Cập nhật 19/04/2021 10:30 AM
Từ hai bàn tay trắng Howard Schultz đã xây dựng nên “đế chế” cà phê nổi tiếng để rồi trở thành tỷ phú với khối tài sản 2,8 tỷ USD.

Howard Schultz sinh ngày19/7/1953 tại Brooklyn, New York (Mỹ). Tuổi thơ của ông là những tháng năm nghèo khó trong một dự án nhà ở xã hội được chính phủ trợ cấp. Cha mẹ của ông thậm chí không học hết trung học.

Năm 1961, khi Howard Schultz lên 7, một ngày đi học về, ông chứng kiến cha gặp tai nạn, bị vỡ mắt cá chân khi đang là tài xế xe tải và giao tã bỉm. Bố Howard Schultz bị thương khi đang làm việc nhưng lại không có tiền bồi thường dành cho công nhân, không có hợp đồng và cũng không có bảo hiểm y tế. Ông mất khả năng làm việc sau tai nạn đó và hoàn toàn không nhận được khoản trợ cấp nào. Và dĩ nhiên, sau biến cố ấy, gia đình ông không có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Cho tới tận bây giờ, ông vẫn nhớ hình ảnh người cha nằm tuyệt vọng trên ghế với băng nẹp vì tại nạn tại nơi làm việc. Vài năm sau đó cha qua đời, tình hình kinh tế gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Mặc dù thế, mẹ của Howard Schultz vẫn luôn khuyến khích các con học hành đến nơi đến chốn để không đi theo vết xe đổ của bố mẹ. Bà tin rằng nền tảng giáo dục tốt chính là cánh cửa mở ra cơ hội thoát khỏi cái nghèo cho con trai và gia đình.

Chính tuổi thơ đầy khó khăn đã giúp tôi luyện tính cách kiên cường cho Howard. Khi học đại học, Howard đi làm thêm liên tục, thậm chí nhiều lúc còn phải đi bán máu để trang trải phí sinh hoạt. Ông tham gia nhiều công việc lặt vặt trong trường. Để có tiền học, ông làm đủ công việc như nhân viên pha chế, thậm chí còn bán máu.

Sau khi tốt nghiệp, Schultz có một công việc thuộc chương trình đào tạo bán hàng tại Xerox. Vài năm sau đó, ông làm việc tại Hammarplast, một doanh nghiệp đồ gia dụng thuộc sở hữu của một công ty Thụy Điển tên là Perstorp. Ở công ty này, Schultz đã vươn lên vị trí phó chủ tịch và tổng giám đốc, lãnh đạo một nhóm nhân viên bán hàng cấp dưới. Dù có chút thành công đầu đời, nhưng ông vẫn luôn đau đáu trong lòng, tự hỏi rằng “mình sẽ làm gì tiếp”.

Năm 1979, ông lọt vào mắt xanh của Hammarplast - nhà kinh doanh máy pha cà phê của Thụy Điển. Cũng nhờ cơ hội này mà Howard Schultz đã biết tới Starbucks và được gặp gỡ ba nhà sáng lập của công ty này: Giáo sư Anh ngữ Jerry Baldwin, Giáo sư lịch sử Zev Siegl và nhà văn Gordon Bowker.

Gia nhập Starbucks đồng nghĩa với việc phải di chuyển khắp nơi, lương thấp hơn và đặc biệt là gặp phải phản đối từ gia đình nhưng Howard chắc chắn rằng đây là nước đi đúng đắn. Ông đã mất một năm để thuyết phục Baldwin thuê ông về làm giám đốc marketing. Tại thời điểm đó, Starbucks vẫn chưa thực sự phát triển mà chỉ là nơi rang xay cà phê bán cho khách hàng sử dụng tại nhà.

Vào đầu những năm 80, việc Howard Schultz gia nhập công ty đã giúp Starbucks đạt mục tiêu dường như bất khả thi, trở thành hãng cà phê cao cấp phổ biến nhất nước Mỹ. Howard Schultz là người có tham vọng lớn, ông muốn đưa Starbucks vươn tầm thế giới. Thậm chí, Howard Schultz từng rời công ty một thời gian ngắn vì không thể thuyết phục được những nhà sáng lập Starbucks phát triển hãng theo kế hoạch của mình, đưa công ty trở thành chuỗi thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là một nơi rang xay cà phê.

Năm 1987, Howard Schultz mua lại thương hiệu Starbucks và 17 cửa hàng bán lẻ với giá chỉ 3,8 triệu USD. Sau đó, ông chính thức trở thành giám đốc điều hành của Starbucks, tiến hành cải tổ và mở rộng nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn khác. Năm 2008, Starbucks đã phải trải qua cơn khủng hoảng lớn nhưng Howard Schultz đã tìm cách vực lại doanh nghiệp thành công. Người ta nói rằng, huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ là Steve Jobs thì “ông trùm” ngành công nghiệp cà phê chắc chắn phải nhắc đến Howard Schultz. Ông đã chứng minh rằng Starbucks tốt hơn nhiều thương hiệu cà phê khác: thương lưu, phong phú và tinh tế hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Howard, tập đoàn tăng trưởng đến mức đáng kinh ngạc. Ông liên tục tạo ra những chiến dịch lớn cho Starbucks và gây nhiều tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sau một thập kỉ thành lập, Starbucks đã phát triển từ 1.886 chi nhánh lên tới 16.680 chi nhánh. Hiện tại, Starbucks đã có hơn 28.000 cửa hàng tại 77 quốc gia, đem lại doanh thu ròng khoảng 22.4 tỷ USD chỉ tính riêng năm 2017. Tháng 12/2017, ông từ chức CEO Starbucks, và tuyên bố chuẩn bị để tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Tuy từ chức nhưng ông sẽ không rời xa công ty, ông vẫn luôn ở đó, tìm cách phát triển công ty và tạo cảm hứng cho hàng nghìn nhân viên mỗi ngày.

Ngọc Tú (Enternews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.