Trong giới kinh doanh, có 6 doanh nhân khiến giới hâm mộ bóng đá quan tâm khi bước chân vào làng thể thao trong vai trò "ông bầu". Những tên tuổi này gồm Nguyễn Vĩnh Thọ (bầu Thọ), Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) và Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), người vừa dính vào vòng lao lý vì những vấn đề trong kinh doanh.
Trong đó, gia tài của bầu Đức trên sàn chứng khoán đạt giá trị cao nhất với 5.512 tỷ đồng, tính theo giá thị trường ngày 5/10. Với bầu Kiên, nếu tính số cổ phiếu sở hữu cá nhân trước ngày bị bắt theo giá đóng cửa hôm qua, tài sản của ông cao thứ 2 với 555,5 tỷ đồng. Bầu Thụy đứng thứ ba, khi sở hữu số cổ phần trị giá 255 tỷ đồng. Bầu Hiển đang sở hữu số cổ phiếu trị giá 155 tỷ đồng trong khi bầu Thọ có lượng tài sản thấp nhất danh sách, đạt 20,2 tỷ đồng, thị giá ngày 5/10.
Thống kê tài sản cá nhân này chưa đầy đủ, vì chỉ biết được phần niêm yết trên sàn chứng khoán của các ông bầu, chứ chưa bao gồm những tài sản khác. Trường hợp bầu Thắng, do công ty ông làm Chủ tịch vẫn chưa lên sàn, nên chưa thể xếp vị trí của ông trong bảng tổng sắp.
So sánh tài sản cổ phiếu của 5 ông bầu, tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 5/10. Đơn vị tính: Tỷ đồng. |
Hầu hết các ông bầu đều quản lý hoặc từng quản lý 2 đội bóng, riêng bầu Hiển tài trợ hẳn 3 đội, bao gồm SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T và Hà Nội Trẻ T&T. Bầu Đức cũng đang chăm chút cho 2 "đứa con" là Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai và Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Attapeu tại Lào.
Trước khi bị bắt, bầu Kiên quản lý 2 đội bóng bao gồm Câu lạc bộ bóng đá trẻ Hà Nội và Câu lạc bộ Hà Nội. Còn lại bầu Thắng đang "nuôi" Câu lạc bộ Đồng Tâm Long An, bầu Thụy quản lý đội Sài Gòn Xuân Thành và bầu Thọ đầu tư cho Navibank Sài Gòn.
Tuy nhiên, đầu tháng 10, bầu Hiển tuyên bố mình không phải là "ông bầu" của bất cứ đội bóng nào mà chỉ bỏ vốn tài trợ, sau đó ông đã thoái sạch vốn khỏi các câu lạc bộ này. Tiếp theo động thái trên, bầu Thọ cũng tuyên bố từ bỏ Navibank Sài Gòn với lý do tình hình tài chính khó khăn, không còn đủ tiềm lực để nuôi đội bóng trong thời gian tới.
Theo thông tin công bố trên sàn chứng khoán, bầu Thọ hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, mã: NVB), kiêm Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (mã: SGT). Trong đó, ông nắm 2,6 triệu cổ phiếu NVB (chiếm 0,86% vốn điều lệ, trị giá 19,5 tỷ đồng), đồng thời sở hữu gần 165.000 cổ phiếu SGT (tương đương 0,22% vốn điều lệ, trị giá 676,5 triệu đồng).
Báo cáo bán niên hợp nhất soát xét năm 2012 cho thấy, Navibank giảm lãi 5%, hạ từ 96 tỷ đồng xuống còn 91,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Viễn thông Sài Gòn phải chịu khoản lỗ ròng 28,5 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, lớn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Cùng kỳ năm ngoái, Viễn thông Sài Gòn còn lỗ 46,3 tỷ đồng.
Tương tự như bầu Thọ, bầu Hiển cũng đang sở hữu cổ phiếu một loạt các đơn vị kinh doanh kém lời so với mọi năm, nơi ông hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, bao gồm Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (mã: SHB), Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã: SHS), Công ty Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB và Tập đoàn T&T.
Trong đó, SHB giảm lãi 31% qua 6 tháng đầu năm, SHS lỗ 382,2 tỷ đồng, còn Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (mã: NTB), nơi bầu Hiển sở hữu cổ phần, tiếp tục lỗ ròng tới 736 triệu đồng.
Về danh mục tài sản, cá nhân bầu Hiển nắm 25,42 cổ phiếu SHB (tỷ trọng 4,34% vốn điều lệ doanh nghiệp, trị giá trên 155 tỷ đồng). Thông qua Tập đoàn T&T, ông còn sở hữu thêm 40,1 triệu cổ phiếu SHB (trị giá gần 245 tỷ đồng), 12,33 triệu cổ phiếu SHS (tương đương 58 tỷ đồng) và 4,42 triệu cổ phiếu NTB (trị giá 16 tỷ đồng).
