Tinh thần khởi nghiệp từ quốc gia Isarel ghi đậm dấu ấn trong câu nói của Giáo sư Shlomo Maital.

Giáo sư Shlomo Maital tại buổi hội thảo.

Nhiều quốc gia, trong đó có các nước ở Đông Nam Á, đang cạnh tranh với Việt Nam về vị trí truyền thống của chuỗi giá trị như sản xuất chi phí thấp, giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động.

Tại buổi hội thảo “Nền kinh tế trên cơ sở sáng tạo và khởi nghiệp - Bài học từ Israel” được tổ chức ngày 11/11, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Giáo sư Shlomo Maital từ Israel đã đề xuất chiến lược đổi mới căn bản cho Việt Nam “vượt lên trong chuỗi giá trị”.

Vị giáo sư này tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể “vượt lên trong chuỗi giá trị” bằng cách cạnh tranh ở cả ba vị trí trên trong chuỗi giá trị, bao gồm cả việc theo định hướng sáng tạo trong công nghệ cao. “Israel từ một quốc gia nhỏ bé, nghèo, không có tài nguyên cũng đã vượt lên trong chuỗi giá trị và Việt Nam cũng có thể làm như vậy”, Gs. Shlomo Maital nói.

Việt Nam cần có chiến lược kinh doanh

Theo Gs. Shlomo Maital, mỗi quốc gia là một doanh nghiệp và như vậy, phải đặt câu là làm thế nào để tạo ra sự khác biệt. Muốn như vậy, phải tăng hiệu quả trong công việc tăng độ tinh tế trong kinh doanh.

“Việt Nam phải được coi như là một doanh nghiệp và cần làm ba việc: Tạo ra giá trị lớn cho khách hàng với chi phí thấp nhất và mang lại giá trị cho bản thân cũng như cổ đông”, Gs. Shlomo chia sẻ.

Vì thế giới này liên tục cạnh tranh cho nên yếu tố sáng tạo đóng vai trò quan trong. Và đó cũng là lý do vì sao theo Gs.Shlomo, Việt Nam phải có chiến lược kinh doanh.

“Việt Nam nên theo đuổi một chiến lược như Singapore. Khi Khối thị trường chung Đông Á (AEC) hình thành, các công ty Việt Nam có cơ hội kinh doanh tuyệt vời trong khu vực, nhưng cũng có thể mất vị thế ngay ở nước mình”, ông Shlomo cho biết, Isarel cũng có chiến lược kinh doanh riêng của mình, đó là khuyến khích thế hệ trẻ sáng tạo và áp dụng công nghệ mới.

Đừng cố gắng kiếm việc nhà nước!

“Tôi có một lời khuyên dành cho các bạn: Hãy mạnh dạn lên, hãy “nhảy cóc” đi. Đừng chờ đợi các nước khác họ làm, họ vươn lên rồi đến lượt mình”, Gs. Shlomo nhấn mạnh đặc biệt đến yếu tố đi sáng tạo trong quá trình phát triển.

Vị giáo sư đến từ Isarel cho rằng, đã đến lúc Việt Nam trở nên giàu có bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn được như vậy, Việt Nam cần “sáng tạo” để tạo ra những sản phẩm mà cả thế giới muốn mua.

Các bạn hoàn toàn làm được như vậy nhưng trước hết, tôi cho rằng nên tập trung vào yếu tố giáo dục, hãy xây dựng các trường đại học tuyệt vời. Hãy nói với thế hệ trẻ đừng cố gắng kiếm việc trong cơ quan nhà nước. Hãy ra ngoài và khởi nghiệp.

Với hơn 400 trường đại học, Việt Nam là đất nước của những học giả. Vậy hãy dùng trí tuệ của mình để tạo ra những sản phẩm tầm cỡ thế giới.

Laptop + balo + ý tưởng = Khởi nghiệp

Gs. Shlomo Maital cho rằng, khởi nghiệp vô cùng rủi ro, dễ thất bại. Nhưng ở Isarel, chúng tôi coi thất bại là một bài học, chúng tôi đón chào thất bại.

“Thủ tướng các bạn đang đàm phán hiệp định thương mại với nhiều nước và khu vực. Chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Và ý nghĩa của toàn cầu rất đơn giản: bạn có thể mua bất kỳ cái gì, ở đâu trên thế giới. Có một số nước hiểu được ý nghĩa toàn cầu và nắm bắt cơ hội”, Gs. Shlomo Maital nói.

Thế giới đang bị đe dọa và lo lắng bởi một loại virus ở châu Phi, còn Isarel thì lại vô cùng yêu mến một loại virus, đó là virus khởi nghiệp, Gs. Shlomo Maital minh họa khá hóm hỉnh khi nhắc tới tốc độ phát triển chóng mặt các công ty khởi nghiệp ở Isarel và tinh thần khởi nghiệp luôn hừng hực ở đất nước nhỏ bé và kỳ diệu này.

Gs. Shlomo Maital nói, các bạn đừng chỉ chấp nhận những nhà máy sản xuất giầy, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất, sáng chế điện thoại di động thiết kế thông minh.

Muốn đạt được như vậy, vai trò của những người trẻ có lửa trong người rất quan trọng. Những người trẻ, ở Isarel, họ chỉ cần một cái balo, một laptop và ý tưởng, ngồi quán cà phê hay công viên là họ có thể khởi nghiệp.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, Việt Nam Nam là quốc gia của doanh nghiệp nhỏ. Thường các doanh nghiệp nhỏ sẽ hay bị thiếu tầm nhìn, thiếu công nghệ và vốn. Chính phủ cần phải cho họ những đòn bẩy. Các bạn có thể tận dụng sự chăm chỉ, tính sáng tạo của họ. Họ là tài nguyên tuyệt vời cho Việt Nam phát triển, hãy giúp họ!

Mạnh Nguyễn (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.