Giá cà phê thế giới sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua và đó là cơ hội để Việt Nam và Brazil khẳng định vị trí thống trị thị trường toàn cầu.

Theo Reuters, thị trường cà phê toàn cầu có nhiều thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ. Ví dụ, máy hái cà phê tự động là một trong những sáng kiến giúp cắt giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống và thủ công.

Và trong những tháng gần đây, giá cà phê toàn cầu sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 qua, khiến thị trường rúng động. Giới chuyên gia khẳng định trong hoàn cảnh đó, chỉ các nhà sản xuất cà phê hoạt động hiệu quả nhất mới có thể trụ vững và phát triển.

Các nhà sản xuất cà phê ở Việt Nam và Brazil vẫn kiếm lời dù giá cà phê giảm. Ảnh: Reuters.

Với chiến lược sử dụng nhiều loại máy móc và công nghệ mới, Việt Nam và Brazil - hai nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới - đạt mức tăng trưởng về năng suất vượt xa các đối thủ như Colombia, Trung Mỹ và châu Phi. Reuters nhận địnhBrazil và Việt Nam đã tạo được vị thế vững chãi khó có thể thay thế.

Điểm yếu của Colombia và Trung Mỹ

"Ngành công nghiệp cà phê ở Việt Nam và Brazil tăng trưởng ổn định nhờ vào những tiến bộ trong cơ giới hóa, kỹ thuật nhân giống cây trồng có chọn lọc và công nghệ tưới tiêu. Nhưng các quốc gia khác thì không", Reuters dẫn lời ông Jeffrey Sachs, Giám đốc Trung tâm Pháp triển Bền vững tại Đại học Colombia.

Tại Colombia và Trung Mỹ, cà phê thường được trồng trên sườn đồi, gây khó khăn trong việc sử dụng máy móc và khiến chi phí sản xuất tăng cao. Tại khu vực châu Phi, các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ không đủ vốn cần thiết để áp dụng kỹ thuật mới.

Rinco, một nông dân trồng cà phê tại Brazil, mua một chiếc máy hái giá 155.600 USD và thanh toán cho nhà cung cấp bằng 400 túi cà phê/năm trong vòng 4 năm. Đây là hình thức trao đổi khá phổ biến tại Brazil.

Một chiếc máy hái có thể thay thế hàng chục công nhân. Tính cả chi phí mua máy và nhiên liệu, tổng chi phí thu hoạch giảm 40-60% so với phương pháp truyền thống.

Sản xuất cà phê của Việt Nam chiếm khoảng 17% tổng sản xuất toàn cầu năm 2018. Ảnh: Reuters.

"Ngoài chi phí thấp, máy hái giúp tôi nhàn hạ hơn. Tôi không còn phải tìm thuê công nhân phù hợp để thu hoạch cho trang trại của mình nữa", Reuters dẫn lời ông Rinco.

"Người dân cũng không còn muốn thu hoạch cà phê nữa, họ rời lên thị trấn để tìm việc làm", Rinco nói thêm.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê của Brazil và Việt Nam hiện chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới, tăng mạnh so với mức 33,3% của 20 năm trước và sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Chỉ riêng Brazil đã chiếm hơn 1/3 nguồn cung toàn cầu. Sản lượng cà phê sản xuất tại Brazil đạt kỷ lục lên đến 62 triệu bao vào năm ngoái và sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục vào năm 2020.

Việt Nam cũng thường xuyên đạt kỷ lục về sản lượng cà phê. Ở chiều ngược lại, lần gần nhất đạt vị trí đứng đầu của Colombia là đầu thập niên 90, còn của Guatemala là gần 20 năm trước.

Bùng nổ ở Brazil

Theo dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê trung bình ở Brazil tăng hơn 40% trong 10 năm qua lên đến 1,5 tấn/hecta. Việt Nam cũng đạt mức tăng 18% lên khoảng 2,5 tấn/hecta.

Sản lượng cà phê tại Colombia cũng tăng 12% nhưng con số trung bình vẫn dưới 1 tấn/hecta. Trong khi đó, ở Trung Mỹ, sản lượng giảm khoảng 3% xuống còn 0,6 tấn/hecta.

Doanh nhân người Brazil Alexandre Gobbi và hai đối tác khác tham gia trồng cà phê từ 4 năm trước. Họ mua một trang trại ở Sao Sebastião do Paraíso và tìm kiếm công nghệ tiên tiến.

Máy móc và công nghệ tân tiến hỗ trợ các nhà sản xuất cà phê tại Brazil. Ảnh: Reuters.