Bầu Hiển đã rút hết vốn khỏi bóng đá. |
4 ông bầu còn lại, dù vẫn tiếp tục quản lý các đội bóng, nhưng tình hình kinh doanh tại các đơn vị của những ông bầu này cũng gặp nhiều khó khăn tương tự.
Bầu Thắng đang đảm nhiệm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gạch Đồng Tâm (mã: DTG), Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An đồng thời sở hữu hơn 27 triệu cổ phiếu DTG, chiếm 40,04% vốn điều lệ. Năm 2011, doanh nghiệp của ông lỗ 190,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 3,4 lần so với năm 2010. Đồng thời, nợ ngắn hạn công ty lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 489 tỷ đồng.
Cùng chung khó khăn trên, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức giảm lãi trong 6 tháng đầu năm 2012 tới 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước (từ 681 tỷ đồng xuống 154 tỷ đồng). Hiện bầu Đức nắm gần 260 triệu cổ phiếu HAG (tỷ trọng trên 48% vốn điều lệ) với trị giá khoảng 5.512 tỷ đồng.
Đạt kết quả kinh doanh khả quan nhất trong số những doanh nhân làm bóng đá là bầu Thụy. Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành (VIX) do ông nắm trên 80% vốn (tương đương gần 25 triệu cổ phiếu, giá trị 255 tỷ đồng) đã thu lãi trong nửa đầu năm 2012 tới 19,6 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bầu Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thành, đơn vị hiện có 13 công ty thành viên thuộc các lĩnh vực xây dựng và đầu tư tài chính.
Không chỉ gặp khó khăn về tình hình kinh doanh, cuối tháng 8 vừa qua, dư luận lại xôn xao trước tin bầu Kiên bị bắt. Tương lai của 2 đội bóng do ông từng quản lý trở nên khó đoán định. Bầu Kiên từng tham gia ban lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) và đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của 3 công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B.
Tổng vốn điều lệ 3 doanh nghiệp trên đạt 2.300 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng ACB góp vốn 30 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Hà Nội ACB. Hiện chưa có kết luận chính thức phía cơ quan điều tra về các hoạt động kinh doanh của bầu Kiên. Tuy nhiên, trước đó, bầu Kiên từng được cho là nắm 3,75% cổ phần ACB, tương đương 35,1 triệu đơn vị, trị giá 555,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, liên tục trong thời gian qua, một số các doanh nghiệp trên còn bị những tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới đánh tụt hạng. Cụ thể, Ngân hàng SHB bị Moody's giảm từ E+ xuống E trong khi Hoàng Anh Gia Lai cũng bị hạ xuống B- đi kèm triển vọng tiêu cực.
-
Barcelona trên đường trở thành CLB bóng đá 1 tỷ USD đầu tiên thế giới
15/01/2020 1:17 PMTheo thống kê từ Deloitte, CLB Barcelona tạo ra doanh thu kỷ lục 959,3 triệu USD từ 2018 đến 2019 để lần đầu tiên đứng số 1 toàn cầu trong bảng xếp hạng doanh số các CLB bóng đá.
-
Bầu Đức đã bán bao nhiêu mảng kinh doanh để giữ lại bóng đá?
11/12/2019 4:53 PMBầu Đức đã bán nhiều công ty con tại các mảng quan trọng như mía đường, bất động sản, thủy điện… để trả nợ nhưng vẫn giữ lại bóng đá dù đang thua lỗ.
-
Các ông chủ CLB bóng đá Anh kiếm tiền tỷ USD như thế nào
14/05/2019 8:00 PMVới việc Manchester City lần thứ hai liên tiếp giành chức vô địch, giải Ngoại hạng Anh thực sự trở thành sân chơi riêng của các tỷ phú USD đến từ khắp thế giới.
-
Vichai Srivaddhanaprabha - tỷ phú Thái viết nên 'cổ tích' bóng đá Anh
29/10/2018 8:19 AMÔng Srivaddhanaprabha là doanh nhân ngoại quốc được fan Leicester yêu mến vì giúp đội bóng của họ trả hết nợ và đoạt cúp ngoại hạng Anh.
-
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lọt top doanh nhân bóng đá giàu nhất Châu Á
28/09/2018 1:25 PMTỷ phú Vượng có tên trong top doanh nhân bóng đá giàu nhất Châu Á của trang Goal, sánh ngang ông chủ Manchester City.
-
5 kiểu nhân viên văn phòng những ngày tinh thần bóng đá sôi sục
29/08/2018 5:15 PMGiờ đây, deadline công việc hay bạn có bị sếp dí đi chăng nữa cũng không còn quan trọng trước cơn bão của những trận cầu hấp dẫn đã đổ bộ.