Cập nhật 13/10/2021 8:09 PM
Thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế nào. Bất động sản cũng là một công cụ đầu tư quan trọng cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Giá trị của bất động sản thường tăng dần theo thời gian. Bất động sản cho thuê cũng mang lại lợi nhuận cao mỗi năm vì giá tăng lên mỗi năm. Đây có lẽ là một trong những lý do mà ngay cả những nhà môi giới nhàn nhã cũng có thể thành công trong lĩnh vực này.

Đợt bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành bất động sản toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng suy giảm trong năm 2020. Tình trạng giãn cách và những lo ngại về sức khỏe khiến ít người bán quan tâm đến việc bán tài sản hơn và thậm chí cũng ít người mua muốn tìm nhà mới.

Dù vậy, theo dữ liệu từ Grand View Research, thị trường bất động sản quốc tế dự kiến ​​sẽ tạo ra lợi nhuận 4.263,7 tỷ USD trong 4 năm tới, cho đến năm 2025. Có nghĩa là, các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng giàu có theo thời gian. Và dĩ nhiên, danh sách những người giàu nhất thế giới không thể vắng bóng những doanh nhân đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Tại Việt Nam, những tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay phần lớn cũng là những doanh nhân đã và đang phát triển các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu thị trường.

Rất nhiều người mơ ước trở thành tỷ phú. Dù vậy, có rất ít người thực sự biến điều đó trở thành hiện thực.

Nếu để tìm ra đặc điểm chung của các tỷ phú nói chung và các tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản nói riêng, có lẽ đó là họ đều biết cách ước mơ lớn và có triết lý kinh doanh riêng được xem như là bí quyết thành công. Ví dụ: trong khi nhà đầu tư bất động sản trung bình có thể có mục tiêu quản lý một danh mục bất động sản thì các tỷ phú hầu hết đều tập trung vào việc xây dựng đế chế bất động sản của riêng mình.

Cafeland.vn xin điểm lại những triết lý kinh doanh đặc biệt để hiểu hơn về bí quyết thành công của những ông chủ bất động sản giàu có nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ông Phạm Nhật Vượng

  • Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)
  • Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM)
  • Cổ phiếu nắm giữ: VIC
  • Tài sản trên sàn chứng khoán: 192.523 tỷ đồng (tính đến ngày 13.10.2021)

Từ một cử nhân ngành kinh tế địa chất, ông Phạm Nhật Vương (sinh năm 1968) khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đã trở thành ông chủ của một loạt các dự án bất động sản hạng sang trải dài khắp Việt Nam. Ông Vượng hiện là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và xếp thứ 308 người giàu nhất thế giới.

Ông Vượng hiện là Chủ tịch của Tập đoàn Vingroup, công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vingroup là tập đoàn kinh tế đa ngành, có lợi ích trải dài trên các lĩnh vực như phát triển bất động sản, bán lẻ, sản xuất ô tô và chăm sóc sức khỏe...

Phần lớn tài sản của ông Vượng có được từ 61% cổ phần của ông tại Vingroup. Theo báo cáo thường niên năm 2020, Vingroup đạt doanh thu 110 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) vào năm 2020. Tài sản của ông Vượng ngày càng tăng mạnh trong bối cảnh cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup liên tục tăng giá.

Từ hai dự án đầu tiên mang tính biểu tượng là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu, Vingroup đã lớn mạnh với tốc độ nhanh chóng trong suốt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng mang thương hiệu Vinhomes, Vinpearl của tập đoàn này đã ra đời và thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị cũng như khu du lịch tại Việt Nam.

Sự thành công nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản của Vingroup tạo đà giúp doanh nghiệp này mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác trong hệ sinh thái khép kín mang họ "Vin" gồm: Trung tâm thương mại Vincom, Bệnh viện VinMec, trường học VinSchool-VinUni, siêu thị Vinmart (hiện đã bán cho Masan), điện thoại Vsmart, ô tô VinFast...

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, Tập đoàn Vingroup bao gồm Vinhomes và các công ty con đã lập kỉ lục với 54.100 căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại được bàn giao, tính cả số căn bán lẻ và tương đương bán lẻ trong các giao dịch bán lô lớn.

Trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông, ông Phạm Nhật Vượng từng nói, “Mục tiêu của tôi là làm đẹp cho đời” khi chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình. “Cứ cái gì tốt cho xã hội, tốt cho nhiều người và chúng tôi thấy mình có đủ năng lực thì chúng tôi sẽ làm”, ông Vượng nói.

Nói về vấn đề vốn trong kinh doanh, ông Vượng từng chia sẻ: “Vốn thì phải đi vay thôi. Làm kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro và phải đi vay vốn. Thời đầu tiên thì vay anh em, bạn bè, thậm chí vay với lãi suất cao. Nhưng bây giờ thì đã thuận lợi hơn. Vingroup có thể huy động vốn cả trong và ngoài nước. Thậm chí nhiều hợp đồng vay vốn của các ngân hàng quốc tế lớn chúng tôi được vay tín chấp (không cần tài sản đảm bảo)”.

Khi được hỏi về vấn đề: Làm thế nào để Vingroup vừa phát triển nhanh vừa đảm bảo chất lượng tốt như vậy. Ông Vượng cho rằng “nhanh” và “chất lượng” không quá liên quan đến nhau và nhấn mạnh rằng, cái gốc nằm ở tổ chức, kiểm soát như thế nào!

Ông dẫn chứng, năm 1931, cách đây gần 1 thế kỷ, Mỹ đã có thể xây toà nhà hơn 100 tầng trong vòng hơn 450 ngày. Mà hiện nay Vingroup xây dựng một tổ hợp khách sạn ở Nha Trang khoảng gần 1000 phòng, xây dựng trong 7 tháng và đảm bảo tốt chất lượng tiêu chuẩn phòng 5 sao.

Quan điểm Phạm Nhật Vượng là hiện Vingroup chưa phải là “nhanh”, và để “nhanh” mà “chất” thì vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức, kiểm soát, giải quyết các nút thắt, vướng mắc như thế nào để nó vẫn chạy tốt, đảm bảo thời gian đi đôi với chất lượng.

Khi nói về việc chi tiêu cho những thứ xa xỉ như máy bay riêng, ông Vượng chia sẻ quan điểm: “Người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì... Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó... Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được”.

Ông Bùi Thành Nhơn

  • Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Novaland (Novaland)
  • Cổ phiếu nắm giữ: NVL
  • Tài sản trên sàn chứng khoán: 33.162 tỷ đồng (tính đến ngày 13.10.2021)

Từng là người bán thuốc thú y, ông Bùi Thành Nhơn (sinh năm 1958) đã xây dựng Tập đoàn Novaland của mình trở thành một trong những công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn thứ hai chỉ sau Vingroup.

Tổng doanh thu của Novaland trong năm 2020 khoảng 8.600 tỷ đồng – lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.884 tỷ đồng. Năm 2021, Novaland đặt mục tiêu doanh thu đạt 27.500 tỷ đồng, cao hơn 3,5 lần thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 5%, lên mức 4.100 tỷ đồng.

Tháng 6.2021, cổ phiếu của Tập đoàn Novaland (NVL) chứng kiến quá trình tăng giá liên tiếp đưa Chủ tịch Bùi Thành Nhơn lọt top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Với tỷ lệ sở hữu cổ phần đa số tại Novaland, ông Bùi Thành Nhơn đã tích lũy được khối tài sản 33.162 tỷ đồng (tính đến ngày 13.10.2021), đứng thứ 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Năm 2008, Novaland chào sân thị trường bất động sản TP.HCM bằng Dự án khu dân cư phức hợp Sunrise City, Quận 7, quy mô 1.800 căn hộ. Dự án này được xây dựng trên khu đất 5,1ha với tổng mức đầu tư lên tới 500 triệu USD.

Không thể phủ nhận nhận rằng, M&A là một trong những chiến lược kinh doanh quan trọng giúp Novaland “lớn nhanh như thổi” trong những năm gần đây. Nhờ có quỹ đất dồi dào ở các tỉnh vệ tinh TP. HCM cũng như các tỉnh ven biển, thông qua quá trình M&A liên tục, Novaland quyết định dồn nguồn lực đến khai phá những vùng đất mới này.

Bắt đầu từ dự án đầu tay Sunrise City ở quận 7, triển khai năm 2008, tính đến nay, thông qua con đường M&A, doanh nghiệp này đã sở hữu hàng chục dự án tại khắp các quận, huyện của TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có những dự án có quy mô lên đến hàng ngàn ha.

