay không, có thực hiện trách nhiệm xã hội đầy đủ hay không. Các doanh nghiệp này đã chấp nhận tuân thủ và nỗ lực tìm đường xuất khẩu. Đến giờ có thể nói các doanh nghiệp này đã thành công, đứng vững trên thị trường và đang có lợi thế lớn nhất trong việc thu hút nguồn lực nước ngoài vào ngành dệt để sản xuất phụ kiện cũng như tiếp tục đầu tư đẩy ngành dệt may đi lên.

Trong số đó, đáng chú ý nhất là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Năm 2013, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đạt doanh thu gần 46.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước đó. Năm nay, Tập đoàn đã lên kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các công ty thành viên cũng như lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Một doanh nghiệp nhà nước khác có thể tái cấu trúc để tinh gọn hơn, cạnh tranh hơn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo bà Lan, nếu chấp nhận cạnh tranh và quyết liệt thoái vốn ngoài ngành, tập đoàn này vẫn phát triển được với nền tảng hiện nay mà có thể không cần Nhà nước trợ cấp, đặc biệt là về vốn. Theo đó, chỉ với việc thoái vốn một phần ra khỏi Ngân hàng An Bình, EVN đã có trong tay 250 tỉ đồng. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục thoái vốn khỏi ngân hàng này cũng như tất cả dự án bất động sản và dự án trong các lĩnh vực khác, EVN sẽ có trong tay cả ngàn tỉ đồng, hoàn toàn không thiếu vốn để đầu tư cho ngành điện.

Và với việc Nhà nước mở thêm cơ chế hợp tác công - tư (PPP), các nhà đầu tư khác có thể tham gia hợp tác cung ứng điện và đỡ gánh nặng cho EVN. Như vậy, Tập đoàn có thể tập trung vào lĩnh vực lớn nhất là truyền tải điện, tức vẫn có thể phát triển được. “Nếu chấp nhận chuyển hướng, EVN vẫn là đơn vị cạnh tranh tốt, chứ không phải trở thành mũi dùi bị dư luận chỉ trích, cho dù đóng góp của họ vào hệ thống cung cấp điện quốc gia thì ai cũng phải thừa nhận,” bà Lan nói.

Rõ ràng, với vị thế và nguồn lực sẵn có, nếu muốn tái cơ cấu và vươn lên, các tập đoàn, tổng công ty và tất cả doanh nghiệp nhà nước khác vẫn có thể bảo toàn được khả năng cạnh tranh trước những thách thức của thời đại.

Sơn Thanh (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.