Tép, nhím, sam, vịt uyên ương... đang là những vật cảnh được nhiều người chơi ở Việt Nam ưa chuộng, đem lại doanh thu cao cho nhà đầu tư.

1. Tép cảnh

Sau trào lưu chơi hồ thủy sinh, tép cảnh đang là loài sinh vật được ưa chuộng. Tép cảnh được dân kinh doanh trong nam cũng như ngoài bắc nhập về từ Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 20 loại, có nhiều màu sắc khác nhau. Tép cảnh có chiều dài 1 -1,5 cm, thường được nuôi theo đàn lớn đồng loại, ít nhất 10 con một bể.

Anh Hưng, chủ một cửa hàng bán tép cảnh ở Hà Nội cho hay, loài này rất đa dạng về chủng loại nên giá dao động 5.000-100.000 đồng một con. Một số loại tép cảnh nhập từ Nhật Bản, màu sắc khác biệt với những loại thông thường, lại ít biến đổi có giá cả triệu đồng, thậm chí cả nghìn USD. Tuy nhiên, số này không nhiều ở Việt Nam. “Hiện mỗi tháng tôi nhận hàng trăm đơn đặt hàng từ khách. Loài này có tuổi thọ không cao lại dễ sinh bệnh, nhưng nếu biết chăm sóc đúng quy trình, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ và độ PH hợp lý thì chúng phát triển và sinh sản rất tốt”, anh Hưng nói.

Không chỉ những cá nhân nhỏ lẻ hứng thú kinh doanh loài vật này ở Việt Nam, mới đây một công ty nổi tiếng về tép cảnh ở Đài Loan là Taiwan Fu Shrimp Enterprise đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Với số vốn ban đầu nửa triệu USD, hiện doanh thu hàng năm của doanh nghiệp này khoảng một triệu USD. Công ty đã xuất khẩu tép sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

2. Sam cảnh

Đây là một loại sinh vật cảnh còn mới lạ ở thị trường Việt. Sam cảnh có tên chính xác là cá đuối nước ngọt. Loài này được nuôi khá nhiều ở một số nước như Thái Lan, Malaysia…có giá từ một đến vài chục triệu đồng.

Anh Cường, chủ trang trại sam cảnh ở Hà Nội cho hay, vì đam mê chơi sam cảnh nên anh đã chi hàng trăm triệu đồng đề đầu tư con giống. Một con sam Black Diamond (Kim cương đen) mới sinh tầm 1-2 tháng đã có giá hơn 20 triệu đồng. Loại rẻ nhất là sam Moto có giá khoảng 1-2 triệu đồng một con. Ban đầu, do không được truyền kinh nghiệm nuôi cũng như chọn giống nên nhiều lần anh mua phải sam yếu khiến lỗ vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, anh không những nuôi tốt mà còn truyền lại bí quyết chăm sóc cho rất nhiều khách hàng. Hiện số lượng sam tại trang trại của anh Cường đã lên tới vài chục con với trị giá hàng tỷ đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi, anh Cường cho hay, ngoài cung cấp tốt thức ăn thì đặc tính của loài cá này là sống trong môi trường nước lợ. Cho nên, để có môi trường nước phù hợp, phòng trừ bệnh tốt, người nuôi phải duy trì được độ mặn của nước ở mức hợp lý bằng cách cho số lượng muối nhất định vào bể cá mỗi khi thay nước.

3. Nhím cảnh

Xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, nhím cảnh đang là loài vật được khá nhiều hộ gia đình cũng như giới trẻ ưa thích. Chúng khác hẳn với loại nhím thông thường về trọng lượng. Không lẩn tránh hay hung dữ như nhím bình thường, những con vật này nhỏ nhắn, xinh xắn, có nhiều màu sắc lại dễ gần. Loài này dễ chăm sóc, ít khi mắc bệnh, chi phí để nuôi cũng không cao. Tùy từng mô hình kinh doanh to hay nhỏ, số vốn ban đầu chỉ khoảng 5-20 triệu đồng là có trại nhím rộng từ 10 đến 20m2.

Thông thường, một cặp nhím nuôi khoảng 5 tháng là bắt đầu sinh đẻ. Chúng mang thai 35 ngày, nuôi con 1,5 tháng. Sau khi tách con khoảng một tuần thì có thể phối giống trở lại. Thực phẩm chính dành cho nhím là thức ăn khô công nghiệp của mèo. Ngoài ra, có thể cho ăn thêm sâu, dế mèn, đậu, cà rốt, bí ngô. Để chuồng đảm bảo vệ sinh, nơi ở của nhím sẽ được dọn dẹp một lần một ngày. Ngoài tủ kính trong suốt, vào mùa đông bổ sung thêm mùn cưa để lót chuồng tạo hơi ấm. Hiện giá một con trên thị trường dao động 200.000-250.000 đồng. Nếu mua về làm giống, bao gồm phụ kiện sẽ có giá 1,4 triệu đồng một cặp.

Chị Bích, chủ trang trại nhím ở Hà Nội cho biết với số vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đồng. Sau 4 năm chị đã nâng lượng đàn lên 186 con. Nhờ số lượng đàn lớn, mỗi tháng chị có doanh thu vài chục triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, chị còn lãi 12-15 triệu đồng một tháng.

4. Chim trĩ, vịt uyên ương

Xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, chim trĩ và vịt uyên ương được nhiều người quan tâm. Vịt uyên ương có màu sắc lạ. Uyên ương trống có bộ lông sặc sỡ khó nhầm lẫn, mỏ đỏ, vệt lông hình lưỡi liềm lớn phía trên mắt, mặt đỏ có ria mép. Còn uyên ương mái có vành khuyên màu trắng quanh mắt và sọc chạy ngược về phía sau. Loại vịt này hiện nay ở Việt Nam vẫn khó nhân giống nên chủ yếu nhập từ nước ngoài. Giá bán dao động 15-18 triệu đồng một cặp.

Còn chim trĩ ở Việt Nam dễ nuôi hơn so với vịt uyên ương. Giá một con dao động từ 200.000 đến vài triệu đồng. Chúng sống khỏe ở khí hậu thoáng mát và khô ráo của vùng nhiệt đới. Đối với những nhà diện tích đất ít, chuồng trĩ vẫn cần 1m2 trên một con, nền đổ cát sạch để cho chúng tắm. Thức ăn của loại chim này là hạt và rau củ quả như bo bo, kê, các loại lúa, hạt hướng dương. Hiện có 3 loại trĩ: màu đỏ, màu vàng và màu xanh.

Anh Nam, chủ trang trại chim trĩ ở Đồng Nai cho biết, loài này không khó nuôi, tuy nhiên cần xây dựng chuồng trại ở nơi thoáng mát, chăm sóc và dọn vệ sinh thường xuyên sẽ giúp sinh sản đều và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 1.500-2.000 con, doanh thu hàng tỷ đồng.

Hồng Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.