Hoạt động của ACB vẫn bình thường. NHNN và các tổ chức tín dụng cam kết hỗ trợ vốn cho ACB.

Chiều 22-8, theo một nguồn có thẩm quyền, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định khởi tố ông Lý Xuân Hải (47 tuổi), tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tối 22-8, thông tin từ Petrotimes cho biết VKSND Tối cao đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Hải.

Theo thông tin của ACB, ông Hải hiện đang sinh sống ở TP.HCM. Ông có bằng Thạc sĩ kinh tế (ĐH Paris Dauphine - Pháp); Tiến sĩ Toán-Lý (ĐH Tổng hợp Quốc gia Belarus - Belarus). Năm 1996, ông Hải làm phó giám đốc ACB - Chi nhánh Hải Phòng. Năm 2005, ông giữ chức tổng giám đốc ACB.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB cũng đã giao cho ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc thường trực, điều hành ngân hàng thay ông Hải. ACB thừa nhận ông Hải đang trong quá trình “hợp tác điều tra” vụ án kinh doanh trái phép liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB).

Khách hàng đọc thông báo của Ngân hàng Nhà nước tại hội sở ACB TP.HCM. Ảnh: Kinh Luân

Bầu Kiên đã kinh doanh tài chính lòng vòng

Trước đó, Bộ Công an đã có thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam ông Kiên vì tội kinh doanh trái phép. Cơ quan điều tra cho biết hành vi phạm tội của ông Kiên chỉ liên quan đến ba công ty do ông Kiên làm chủ tịch HĐQT gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu.

Một nguồn tin cho biết mặc dù không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng ông Kiên vẫn lợi dụng ba công ty để thực hiện hoạt động này. Theo đó, ông Kiên đã chỉ đạo hoặc trực tiếp lập các phương án kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty lên để tạo ảnh hưởng và thanh thế ảo về mặt tài chính. Ông Kiên dùng ba công ty này để vay hàng trăm tỉ đồng của một số ngân hàng và vay hàng trăm tỉ đồng khác dưới hình thức phát hành và bán trái phiếu. Cạnh đó, ông Kiên cũng lợi dụng pháp nhân của ba công ty để mua cổ phiếu, sau đó lại thế chấp cho ngân hàng đó.

Ông Hải được cho là có liên quan đến những vi phạm trên của ông Kiên.

Thanh khoản của ACB vẫn đảm bảo

Sáng 22-8, sau khi ông Kiên bị bắt và ông Hải bị công an triệu tập làm việc, nhiều khách hàng đã đến ACB rút tiền.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB.

Tại các hội sở chính, nhân viên ngân hàng này đứng xếp hàng tại các cổng vào để phát cho từng khách hàng ý kiến của NHNN. Trong đó, đoạn: “NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và đảm bảo an toàn trên toàn hệ thống” được in đậm, tô màu.

Tại các hội sở, ACB chia làm hai khu vực, một bên tiếp khách hàng đến giao dịch bình thường, còn một bên giải quyết cho khách hàng đến rút tiền trước hạn. Nhân viên ngân hàng trực tiếp tư vấn cho từng khách hàng và đáp ứng tất cả nhu cầu rút tiền trước hạn của khách hàng.

Tại Hà Nội, các chi nhánh, phòng giao dịch ACB Hà Nội lượng khách hàng đến các điểm giao dịch khá đông, chủ yếu là thắc mắc và xác minh thông tin từ phía ngân hàng. Tại đây, nhân viên ngân hàng cũng gửi tờ rơi và tư vấn cụ thể mối liên quan của ông Nguyễn Đức Kiên với ACB.

Nhiều khách hàng sau khi được tư vấn đã không rút tiền và một số trường hợp rút tiền vì nhu cầu cho biết sẽ tiếp tục gửi tiền tại ACB.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, hai ngày qua lượng thanh khoản của ACB biến động không lớn. Hiện ACB đang dự phòng khoảng 15.000 tỉ đồng để giải ngân. Xe chở tiền của NHNN - Chi nhánh TP.HCM đã có mặt tại hội sở ACB để cấp tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch, bảo đảm thanh khoản. Khách hàng đến giao dịch đông hơn thường lệ nhưng không có hiện tượng người dân rút tiền hàng loạt.

“Chúng tôi đáp ứng đầy đủ và duy trì thanh khoản tốt trên toàn hệ thống” - ông Toại nói.

Theo Pháp luật TP HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.