Dù lượng tiêu thụ đã tăng đáng kể từ năm 2000, kinh doanh cà phê tại Triều Tiên vẫn còn rất hạn chế do giá thành cao hơn nhiều thu nhập bình quân.

Choson Exchange - một tổ chức phi chính phủ tại Singapore chuyên đào tạo kinh tế cho người Triều Tiên vừa đăng tải một bài viết về cửa hàng cà phê Gold Cup Coffeeshop ở Bình Nhưỡng. Cửa hàng này được mở ra để thu hút khách du lịch. Giá mỗi cốc espresso ở đây là 3,5 USD, rẻ hơn so với nhiều nơi khác trong thành phố.

Bên trong cửa hàng cà phê Gold Cup Coffeeshop ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Choson Exchange

Dù vậy, đây cũng không phải là một tiệm cà phê đúng nghĩa, do nhu cầu ở Triều Tiên không đủ để duy trì kinh doanh. Gold Cup Coffeeshop thực chất là một phần của một nhà hàng, như phần lớn các quán cà phê khác tại Bình Nhưỡng. Thậm chí bản thân nhà hàng Gold Cup cũng thuộc một công ty lớn hơn.

Một báo cáo hồi tháng 3 của Hiệp hội Cà phê thế giới (ICO) và Liên hợp quốc cho thấy từ năm 2000, Triều Tiên nhập 3.000-30.000 bao cà phê mỗi năm. Báo cáo này cho biết lượng nhập khẩu dao động lớn qua các năm, nhưng trung bình vào khoảng 19.000 bao mỗi năm trong 13 năm qua. Với tốc độ này, ICO ước tính mỗi người dân Triều Tiên tiêu thụ 50gr cà phê (khoảng 7 cốc) mỗi năm.

Nhân viên Gold Cup Coffeeshop đang pha cà phê. Ảnh: Choson Exchange

Con số này tương đối cao so với thập niên 90, nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước khác trên thế giới. Các quán cà phê kiểu phương Tây, như Gold Cup Coffeeshop, đã bắt đầu xuất hiện tại Bình Nhưỡng, nhưng cà phê vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, do giá thành vượt xa thu nhập trung bình của người dân. Hệ quả là thị trường cho thức uống này rất hạn chế.

Hãng truyền thông Radio Free Asia (RFA) có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái cho biết giá trung bình mỗi cốc cà phê tại một cửa hàng gần khách sạn Bình Nhưỡng là 3 USD một cốc. Khi ấy, Starbucks cũng cho biết trên RFA rằng không có ý định mở chi nhánh tại Triều Tiên.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chỉ riêng thủ đô Seoul đã có tới 284 cửa hàng. Đây cũng là thành phố có nhiều cửa hàng Starbucks nhất thế giới.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.