Cập nhật 04/09/2017 8:52 AM
Tăng trưởng năng suất lao động (NSLĐ) là nhân tố quyết định đối với tăng trưởng kinh tế bền vững của một quốc gia. Thách thức lớn trong việc nâng cao NSLĐ ở Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng và có mức tăng khá. Giai đoạn 1996 - 2016, NSLĐ ngành công nghiệp gấp khoảng 4 - 7 lần NSLĐ ngành nông nghiệp, NSLĐ ngành dịch vụ gấp khoảng 3 - 5 lần NSLĐ ngành nông nghiệp. Nếu năm 2000 NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 Singapore, nước có mức NSLĐ cao nhất châu Á, thì năm 2014 đã tăng lên mức 1/14. Đây là tín hiệu tương đối tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách giữa NSLĐ của Việt Nam và Singapore, nền kinh tế dẫn đầu khu vực, ngày một xa hơn trong quá trình cố gắng "bắt kịp".

Thách thức lớn trong việc nâng cao NSLĐ ở Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và nếu so với các nước trong khu vực thì khoảng cách còn khá lớn. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 trong bảng xếp hạng các quốc gia châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,76 điểm, Malaysia 5,59 điểm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì giáo dục và đào tạo giữ vai trò quyết định. Nhưng một khi ngành giáo dục và đào tạo còn chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước thì NSLĐ thấp vẫn sẽ là lực cản lớn đối với sự phát triển.

Kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công ở châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, tăng NSLĐ của nội bộ các ngành mới là nguồn chính của tăng trưởng NSLĐ tổng thể nền kinh tế. Giai đoạn 1990 - 2005, tăng NSLĐ nội bộ các ngành đóng góp trung bình 88%, chuyển dịch cơ cấu đóng góp 12% cho tăng trưởng NSLĐ ở Malaysia. Các tỷ lệ này lần lượt là 85% và 15% ở Philippines. Việt Nam và Thái Lan là hai trong số ít quốc gia mà những cải thiện về NSLĐ được hưởng lợi đáng kể từ chuyển dịch cơ cấu.

Ở hai nước này, khoảng cách lớn về NSLĐ giữa các ngành đã hướng luồng lao động dịch chuyển đến các hoạt động có năng suất cao hơn và do đó nâng cao NSLĐ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong xu hướng tăng NSLĐ chung của khu vực châu Á, khi tăng năng suất của các ngành có ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối tốc độ tăng NSLĐ chung của toàn khu vực, thì tốc độ tăng năng suất chậm chạp và thiếu bền vững của các ngành kinh tế ở Việt Nam làm nảy sinh nhiều lo ngại. Những thách thức về năng suất cùng với sự phát triển chậm chạp của lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật có thể làm mờ nhạt hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí đe dọa sự tăng trưởng liên tục của Việt Nam.

Theo đánh giá của WB và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam đang đứng ở ngã ba, nơi phía trước có hai con đường. Trong đó, một con đường hướng tới tốc độ tăng trưởng cao liên tục, tương ứng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng 7 - 8%/năm trong hai thập kỷ vừa qua, dẫn đến một nền kinh tế công nghiệp hiện đại trong tương lai. Con đường kia là tăng trưởng chậm và kéo dài do các rào cản về cơ cấu cùng với sự chậm trễ trong việc đem đến những lợi ích thực sự của tăng trưởng cho các thế hệ tương lai. Đặc trưng quyết định con đường tăng trưởng thứ nhất của Việt Nam chính là tăng trưởng về NSLĐ và thách thức đặt ra là NSLĐ phải liên tục tăng với tốc độ 6,3 - 7,3%, tức là tăng khoảng 1,4 lần so với hiện nay, tốc độ tăng NSLĐ năm 2016 là 5,31%. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ, NSLĐ của Việt Nam đã từng tăng với tốc độ 6,96% năm 1996.

Giải bài toán năng suất, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực của các ngành, đặc biệt là các ngành công nghiệp và dịch vụ. Mức NSLĐ bình quân của nền kinh tế vẫn thấp, giai đoạn 1996 - 2016 chỉ cao hơn năng suất của ngành nông nghiệp và kém hơn hẳn so với năng suất của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Thực tế này làm nảy sinh những lo ngại đối với quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam do tốc độ tăng NSLĐ chậm, thậm chí còn có biểu hiện tăng trưởng âm, của khu vực công nghiệp. Nhiều khả năng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển chậm của lao động ra khỏi nông nghiệp. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của ngành dịch vụ đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, tính từ năm 2011. Việt Nam không thể tiếp tục nâng cao đóng góp của NSLĐ cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ vào dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ như trước đây, mà phải dựa vào sự gia tăng NSLĐ mạnh mẽ của các ngành kinh tế.

Các hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra sự thay đổi hoàn toàn mới, các nước trong khu vực sẽ phải cạnh tranh dựa trên NSLĐ, không phải dựa vào chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, NSLĐ của Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, nên cần đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam nắm bắt được những cơ hội do hội nhập đem lại?

PGS-TS. Vũ Hoàng Ngân - Đại học Kinh tế Quốc dân
Hải Vân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….