Trang trại của ông hiện được trang bị một hệ thống tưới nhỏ giọt ngầm với trí tuệ nhân tạo, được đánh giá là tân tiến nhất thế giới. "Hệ thống tưới này có thể làm mọi thứ, từ đọc độ ẩm, thông báo khi cần tưới thêm nước, thêm phân bón", Alexandre tiết lộ.

Sử dụng hệ thống tưới kết hợp với các máy móc khác như máy hái cà phê, ông đã tăng gấp đôi năng suất trung bình lên khoảng 60 bao/hecta và kiếm được lợi nhuận ngay cả khi giá cà phê giảm.

Giá cà phê arabica trên Sàn giao dịch ICE Futures Mỹ giảm xuống 1,94 USD/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2005.

Xen canh tại Việt Nam

Hạt cà phê arabica có hương vị ngọt và nhẹ nhàng hơn, chiếm gần 2/3 sản lượng cà phê trên thế giới. Hạt robusta đắng và mạnh hơn, chiếm lượng lớn số cà phê còn lại, chủ yếu đến từ Việt Nam.

Tại một nhà kho của công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam Simexco Dak Lak, cà phê được xếp gọn gàng thành từng chồng cao vài m, chuẩn bị được xuất khẩu sang châu Âu. Nhà kho có sức chứa khoảng 20.000 tấn cà phê trong mùa thu hoạch.

Ông Thái Anh Tuấn, quản lý nhà kho tại Simexco, tiết lộ: "Vào mùa thu hoạch, ngay cả một lối đi bộ qua nhà kho cũng trở nên xa xỉ. Mọi ngõ ngách đều được sử dụng để chứa cà phê. Chúng tôi phải thuê thêm nhà kho để chứa hàng".

Ông Tuấn cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định của xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong 4, 5 năm qua nhờ vào tăng cường đổi mới kỹ thuật canh tác, bao gồm xen canh và sử dụng các công nghệ tân tiến trong tưới tiêu và canh tác.

Cà phê được xen canh tại Việt Nam để tăng thu nhập. Ảnh: Reuters.

Cà phê hiện vẫn là cây trồng chính tại Đăk Lăk, tỉnh sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam, mặc dù sầu riêng, mít, xoài và bơ đều được xen canh với cà phê để tối đa hóa thu nhập.

Tung, một nông dân trồng cà phê sở hữu trang trại rộng 10 hecta, cho biết xen canh cà phê với cây sầu riêng giúp bảo vệ cây khỏi ánh nắng mặt trời và sâu bệnh. "Nông dân ở đây đã thử nghiệm xen canh trong gần một thập kỷ rồi", Reuters dẫn lời ông Tung. "Xen canh có thể giúp thu nhập của chúng tôi tăng gấp ba lần".

Khủng hoảng ở Colombia

Nông dân ở Colombia phải đối mặt với một tương lai khác xa. Giá cà phê giảm và chi phí tăng cao, một số nông dân chuẩn bị chuyển sang loại cây trồng khác hoặc bán nông trại, mặc dù chính phủ đã trợ cấp hàng chục triệu USD.

Jose Eliecer Sierra, 53 tuổi, đã trồng cà phê 30 năm, đang phải xem xét đến các lựa chọn thay thế vì giá cà phê quá thấp.

"Bơ đang có nhu cầu cao ở nước ngoài và là một trong những lựa chọn. Các nông dân cũng xem xét chuyển sang chăn nuôi gia súc, bỏ các cây cà phê và trồng cỏ cho bò", ông Sierra than thở trong khi đang đứng giữa 41.000 cây cà phê trên một sườn núi phủ sương mù ở Pueblorrico, tỉnh Antioquia (Colombia).

Đối với một số nông dân, chuyển sang cây trồng khác có thể vẫn không cứu được họ. Uriel Posada, một họa sĩ Mỹ nuôi ước mơ trở về Colombia để trồng cà phê, đang phải rao bán đất trồng của mình.

"Tôi đang gánh một khoản nợ lớn. Brazil có nhiều lợi thế hơn chúng tôi. Họ có máy móc và đất trồng bằng phẳng. Ở đây, tôi phải trả tiền cho công nhân đến từng cây cà phê và hái từng quả".

Theo ông, bơ và gia súc là lựa chọn thay thế tốt nhưng vẫn đòi hỏi vốn và thời gian. "Tôi sẽ bán đất, trả nợ và kết thúc giấc mơ Colombia", ông Posada nói.

Phương Thảo (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.