Năm 2021, Novaland cho biết sẽ tập trung vào bất động sản trung – cao cấp với quỹ đất khoảng 5.400 ha, gồm bất động sản đô thị trung tâm TP.HCM và vệ tinh, bất động sản du lịch và bất động sản công nghiệp. Tổng giá trị phát triển quỹ đất đạt 45 tỷ USD.

Theo ông Bùi Thành Nhơn, giá trị cốt lõi của Novaland có điểm tương đồng với các nguyên tắc của đất nước Singapore. Đất nước Singapore được cố Thủ tướng Lý Quang Diệu gầy dựng thành công vượt trội dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, đó là Trọng dụng nhân tài, Thực dụng và Trung thực. Gần với 3 nguyên tắc đó, về Trung thực, Novaland có Chính trực; về Thực dụng – Novaland có Hiệu quả; về Trọng dụng nhân tài – Novaland có những con người Chuyên nghiệp.

“Tuy sự so sánh giữa một Tập đoàn và một quốc gia dù chưa chuẩn về mặt tầm vóc nhưng nó mang lại cho chúng ta sự tự tin rằng chúng ta đã định hướng đúng. Lịch sử đã chứng minh sự thành công của Singapore và Novaland cũng sẽ đạt được hoài bão của mình”, ông Nhơn viết trong bộ quy tắc ứng xử.

Ông Nguyễn Văn Đạt

  • Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR)
  • Cổ phiếu nắm giữ: PDR
  • Tài sản trên sàn chứng khoán: 25.899 tỷ đồng (tính đến ngày 13.10.2021

Ông chủ Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt – Nguyễn Văn Đạt sinh ra ở Quảng Ngãi, không học đại học, vốn xuất phát điểm kinh doanh kim khí, ô tô nhưng hiện vị doanh nhân sinh năm 1970 này lại đang gắn bó với bất động sản.

Là một trong những cổ đông sáng lập, ông Đạt định hướng Phát Đạt phát triển chủ lực là các dự án bất động sản cao cấp, khách sạn, resort…

Nhờ việc sở hữu quỹ đất lớn trải đều ở TP.HCM và nhiều địa phương lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An hay Bình Định, 2020 vẫn là một năm tích cực đối với Phát Đạt bất chấp đại dịch Covid-19 với mức doanh thu thuần 3.909 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước), lợi nhuận gộp đạt 1.820 tỷ đồng (tăng 38,1% so với năm trước).

Ông Đạt từng chia sẻ khi quyết định chuyển sang kinh doanh bất động sản: “Tôi là doanh nhân nên phải biết nhìn nhận lĩnh vực nào kinh doanh hiệu quả thì “nhảy” vào thôi. Thực ra thì trong quá trình kinh doanh lĩnh vực ô tô, tình cờ có người bạn giới thiệu và bảo thử tham gia đấu giá một khu đất tại đường 3/2 (quận 10). Sau khi đấu giá thành công và đầu tư dự án The EverRich 1 khá thành công, tôi đã dấn thân vào làm bất động sản từ đó và say mê đầu tư lúc nào không hay biết”.

Theo ông Đạt khi đã kinh doanh thì cái nào hiệu quả cao, mang lại đồng tiền ổn định thì phải tận dụng khai thác tối đa. “Trong quá trình làm ăn tôi luôn ý thức được rằng, cái gì cũng vậy phải hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, chứ không cần ai chỉ bảo hoặc bậc cao nhân nào bắt phải làm. Cứ đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu khi đầu tư một dự án nào đấy”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng cho biết, đối với tôi thì không có bất kỳ một triết lý kinh doanh nào, nhưng luôn mang trong mình kim chỉ nam cho mọi hoạt động là “phải biết tạo ra dòng tiền”. Bên cạnh đó phải có chiến lược tạo ra những nguồn thu ổn định để doanh nghiệp có thể sống được trong những giai đoạn khó khăn nhắt.

Người sáng lập Phát Đạt cũng cho biết, công ty từng trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn khi Dự án The EverRich 2 (River City) tưởng chừng đưa công ty đến phá sản, nên ông đã thấm thía được thế nào là đầu tư theo kiểu hàng ngang. “Đây là lúc không thể làm ăn theo kiểu đấy được mà phải tập trung đầu tư theo chiều sâu, không dàn trải, thì mới tạo được thị trường của mình”, ông chủ Phát Đạt nhấn mạnh.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….