Đã gần hết hè nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lờ đi chuyện tổ chức nghỉ mát thường niên cho nhân viên. Trong khi đó, người lao động vẫn thấp thỏm đoán già đoán non bàn tán chuyện có được đi du lịch hay không?

Hết tiền, nhịn "ăn chơi"

Hai năm gần đây, trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, anh Nguyễn Minh Hải (phụ trách công đoàn một công ty ở Mỹ Đình, Hà Nội) không dám đề xuất việc nghỉ mát cho nhân viên. Mọi năm, ngay từ đầu tháng 4, công ty anh Hải đã rục rịch lên kế hoạch tổ chức du lịch hè cho nhân viên, nhưng năm nay mọi thứ đều im ắng. Là người phụ trách chính về việc này, anh cũng không dám đề xuất gì, còn chờ ý kiến cấp trên.

Anh Hải cho hay: “Mấy năm trước, công ty toàn đi du lịch bằng máy bay vào Đà Nẵng hay Nha Trang vài ba ngày, nhưng giờ đi quanh Hà Nội cũng khó. Chuyến đi Cửa Lò năm ngoái công ty đã cố hết sức nhờ còn ít ngân sách”.

Khảo sát tại nhiều công ty cho thấy, do doanh thu thấp nên việc cho người lao động đi nghỉ mát cũng bị ảnh hưởng. Một số đơn vị kinh doanh khả quan hơn vẫn tổ chức được, nhưng mức độ “hoành tráng” không còn.

Chị Nguyễn Thị Thơm, kế toán một công ty kinh doanh xăng dầu ở Hà Nội, cho hay, năm nay công ty chị cắt luôn khoản đi du lịch. Bù vào, mỗi nhân viên được chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản để tự túc du lịch. “Kinh tế khó khăn, bảo đi chơi không mấy ai vui, cứ chuyển thành tiền cho nhân viên chính ra lại hay. Dù sao cũng có thêm một khoản để cho con đóng học đầu năm”, chị Thơm nói.

Đi du lịch để gắn kết tinh thần nhân viên nhưng nhiều công ty năm nay không còn kinh phí tổ chức (ảnh minh họa)

Còn công ty của chị Nguyễn Thu Trang ở Hà Đông lại chuyển nghỉ mát cho nhân viên bằng ngày nghỉ. Theo đó, các phòng ban thay nhau nghỉ, mỗi người được nghỉ 1 tuần để tục túc đi du lịch hoặc ở nhà nhưng vẫn được hưởng đầy đủ lương.

Tại trường mầm non tư thục ở Định Công, Hà Nội, ban giám hiệu nhà trường giữ lại tiền du lịch cho giáo viên năm nay để năm sau nữa mới tổ chức. “Mỗi nhân viên được 1 triệu đồng nghỉ mát, tổ chức thì không đủ kinh phí, thôi thì góp để hai ba năm đi một lần cho thoải mái. Vừa nhiều kinh phí mà có thể cho thêm người nhà đi cùng”, chị Hạnh, giáo viên của trường, chia sẻ.

Không chỉ vì hoạt động kinh doanh khó khăn mà việc cắt giảm nhân sự cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch du lịch, nhất là ở các công ty tư nhân. Chị Hương Lan (phó giám đốc một công ty truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, hiện công ty chị chỉ còn 4 nhân viên nên không thể tổ chức đi nghỉ mát như các năm trước. Mỗi nhân viên được thưởng 1 triệu đồng. “Công ty tổ chức đi du lịch có 4 người thì không tiện, mà khó có thể ưu đãi cho người nhà đi kèm. Công ty chỉ đủ kinh phí cho nhân viên”, chị Hương kể.

Để cắt giảm và tiết kiệm chi phí, nhiều công ty “nói không” với việc nghỉ mát hoặc chuyển kỳ nghỉ mát sang các mùa thấp điểm du lịch. Trong khi đó, không ít nơi vẫn chưa có thông báo chính thức việc có hay không kỳ nghỉ mát hè. Chị Thuỳ Ngân, nhân viên kinh doanh ở Cầu Giấy, cho hay: “Giờ này vẫn chưa biết có được đi nghỉ mát không, anh chị em công ty bàn tán xôn xao nhưng chưa có thông tin chính thức nào từ ban giám đốc. Chắc phải chờ sau nghỉ lễ.”

Doanh nghiệp du lịch đói khách

Thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay đã tác động nhất định đến ngành du lịch. Các công ty lữ hành cũng bị buộc vào thế bí do người dân “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu... buộc họ phải chạy đua giảm giá tour kéo khách.

Mặc dù đã có những khuyến mãi khá hấp dẫn về giá cả và các dịch vụ đi kèm, song đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, số lượng du khách năm nay giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Chị Hoàng Thu Hiền, nhân viên kinh doanh của một công ty du lịch ở Ba Đình, Hà Nội, cho hay: “Năm nay mời khách tổ chức tour nghỉ mát ế ẩm, mời mãi cũng chỉ được vài ba công ty. Vừa rồi, mình đã chốt được một công ty ở dưới Hà Đông với gần 20 khách đi Quảng Ninh, thế mà phút chót cũng bị huỷ”.

Theo chị Hiền, các năm trước, dịp hè chị mời được hàng chục tour du lịch cho các cơ quan nhưng năm nay khác hẳn. Hết 2/9 cũng là thời điểm hết thúc du lịch hè, nhưng các tour du lịch cho các doanh nghiệp vẫn èo uột. Lác đác vài công ty lớn tổ chức nhưng kinh phí đều cắt giảm. “Nhiều công ty đưa ra mức kinh phí quá thấp, nếu tổ chức đơn vị lữ hành không có lãi, và chất lượng tour cũng bị ảnh hưởng”, chị Hiền nói.

Các công ty du lịch cũng cho biết, sở dĩ có tình trạng ế ẩm trên là do giá cả các dịch vụ đi kèm như ăn uống, nhà hàng khách sạn không giảm. Một lý do khác, nhiều công ty tự thiết kế những tour giá rẻ cho mình bằng việc book vé máy bay, vé tàu giá rẻ, book phòng khách sạn.

Theo nhận định của các doanh nghiệp du lịch, từ nay đến cuối năm, hoạt động kinh doanh du lịch vẫn còn khó khăn do kinh tế trong nước và thế giới chưa hoàn toàn phục hồi.

Duy Anh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.